Nhạt, nhanh héo
Chị Nguyễn Thị Ngọc Nga ở tổ dân phố số 10, xã Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội kể, thấy mọi người bảo rau thủy canh dễ trồng lại là rau sạch nên chị cũng hăm hở áp dụng. Theo chị Nga, Nếu sử dụng dịch vụ trồng rau sạch tại nhà thì việc trồng và chăm sóc rau thủy canh khá đơn giản, chỉ cần làm theo đúng hướng dẫn. Tuy nhiên, khi thu hoạch, rau thủy canh nhanh bị héo và ăn thấy nhạt chứ không đậm đà như rau trồng trong đất. Đặc biệt, chị Nga rất thắc mắc là khi trồng rau bằng phương pháp thủy canh, ngoài nước thì còn sử dụng dung dịch dinh dưỡng, nhưng liệu dung dịch này có an toàn không hay có phải là biến tướng của các loại phân bón.
Chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Trung tâm Dung dịch Hoạt hóa Điện hóa và Đèn Tiết kiệm Điện năng cho biết, trồng bằng thủy canh thì cần có nước, quan trọng là nguồn nước trồng cây có sạch không, nước mà bị nhiễm kim loại nặng mà đem trồng rau thì làm sao mà sạch được. Thứ nữa là dung dịch dinh dưỡng, không biết dung dịch dinh dưỡng này được làm từ những chất gì, nhà sản xuất dung dịch dinh dưỡng cần phải công bố các "nguyên liệu" làm dung dịch chứ không thể vin vào cái gọi là "bí quyết công nghệ" để "lòe" người dân.
Ngoài ra, việc ăn rau thấy nhạt cũng là điều dễ hiểu bởi trồng mỗi loại rau lại có những đòi hỏi riêng, có loại rau thích hợp với nước, có loại thích hợp với trồng trong đất, ví dụ, rau cần thì phải trồng trong nước, rau cải phải trồng ở đất mới ngọt, đậm vì giống rau này cần nhiều khoáng chất ở đất. Vì thế, rau thích hợp ở đất mà đem trồng ở nước thì ăn đương nhiên là nhạt, cái quan trọng là phải lựa chọn loại rau nào cho phù hợp.
|
Trồng thủy canh cần lựa chọn loại rau phù hợp. |
Cẩn thận thừa nitrat
ThS Nguyễn Văn Quy, Khoa Nông học, trường Đại học Nông lâm Huế phân tích, rau bị nhạt là do trồng trong nước nên rau có hiện tượng bị thừa nước (trương nước) còn rau nhanh bị héo là do bị thiếu các khoáng chất, vitamin bởi nhiều loại dung dịch dinh dưỡng không có đủ các chất để cung cấp cho sự phát triển của rau. Hiện nay, cũng là thủy canh nhưng lại có rất nhiều công nghệ khác nhau, vì thế, để đảm bảo rau không bị nhạt, không bị héo nhanh thì quan trọng là phải lựa chọn công nghệ cho phù hợp. Hiện, nhiều nơi đã đưa thêm giá thể vào trong nước và bổ sung thêm các chất hữu cơ vào trong dung dịch dinh dưỡng nhằm giúp cho rau ngọt hơn, đậm hơn và kéo dài thời gian bảo quản hơn.
Lý giải về lo ngại rau thủy canh có đảm bảo sạch và an toàn, ThS Nguyễn Văn Quy cho biết, rau trồng trong đất thường có nguy cơ cao bởi đất có thể bị nhiễm kim loại nặng, thường bị vi sinh vật tấn công, hay bị sâu hại vì thế phải thường xuyên sử dụng hóa chất... Tuy nhiên, với thủy canh thì những nhược điểm này dễ được khắc phục. Tuy nhiên, việc sử dụng dung dịch dinh dưỡng không đúng cách sẽ khiến cho rau dễ bị thừa nitrat.
ThS Nguyễn Văn Quy cho hay, dung dịch dinh dưỡng thực tế cũng được "chế" từ các loại phân bón để đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng mà cây trồng cần để sinh trưởng. Người dùng nên chọn mua dung dịch của những đơn vị uy tín để đảm bảo dung dịch sử dụng nguyên liệu đảm bảo chất lượng và phù hợp với cây trồng. Ngoài ra, trong quá trình sử dụng cần tuân thủ tuyệt đối công thức pha chế dung dịch bởi mỗi cây trồng cần có những công thức riêng, việc áp dụng bừa bãi rất dễ khiến cho cây trồng bị thừa nitrat.
Theo tham khảo của phóng viên, chi phí đầu tư ban đầu cho một hệ thống trồng rau thủy canh khá đắt, có thể lên đến 5 - 6 triệu đồng, ví dụ như hệ thống nhà chị Nga khá đơn giản với 5 giàn, chiều dài mỗi giàn hơn 2m cũng đã có giá gần 3 triệu đồng, chưa kể hơn 1 triệu đồng chi phí cho bộ dụng cụ pha dung dịch dinh dưỡng cho nước.