Thiên tai ở Việt Nam: Tăng quy mô và chu kỳ lặp lại

Google News

(Kiến Thức) - Thời tiết thất thường, khắc nghiệt hơn, thiên tai bão lũ xảy ra nhiều hơn, số tài sản và tính mạng bị chôn vùi bởi thiên nhiên cũng ngày càng tăng.

Biến đổi khí hậu không còn là dự báo
GS.TS Vũ Hoan, Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam cho rằng, từ những gì chúng ta chứng kiến những ngày qua, biến đổi khí hậu đã không còn là dự báo. Theo Bảng chỉ số do Maplecroft công bố, nước ta xếp hạng 26 về mức tổn thương do biến đổi khí hậu. Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, là 1 trong 5 ổ bão của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thường xuyên phải đối mặt với các loại hình thiên tai. 
Mức độ thiên tai ở Việt Nam ngày càng gia tăng cả về quy mô cũng như chu kỳ lặp lại kèm theo những đột biến khó lường. Theo số liệu thống kê, trong 12 năm gần đây, các loại thiên tai như bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, úng ngập hạn hán và các thiên tai khác đã làm thiệt hại đáng kể về người và tài sản, đã làm chết và mất tích hơn 9.600 người, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP/năm.
TS Trần Văn An, Trung tâm Điều phối Biến đổi khí hậu cho biết, TPHCM luôn ngập trong triều cường, rồi cả một dải đất miền Trung liên tục bão gối bão, lũ gối lũ. Miền Trung gồng mình trong trận lũ kinh hoàng đã đưa con số người chết và mất tích lớn hơn tổng số người thiệt mạng trong trận siêu bão Haiyan. Hơn 100 trường học bị nhấn chìm trong biển nước. Có những em học sinh đã không bao giờ được trở lại mái trường nơi miền quê nghèo quanh năm hứng bão hứng lũ.
Rét buốt hơn, tuyết xuất hiện bất thường, lũ tàn phá kinh hoàng hơn... là những hệ quả của biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân.
Biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. 
Mổ xẻ nguyên nhân
GS.TS Vũ Hoan nhận định về hậu quả của biến đổi khí hậu. Trận lũ kinh hoàng miền Trung vừa rồi là ví dụ điển hình. Trước những con nước điên cuồng từ thượng nguồn đổ về dâng nhanh ngoài sức tưởng tượng thì người dân vốn đã "sống quen với lũ" cũng đành bó tay. Chặt phá rừng đầu nguồn, thủy điện, xả lũ... hay ý thức con người trong hành động? Đừng để đồng bào chúng ta phải bỏ mạng vô nghĩa, đừng để những cam kết chỉ dừng lại ở bàn hội nghị, chỉ "gói" trong các dự án...
TS Trịnh Anh Kiệt, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, thời tiết sẽ còn diễn biến theo chiều hướng ngày càng cực đoan, các giá trị này sẽ gia tăng cùng với suy thoái môi trường. Những ngày rét trời sẽ rét hơn và vào những ngày nóng, nhiệt độ sẽ còn tăng cao hơn nữa. So với những năm gần đây, thời tiết trong năm 2013 không có gì khác cả, nhưng cũng có nhiều biến động. Thực ra tại miền Bắc nước ta, đợt gió mùa Đông Bắc vừa rồi chưa phải là rét đậm. Sự xuất hiện bất thường của băng tuyết, cảm giác lạnh hơn... là những biểu hiện đầu tiên của điều này.
Theo các chuyên gia, tư duy ăn xổi, triệt phá nhiều hơn bảo vệ, tàn phá thiên nhiên... làm cho thiên nhiên trở nên hoang tàn xơ xác. Những tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện tại chưa cho phép những "ông chủ giàu có" có thể một lúc giải quyết được cùng một lúc bài toán lợi nhuận và đảm bảo môi trường. Đừng để biến đổi khí hậu vô tình trở thành màn che cho những thái độ nhập nhằng. Thiệt hại do bão lũ hết thảy đều đổ vấy cho thiên tai. 
Ông Kỷ Quang Vinh, Văn phòng Biến đổi khí hậu (BĐKH) TP Cần Thơ cho rằng, hiện nay, các phương án ứng phó ở TPHCM nói riêng và cả nước nói chung đều xây dựng theo kịch bản BĐKH của Bộ TN&MT. Tuy nhiên, kịch bản này lại lấy từ Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH (IPCC), trong đó nhiều dự án báo cáo hiện không đúng trong thực tế. Số liệu thống kê tại Cần Thơ trong 30 năm qua cho thấy, nhiệt độ cao nhất chẳng những không tăng mà còn có xu hướng giảm, trong khi nhiệt độ thấp nhất lại có chiều hướng tăng. Nếu nhiệt độ thấp nhất tăng thêm 1 độ C thì sản lượng lúa giảm 10%. 
Bảo Khánh

Bình luận(0)