Chăm vợ “không nhớ chồng là ai“

Google News

"Đến chồng cũng không nhận ra, có đêm nhìn thấy tôi bà quát ầm lên sao ông lại vào giường của tôi"

- Gần hai năm qua, kể từ khi vợ bị mắc chứng quên, ông Nguyễn Hữu Điển đã áp dụng bài thuốc bấm huyệt tự chữa bệnh cho vợ. Niềm vui của ông là giữ được cho bà sức khoẻ, dù trí nhớ không hồi phục nhưng vẫn có bà sống ở cạnh bên, đêm ngày có vợ có chồng.

Mắc chứng quên ở tuổi 75

Bà Nguyễn Thị Thưởng (Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) bị mắc chứng quên ở tuổi 75. Ông Điển kể, có lẽ là do di truyền, mẹ của bà Thưởng cũng bị mắc bệnh giống thế này khi về già.

Nhìn bề ngoài hoặc tiếp xúc ngắn với bà Thưởng, sẽ không ai biết bà bị bệnh. Bà rất tươi cười, thân thiết, hay hỏi han, quan tâm tới mọi người. Nhưng ngồi nói chuyện với bà một lúc thì thấy, bà lặp lại tất cả các câu hỏi dù vừa hỏi và được nghe trả lời.

Ông Điển bảo, giờ bà không có khả năng ghi nhớ gì cả. "Ăn rồi bảo chưa ăn, không thể ra khỏi nhà vì không nhớ đường về. Thậm chí không còn nhớ mình là ai, có các con như thế nào. Đến chồng cũng không nhận ra, có đêm nhìn thấy tôi bà quát ầm lên sao ông lại vào giường của tôi", ông Điển tâm sự.

Sự "quên" đó đã kéo theo một loạt các khó khăn khác. Bà Thưởng dù không thể tự chăm sóc bản thân nhưng lại từ chối sự giúp đỡ của những người thân - vì cứ tưởng người lạ. Từ ăn uống, tắm rửa, uống thuốc...các con đều phải nịnh "gẫy lưỡi" mà chẳng ăn thua. Cuối cùng tất cả lại chỉ còn chờ vào ông Điển.
Ông Điển đang bấm huyệt cho vợ sau bữa tối.
Ông Điển đang bấm huyệt cho vợ sau bữa tối.

Sẽ chăm vợ tới phút cuối cùng

Ông Điển trước vốn làm trong ngành cầu đường, từ khi về hưu, ông đảm trách nhiều công việc ở làng, xã. Chức Phó Bí thư Chi bộ, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, Trưởng ban Hòa giải... đã ngốn hết thời gian rảnh của ông. Từ khi vợ ốm, quỹ thời gian của ông càng ngắn lại, phải cố gắng sắp xếp, vo véo thật khéo mới đủ để hoàn thành nhiệm vụ một ngày.

Vậy nhưng, lúc nào ông Điển cũng dành cho vợ sự chăm sóc chu đáo, tận tình. Hằng sáng, sau khi đạp xe đi tập thể dục về, ông bắt đầu lo bữa sáng cho bà. "Tôi thường chú ý mua những thức ăn đa dạng, nhất là có chất bổ thần kinh cho bà ấy. Hôm nào không mua thì tôi tự nấu", ông Điển kể.

Đặc biệt, ngày 2 lần, ông thực hiện bấm huyệt đều đặn cho vợ. Ông Điển giở cho tôi xem tệp tài liệu dày ông cất cẩn thận về những bài bấm huyệt mà ông đã từng học. Ông bảo, đây là phương pháp "diện chẩn", trên mặt con người có rất nhiều huyệt đạo, được đánh số cẩn thận, tùy vào từng loại bệnh mà bấm những huyệt khác nhau. Với vợ, ông áp dụng bài chữa giúp phục hồi trí nhớ.

Ông Điển chia sẻ: "Tôi biết bệnh bà ấy không khỏi được, nhưng tôi cố gắng hết sức để bà ấy khoẻ, chăm vợ tới giây phút cuối cùng. Từ ngày được tôi xoa bóp, kết hợp bấm huyệt, sức khoẻ của bà ấy ổn định, tuy chẳng thể nhớ lại nhưng cũng không đau ốm gì. Với tôi đó là điều tuyệt vời rồi. Vì các con vẫn còn có mẹ, vợ chồng vẫn không thiếu nhau. Những lúc vui, buồn, dù điều tôi nói bà ấy chẳng hiểu, nhưng tôi vẫn vui vì được chia sẻ với vợ".

Ông Điển bảo, ông làm tất cả những việc trên vì luôn quan niệm, vợ chồng là nghĩa tào khang, đã thề nguyền kết bạn trăm năm thì khi hoạn nạn càng phải cần có nhau. Ngoài ra, ông cũng muốn các con nhìn vào cách cư xử của bố mẹ để biết sống sao cho trọn nghĩa, vẹn tình.

Mai Loan

Bình luận(0)