Nghịch lý máy ozone khử độc lại cực kỳ... độc hại

Google News

(Kiến Thức) - Theo phân tích của các nhà khoa học, việc dùng máy ozone khử độc không an toàn. Thậm chí nó còn có thể gây ung thư vòm họng. 

Lập lờ máy công suất cao với máy gia đình
Khi thắc mắc về máy ozone, ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại và Dịch vụ Biển Xanh cho rằng, quảng cáo tác dụng bên ngoài hay bên trong thực phẩm thế nào thì ông không biết, chỉ căn cứ vào tác dụng của ozone và TS Nguyễn Văn Khải (Giám đốc Trung tâm Dung dịch Hoạt hóa Điện hóa và Đèn tiết kiệm Điện năng) tư vấn như thế nào thì bên công ty Biển Xanh làm đúng như thế. 
Tuy nhiên, khi trao đổi cùng TS Khải, chúng tôi nhận được những thông tin ngược lại, thậm chí cho hay máy dạng này còn nhiều hạn chế. 
Theo TS Nguyễn Văn Khải, máy ozone chất lượng tốt phải có công suất lớn, có bộ phận lọc và sấy khô oxy để tránh sản sinh ra khí độc. Bởi trong không khí có khoảng 19% phân tử oxy và 79% khí nitơ. Với máy tốt, sau khi lọc sấy sẽ sản sinh ra được khoảng 10% khí ozone sạch. Ngược lại, các loại máy nhỏ vẫn sản sinh ra khí ozone nhưng ít còn khí oxit nitơ nhiều hơn theo tỷ lệ thuận luồng không khí đi vào. Một khi khí ozone ít đồng nghĩa với tác dụng máy rất thấp. 
"Máy tốt, có bộ lọc không khí thường công suất cao vài chục KW. Còn các loại máy sục ozone khoảng 1,5 triệu đồng, chỉ sinh ra vài gam ozone/giờ không thể có bộ lọc này. Nhà sản xuất đừng lập lờ giữa máy công suất cao với máy gia đình, điều này không khác gì so sánh điện cao thế 500KV với dòng điện pin con thỏ 1,5V", TS Khải nhấn mạnh.  
TS Nguyễn Văn Khải cho biết thêm, tác dụng của máy ozone Nonan chính là loại bỏ chất độc. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của loại máy này là khi không biết chất độc đó là gì. Việc sử dụng thực phẩm không an toàn để sục ozone có thể tác động đến chất độc này ở nhiều cấp độ khác nhau. Đó là, có thể làm thuốc mất tác dụng tức không còn độc tố, hoặc giảm độ độc (giảm tác dụng) hoặc không tác dụng đối với độc tố của thuốc và cuối cùng là làm độc tố tăng thêm. Trong khi đó, việc người trồng sử dụng bao nhiêu loại thuốc trừ sâu, thuốc đó là chất gì thì đố nhà sản xuất máy ozone hay người sử dụng biết được. 
"Có loại quả cà chua dùng đến 8 loại thuốc trừ sâu, tạo thành một hỗn hợp có tác dụng xấu. Nếu cho quả này vào sục ozone thì ai đảm bảo thuốc này sẽ tốt lên?. Điều này nhà khoa học còn không biết thì dân biết làm sao được. Hay thuốc bảo quản có gốc clo hay DDT thì máy không thể sục khử độc được. Như thế, máy chỉ có tác dụng với một số chất", TS Nguyễn Văn Khải cho hay. 
Hầu hết máy ozone bán trên thị trường không an toàn cho người sử dụng bởi máy tạo ra khí oxit nitơ. 
Nguy cơ gây ung thư vòm họng
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nho, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, hầu hết máy ozone bán trên thị trường không an toàn cho người sử dụng bởi máy tạo ra khí oxit nitơ. Khí này bám vào vòm họng và được xem là một trong những nguy cơ gây nên ung thư vòm họng. 
PGS.TS Nguyễn Văn Nho phân tích, mùi khi dùng máy ozone chính là mùi oxit nitơ. "Để muốn tạo ozone sạch phải sử dụng oxy sạch. Các máy sản xuất đơn giản sẽ tạo ra nhiều khí độc. Trường hợp lấy không khí từ ngoài vào là hoàn toàn không sạch, bởi không khí chứa đến 70% khí nitơ. Qua phân hủy khí nitơ này sẽ thành oxit nitơ và ozone. Lượng ozone không lớn còn khí oxit nitơ lại cao hơn", PGS.TS Nguyễn Văn Nho cho biết. 
Oxit nitơ cực kỳ độc hại đối với người sử dụng, đặc biệt là khi ăn kèm thực phẩm chứa chất này với mắm tôm hay sản phẩm lên men tạo nên sự phân hủy oxit nitơ. Khí này bám vào vòm họng và được xem là một trong những nguy cơ gây nên ung thư vòm họng. 
Khí ozone không tan trong nước nhưng khi vào nước gặp một số chất thì ozone nhường một oxy và trở thành một phân tử oxy trung hòa không có tác dụng với chất khác. Chính nguyên tử oxy được nhường đó tác động đến chất độc.  
Thu Hiền

Bình luận(0)