Miền Nam thiếu kinh nghiệm chống bão

Google News

(Kiến Thức) - Theo một số chuyên gia, áp thấp nhiệt đới vào TPHCM là dị thường của thời tiết, hiện tượng ban đầu của biến đổi khí hậu.

Dị thường về thời tiết
Theo quan điểm của GS.TS Nguyễn Tân Tiến, Chủ nhiệm Khoa Khí tượng thủy văn và Hải dương học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, áp thấp nhiệt đới vào TPHCM là lẽ bình thường của quy luật các cơn bão. Bởi do áp cao phía trên đẩy xuống nên bão chạy ra rìa phía Nam. Trong khi đó, các cơn bão đầu mùa thường vào miền Bắc và miền Trung, cuối mùa sẽ dịch chuyển xuống sâu hơn. Thậm chí, có những cơn bão chạy quét qua Cà Mau. Và tùy từng năm, bão có thể có hoặc không xuất hiện ở khu vực phía Nam.
Nhưng ở quan điểm khác, GS.TSKH Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Tài Nguyên - Môi trường, trường Đại học Nguyễn Tất Thành TPHCM cho biết, những cơn mưa giông, bão cuối mùa (tháng 10 - 11) là hiện tượng bất thường. Nguyên nhân do quá trình xoay chuyển của quả đất và biến đổi mùa cộng hưởng với nhau, xoay chuyển hướng giông bão vào khu vực Nam Bộ. Những cơn bão như vậy thường rất nguy hiểm, chúng rất mạnh và kèm mưa giông, gió giật.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, hiện tượng biến đổi khí hậu khiến mưa bão trở nên rất bất thường. Hai năm gần đây những cơn bão hay áp thấp nhiệt đới đầu tiên trong năm lại xuất hiện ở vùng biển phía Nam, ảnh hưởng đến các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. 
Sự xuất hiện không bình thường so với quy luật còn thể hiện, lẽ ra bão thường đi từ Trung Quốc sang Việt Nam vào các tỉnh phía Bắc, sau đó mới đi dần vào các tỉnh Bắc Trung Bộ đến Duyên hải Nam Trung Bộ... như cơn bão Sơn Tinh - bão số 8 năm ngoái vào cuối tháng 10 đầu tháng 11 rất lớn, lẽ ra thời điểm đó bão đổ bộ vào Duyên hải Nam Trung Bộ, nhưng nó lại vào Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình đúng lúc miền Bắc đang chính vụ đông, khiến Đồng bằng sông Hồng mất hằng chục nghìn héc ta cây vụ đông.
Theo các chuyên gia, vấn đề bão vào TPHCM nói riêng và miền Nam nói chung sẽ gây nhiều xáo trộn và ảnh hưởng. 
Không có kinh nghiệm chống bão
Theo các chuyên gia, vấn đề bão vào TPHCM nói riêng và miền Nam nói chung sẽ gây nhiều xáo trộn và ảnh hưởng. Bởi hàng trăm năm qua, người dân nơi đây quen sống trong thời tiết nắng nóng nhiều hơn là mưa gió, không có bão giông lớn. Vì vậy, tập tục xây dựng nhà cửa đều sơ sài, không kiên cố như dân miền Bắc, miền Trung. Khu dân cư vùng sông nước có khi nhà chỉ chắp vá bằng cành lá dừa... Đồng thời, kinh nghiệm phòng chống bão gần như không có và chủ quan. 
"Trước bất thường của thời tiết, khí hậu, cơ quan chức năng cần cảnh báo, tuyên truyền cụ thể càng sớm càng tốt để người dân kịp thời phòng tránh giông, bão. Những cơn bão và mưa giông trong thời điểm cuối năm này cần đề phòng hết sức cẩn thận tránh những sự cố đáng tiếc cho người và của", TS Lê Huy Bá khuyến cáo. 
Cũng trong ghi nhận của phóng viên vào ngày 6 - 7/11, hầu hết các trường học trên địa bàn TPHCM thông báo các phụ huynh tới trường đón con em sớm để tránh giông bão. Tại trường mầm non Hoa Mặt Trời, quận Gò Vấp, TPHCM các trò được giữ an toàn trong lớp học, giáo viên các lớp trực tiếp gọi điện thoại báo cho phụ huynh tới đón trẻ. Cô Trần Thanh Tâm, hiệu phó nhà trường cho biết: "Nhận được thông điện khẩn của Sở GD&ĐT TPHCM, nhà trường đã nhanh chóng thông báo cho giáo viên quản lớp gọi điện báo cho phụ huynh tới đón trẻ sớm và tuyệt đối không cho trẻ nô chạy ngoài sân". 
"Bình thường, tháng 11 hết mưa mà nay vẫn còn mưa. Bởi gió tiến thông lạnh ngoài Bắc rất mạnh thổi vào. Gió Tây Nam đã yếu dần, nên gió xoáy dễ dàng vào phía Nam. Bão xuất hiện thời điểm càng muộn chúng sẽ tạt vào phía Nam nhiều. Nếu như giờ này miền Bắc không có gió lạnh thì lập tức nó sẽ tạt ngang hoặc chạy ngược lại, hoặc gió Tây Nam mạnh thì gió giông, áp thấp nhiệt đới, bão cũng không thể vào Nam Bộ. Đây cũng là sự vận chuyển khối lượng không khí nóng lạnh, sự biến đổi khí hậu gây những hiện tượng trước đây không có thì nay có".
TS Nguyễn Thị Lan (trường Đại học Bách khoa TPHCM)
Hiền Hương

Bình luận(0)