Những phát hiện rúng động về chủ lâu đài gà dát vàng HN

Google News

Chủ nhân tòa lâu đài dát vàng đang bị coi là xây trái phép ở Hà Nội đang là tâm điểm của hàng loạt nghi vấn tiêu cực.

Báo Năng lượng Mới - PetroTimes đăng bài điều tra “Lâu đài gà vàng” của đại gia Thanh “sắt” thách đố chính quyền, Ủy ban Nhân dân phường Nghĩa Đô “né” thông tin về “Lâu đài gà vàng”. Mở rộng điều tra, chúng tôi còn phát hiện hàng loạt sự việc thể hiện sự coi thường pháp luật, dùng đồng tiền để làm những việc sai trái khiến dư luận bất bình với “đại gia” này...
Biến “nghịch tử” thành thanh niên... yêu nước 
Đầu năm 2014, hàng loạt tờ báo lớn đưa tin bài ca ngợi “tấm gương” một thanh niên con một đại gia ở Hà Nội gác lại dự định du học để ra Trường Sa thực hiện nghĩa vụ quân sự. Có tờ báo, kể cả kênh truyền hình Quốc gia cũng bình luận “Tổ quốc cần lắm những con người như thế” (!). Nhưng sự thật về Binh nhì Nguyễn Quốc Đức, con trai ông Nguyễn Quốc Thanh (tức đại gia Thanh “sắt”, khi đó là chiến sĩ thuộc Phân đội Pháo PK37 tại đảo Trường Sa Lớn (thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) không phải như vậy.
Đức là con thứ hai trong gia đình có 5 anh em. Về việc Nguyễn Quốc Đức ra Trường Sa, được một số tờ báo thuật rằng, hầu như cả thời học phổ thông trung học từ năm 2006 đến 2010, Đức học ở New Zealand và Australia. Đức kể: “Một lần cháu nghe bạn của bố mẹ cháu nói chuẩn bị cho con sang New Zealand học. Cháu rất thích ra nước ngoài học tập. Thế là bố mẹ lo cho sang New Zealand học”. Năm 2006 mới 11 tuổi Đức sang New Zealand.
Đức nói, tính Đức tò mò, rất thích khám phá. Vì vậy mỗi năm Đức chuyển một trường, đến một thành phố khác để vừa học vừa khám phá. 7 năm học, 5 năm ở New Zealand, 2 năm ở Australia đã đủ những trải nghiệm cho cậu học trò 18 tuổi. “Chuyển trường nhiều như vậy, nhưng thành tích học tập của cháu năm nào cũng tốt, nhận giấy khen của trường nữa đấy chú ạ!” - Đức khoe trên một tờ báo.
Ông Nguyễn Quốc Thanh trong vai một cán bộ cấp cao nên được ra thăm và gặp con trai ở Trường Sa.
Sau đó, vẫn theo lời kể của nhân vật này, đầu năm 2013, Đức về nước phụ giúp bố công việc kinh doanh. Định bụng là lao ra thương trường một thời gian, có chút kinh nghiệm rồi sẽ đi học tiếp đại học ở nước ngoài. Nhưng sau đó, cậu ta đã cùng với bạn bè tham gia một khóa huấn luyện “Học kỳ quân đội” ở Thái Nguyên và khi khoác lên mình chiếc áo nhà binh, cậu bỗng nổi hứng: “Sao không theo nghiệp nhà binh nhỉ?” và “quyết luôn” sẽ vào bộ đội. Đức đã về nhà trình bày nguyện vọng với gia đình xin cho nhập ngũ và dù bố mẹ thương, không muốn cho “đi lính vì sợ con trai vất vả”, Đức vẫn thuyết phục bố mẹ rồi nộp đơn lên phường xin nhập ngũ.
Về lý do chọn ra Trường Sa, nhân vật này giãi bày: “Khi còn học ở nước ngoài, cháu có đọc và biết nhiều về Trường Sa, Hoàng Sa là nơi đầu sóng, ngọn gió của Tổ quốc, đang cần những thanh niên có ý chí và sức vóc canh trời, canh biển. Cháu nung nấu ước mơ được một lần ra với đảo, được đóng góp một phần công sức bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc”.
Tuy nhiên, sự thật Nguyễn Quốc Đức không phải là một học trò ngoan. Chính trong một bài trên VnExpress đã viết: “Sau đó, cậu học hành sa sút dần vào những năm cuối cấp. Được gia đình chu cấp đầy đủ, lại đang tuổi ăn, tuổi chơi nên Đức lơ là học tập”.
Một video clip được phát trên Đài Truyền hình Việt Nam dịp đầu xuân 2014 đã phản ánh chân thật hơn cả về quá khứ của nhân vật này với những tình tiết như: Chơi bời, quậy phá, trước lúc ra đảo chủ yếu ăn chơi, lên sàn… Chính cậu ta cũng nói với phóng viên truyền hình: “Trước khi tôi nhập ngũ thì cuộc sống rất nhàn hạ, suốt ngày chỉ đi ăn, đi chơi, tụ tập bạn bè hát hò, rồi lên quán bar”. Cậu ta thừa nhận từng có một quá khứ “vô nghĩa”, “ưa tận hưởng cuộc sống, thích những phút giây điên cuồng trong đêm”. Phóng sự còn đưa hình ảnh cậu ta cởi trần, xăm trổ khắp người.
Nguyễn Quốc Đức khi chưa vào quân đội.
Trường Sa không cần những “quân nhân lẻ” như vậy!
Nhìn lại việc chiến sĩ Nguyễn Quốc Đức ra Trường Sa cũng như một số trường hợp khác, sẽ thấy nhiều điều bất cập ở đây. Theo Luật nghĩa vụ quân sự và các văn bản dưới luật của Chính phủ, Bộ Quốc phòng quy định, không hề có khoản mục nào đối với việc tuyển những quân nhân riêng lẻ ra Trường Sa để rèn luyện. Cụ thể, theo Thông tư số: 07/2012/TT-BQP ngày 3/2/2012 của Bộ Quốc phòng do Đại tướng Phùng Quang Thanh ký, quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ lẻ thì những trường hợp được tuyển lẻ là tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ ngoài chỉ tiêu tuyển quân hằng năm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Có hai đối tượng được tuyển lẻ. Đối tượng thứ nhất, tuyển lẻ theo nhu cầu biên chế, yêu cầu nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị và các nhiệm vụ đặc biệt gồm: Đào tạo phi công quân sự; đào tạo sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật ở trong nước và nước ngoài; vận động viên ở các đoàn (đội) thể thao Quân đội; Diễn viên, nhạc công… ở các nhà hát, đoàn (đội) nghệ thuật chuyên nghiệp, quân nhạc chuyên nghiệp; thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của quân đội. Đối tượng tuyển lẻ thứ hai theo kế hoạch tuyển sinh quân sự của Bộ Quốc phòng.
Tại Điều 6 của thông tư quy định rõ các đối tượng tuyển lẻ theo yêu cầu nhiệm vụ theo trình tự: Đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng có nhu cầu tuyển lẻ: Xây dựng kế hoạch, kiểm tra, xác định đối tượng tuyển lẻ có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 4 Thông tư này; lập báo cáo đề nghị Bộ Tổng tham mưu (qua Cục Quân lực); chỉ đạo đơn vị được tuyển lẻ liên hệ với địa phương có công dân tuyển lẻ để triển khai thực hiện quyết định tuyển lẻ của Tổng Tham mưu trưởng.
Đối chiếu với những quy định trên thì chiến sĩ Nguyễn Quốc Đức này hoàn toàn không phải là trường hợp đặc biệt thuộc đối tượng tuyển lẻ. Còn đối tượng tuyển quân theo chỉ tiêu hằng năm, riêng năm 2013 cũng không có chỉ tiêu tuyển quân ra Trường Sa ở nơi Nguyễn Quốc Đức đăng ký hộ khẩu thường trú. Vậy thì rõ ràng, việc ra Trường Sa này không phải là “xung phong”, “thuyết phục gia đình”.
Dư luận đặt câu hỏi, vì sao một thanh niên bình thường, vừa học tập và sinh sống ở nước ngoài về, trước đó lại chơi bời làm bố mẹ buồn phiền nhiều như chính cậu ta thú nhận với báo chí, vì sao lại được “tuyển lẻ” vào một đơn vị như vậy?
Đức được tuyển lẻ với danh nghĩa gì và do ai thu xếp?
Đó là chưa kể theo Thông tư số 167/2010/TT-BQP ngày 19/11/2000 của Bộ Quốc phòng vẫn do Bộ trưởng Phùng Quang Thanh ký có quy định rõ: “Những công dân xăm da (bằng kim) có hình mang tính kinh dị, kỳ quái, kích động, bạo lực gây phản cảm ở những vị trí lộ diện như mặt, cổ, tay (từ 1/3 dưới cánh tay trở xuống); chân (1/3 từ dưới đùi trở xuống), không gọi nhập ngũ vào quân đội”.
Vậy mà Đức có rất nhiều hình xăm trên cơ thể vẫn được nhập ngũ.
Quyết định xuất ngũ trước thời hạn của Nguyễn Quốc Đức.
Trường Sa là tuyến đầu của Tổ quốc, là nơi cần tuyển chọn những quân nhân có lý lịch rõ ràng, trong sạch, có hạnh kiểm và sức khỏe tốt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chứ không phải là nơi giáo dục, rèn luyện các “quý tử” hư hỏng. Yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu rất cao, nhất là khi tình hình biển đảo đang nóng như hiện nay. Điều gì sẽ xảy ra khi những quân nhân “công tử” không chịu rèn luyện, thường xuyên uống rượu say, sinh hoạt xa hoa với rượu mạnh như vậy? Đó không còn là chuyện riêng của cá nhân mà còn ảnh hưởng tới môi trường kỷ luật, nền nếp công tác, chế độ chiến đấu của một đơn vị có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong bảo vệ biển đảo hiện nay.
Được biết, sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo Bộ Quốc phòng phát hiện Nguyễn Quốc Đức nhập ngũ có những điều khuất tất nên đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ sự việc. Sau đó, Bộ Tư lệnh vùng 4 - Quân chủng Hải quân đã cho Nguyễn Quốc Đức xuất ngũ (Quyết định số 02/QĐ-XN, ngày 12/8/2014 do Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng vùng 4 ký (xuất ngũ trước thời hạn), lý do: “Không đủ tiêu chuẩn chính trị phục vụ trong quân đội”. Sau đó, thanh niên này đã rời đơn vị trở về đất liền. Theo các sĩ quan từng công tác ở cơ quan tham mưu, đây là trường hợp bị loại ngũ.
"Quý tử" dùng bằng giả
Cũng liên quan tới nhân vật Nguyễn Quốc Đức, hoàn toàn trái ngược với thông tin báo chí đưa “năm nào cũng được khen thưởng khi đi du học”, mở rộng điều tra, chúng tôi đã phát hiện thanh niên này còn sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả. Mặc dù thông tin với báo chí là đi du học và sống ở Hà Nội từ nhỏ nhưng Nguyễn Quốc Đức lại có bằng tốt nghiệp THPT ở trong nước do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cấp. Theo thông tin trên bằng thì Đức tốt nghiệp tại Trường THPT Tĩnh Gia 5.
 Bằng giả mang tên Nguyễn Quốc Đức.
Làm việc với báo chí, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chuyên viên phòng cấp phát bằng tốt nghiệp Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa xác minh danh sách thí sinh được cấp bằng tốt nghiệp THPT năm học 2011-2012 huyện Tĩnh Gia và tỉnh Thanh Hóa không có tên học sinh Nguyễn Quốc Đức, số bằng cấp của người cuối cùng ở huyện Tĩnh Gia là: 551079055. Số bằng ghi trong giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT của Nguyễn Quốc Đức, sinh năm 1995 lại là 551080326 sang huyện khác. Có thể khẳng định: Bằng tốt nghiệp THPT Tĩnh Gia 5 của Nguyễn Quốc Đức do Phó giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa Lê Văn Hoa ký là bằng giả... Thế nhưng, đến nay, việc sai phạm này vẫn chưa được làm rõ.
Mở rộng điều tra, phóng viên còn nhận được nhiều thông tin khác, phản ánh sai phạm nghiêm trọng về sử dụng đất đai của ông Nguyễn Quốc Thanh tại quận Cầu Giấy. Theo đơn thư tố cáo, ông Nguyễn Quốc Thanh và ông Lê Danh Cường, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Cầu Giấy, ông Nguyễn Bá Thuận, nguyên Phó chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô (nay công tác tại nhà văn hóa quận Cầu Giấy) đã có sự thông đồng, chiếm đoạt hàng vạn m2 đất công đều thuộc các khu “đất vàng”.
UBND quận Cầu Giấy và UBND thành phố Hà Nội đã có 5 công văn thông báo và kết luận các vụ chiếm đoạt đất công từ năm 2010 đến nay. Song điều trái khoáy là các đối tượng khác liên quan đến hành vi chiếm đất thì đều đã bị xử lý, riêng những hành vi sai phạm của Nguyễn Quốc Thanh thì các vụ việc đều kéo dài mấy năm nay vẫn chưa thấy chính quyền xử lý.
Chúng tôi sẽ trở lại những vấn đề này trong bài điều tra sau.
Theo Petrotimes

Bình luận(0)