Theo một thống kê từ Reuters vào năm 2011, Trung Quốc có gần nửa tỷ người dùng Internet, đứng đầu thế giới. Một nghiên cứu khác từ Jane Hendrick, quản lý cấp cao tại Tập đoàn Gerson Lehrman cho thấy: phân nửa người dùng Internet tại Trung Quốc dùng hơn 1 mạng xã hội. Họ cũng có thời gian online và độ “cống hiến” cho mạng xã hội cao hơn đa số người dùng các nước khác.
Thị trường Internet của các tên tuổi nội
Thống kê của Tech In Asia vào năm 2014 cho thấy, người Trung Quốc nhắn tin bằng WeChat và Laiwang, dùng ứng dụng kết bạn riêng với tên gọi Momo thay thế cho Snapchat.
Thay thế mạng xã hội Facebook, họ có Weibo, Renren và nhiều mạng nhỏ lẻ khác cho từng nhóm người dùng.
Nhiều trang chia sẻ video nở rộ như Youku, PPTV, Sohu Video hay iQiyi, chúng chiếu phim ảnh, chương trình truyền hình có bản quyền, và mỗi website đều có thế mạnh riêng. Youtube hay Hulu chưa có mặt tại đây.
Thay thế cho các dịch vụ Google, người dùng có Baidu là công cụ tìm kiếm, QQ thay thế Google Mail. Gần như mọi dịch vụ quốc tế đều có một phiên bản Trung Quốc do chính các công ty nội địa tạo ra.
|
Thế giới mạng xã hội tại Trung Quốc. Ảnh:Kantar. |
Nhiều người cho rằng việc kiểm soát Internet đã khiến các sản phẩm nội địa của Trung Quốc rộng đường sinh sống hơn. Từ năm 1997, họ bắt đầu kiểm duyệt Internet với chiến dịch được Wired gọi là “Phòng Hỏa Trường Thành” - The Great Firewall (chơi chữ từ Vạn Lý Trường Thành - The Great Wall).
Kết quả, hàng nghìn trang web đồi trụy được khóa ngay lập tức, nhiều trang web khác như YouTube, Flickr hay Wikipedia bị kiểm soát mạnh. Facebook bị chặn năm 2009 và gần như tất cả các dịch vụ của Google không thể truy cập từ 2014.
“Cùng với việc chặn các trang nước ngoài, điều này khiến người dùng có ít lựa chọn hơn, do đó gần như họ phải chuyển qua các dịch vụ trong nước”, một đồng sáng lập trang FreeWeibo.org với bút danh Charlie Smith chia sẻ.
|
Trung Quốc hầu như không tồn tại các trang mạng xã hội phổ biến thế giới. Ảnh: Melisa MacKay.
|
Bloomberg dẫn chứng: Năm 2008, Facebook tung ra phiên bản Trung Quốc tại đại lục và chỉ thu về khoảng 285.000 đăng ký trong số gần 300 triệu người dùng Internet thời bấy giờ.
Thực tế, ngay cả khi các đạo luật được nới lỏng, thị trường cũng không dễ dàng cho các công ty nước ngoài. Người dùng Internet có những đặc thù riêng khác biệt, thậm chí trái ngược với các giá trị phương Tây.
Lý do đưa ra là họ không cạnh tranh được với trang QQ, vốn phát triển từ hệ thống nhắn tin đã quá phổ biến ở đó.
Bí mật danh tính cũng là điều quan trọng. Thống kê từ Statista năm 2016 cho thấy vẫn còn 61% người dùng Trung Quốc ẩn danh trên mạng. Điều này trái với chính sách và cấu trúc của Facebook, hay các mạng xã hội từ châu Âu vốn đề cao sự minh bạch và luôn yêu cầu danh tính người dùng.
Thứ ba, các ứng dụng, mạng xã hội Trung Quốc gần như gắn liền với đời sống người dân. WhatsApp, ứng dụng do Facebook mua lại với giá 19 tỷ USD đang là dịch vụ được “mở cửa” tại Trung Quốc, nhưng cũng không cạnh tranh nổi với WeChat.
Một lý do quan trọng khác là WeChat đã hỗ trợ gần như đầy đủ các chức năng như mua sắm, mượn tiền, gọi taxi, mua vé phim và nhiều dịch vụ nội địa khác. WhatsApp tại Trung Quốc hầu như chỉ có tác dụng nhắn tin. Vấn đề tương tự đang diễn ra với Facebook Mesenger.
Nhất lộ hướng Đông
Tuy vậy, thị trường tỷ dân với hơn một nửa chưa tham gia Internet vẫn quá lớn để có thể bỏ qua. Facebook, Google, Apple và nhiều công ty công nghệ khác đang cố gắng thâm nhập thị trường sau nhiều năm bỏ lửng.
Bloomberg cũng đánh giá Facebook (và các mạng xã hội phương Tây khác) tại Trung Quốc ít có lợi thế ở Trung Quốc. Các nhà quản lý Trung Quốc đang siết chặt. Theo đó, nếu Facebook muốn hoạt động, họ cần thay đổi chính sách và “chơi theo luật” của nước này.
Các công ty phương Tây đang có nhiều động thái cả “cứng” lẫn “mềm” để thâm nhập thị trường tỷ dân. Mark Zuckerberg dành nhiều thời gian đến Trung Quốc, tung hình ảnh chạy bộ cạnh Thiên An Môn.
Trong thời gian qua, ông chủ Facebook cũng hội kiến nhiều nhà chức trách Trung Quốc nhằm tìm ra giải pháp để thâm nhập thị trường. Chính quyền nước này đang có nhiều biện pháp cứng rắn hơn với mạng xã hội từ thời ông Tập Cận Bình.
Theo Time, nếu Facebook muốn trở lại đây, họ gần như phải chấp nhận theo các luật kiểm duyệt. Có thể, một phiên bản Facebook cắt ghép vẫn tốt hơn tình trạng bị chặn hiện tại.
|
Dù có nhiều cố gắng, Facebook vẫn còn lộ trình dài để thâm nhập Trung Quốc. Ảnh:BBC. |
LinkedIn, trang cộng đồng tìm việc lớn nhất thế giới, đã có nhiều động thái “chiều lòng” chính quyền Trung Quốc bằng cách xóa những nội dung được các nhà quản lý cho là “nhạy cảm”.
Năm 2016, Google Play có cơ hội trở lại Trung Quốc, về lý thuyết, nó mở ra cánh cửa rộng hơn cho các nhà phát triển nước ngoài, nhất là ngành công nghiệp game di động.
Đầu năm nay, Bắc Kinh siết chặt luật lệ, giới hạn quyền hoạt động và thương mại các dịch vụ, nội dung điện tử. Theo đó, các cố gắng của Google gần như đổ sông đổ bể.
Apple cũng từng phải nhượng bộ tại quốc gia tỷ dân. Năm 2014, họ đồng ý yêu cầu của chính phủ, trao dịch vụ iCloud của người dùng Trung Quốc vào các máy chủ của Trung Quốc.
Họ chật vật để phát hành Apple Pay, chính phủ cũng cấm các viên chức nhà nước xài thiết bị của Apple. Thậm chí, Tim Cook tuyên bố Apple phải “cân nhắc về Trung Quốc” khi thiết kế sản phẩm mới, Cult of Mac dẫn lời.
Có thể, các tên tuổi nước ngoài sẽ tiến dần vào thị trường tỷ dân này, nhưng cho đến hiện tại, sân chơi đó vẫn chỉ dành cho các tên tuổi nội địa. Trung Quốc đang là một “ốc đảo” của thế giới công nghệ, và có vẻ như nó hoàn toàn đủ sức tự lực cánh sinh.