Sự thật tranh cãi về xác ướp phụ nữ ở mộ cổ Hà Nội

Google News

(Kiến Thức) - Để xác nhận việc cụ bà chôn cất trong mộ cổ có phải là bà chúa trong vùng, nhiều bậc cao niên cho biết: nếu cụ không phải bà chúa thì cũng phải sống trong gia đình quyền quý.

Tưởng chừng việc các nhà khoa học khai quật ngôi mộ cổ, người dân sẽ biết đó là mộ thuộc dòng họ nào. Nhưng sau khi khai quật xong, người dân nơi đây vẫn xôn xao về cụ bà trong quan tài. Bởi trong quan tài không có sổ sách ghi chép cụ tên gì, ở đâu. Vì thế, có một số dòng họ bị thất lạc mộ đã nhận đó là người của gia đình mình. 
Chưa giao thi hài cho dòng họ nào
Ông Nguyễn Khắc Quyền, Trưởng thôn Phú Mỹ (xã Ngọc Mỹ, Quốc Oai) cho hay: Sau khi phát hiện ngôi mộ cổ ở cánh đồng bà chúa, có mấy dòng họ trong vùng đến nhận đó là người trong dòng họ mình. Đặc biệt, trong thôn có dòng họ Doãn đã gửi đơn đến chính quyền cho rằng, ngôi mộ đó của dòng họ bị thất lạc. Họ muốn nhận lại thi thể để chôn cất. Trước nhiều luồng ý kiến dư luận, khi khai quật mộ, chính quyền nơi đây rất lo lắng vì sợ các dòng họ xung đột khi ngôi mộ được khai quật. Thế nhưng, may mắn thay việc đó đã được giải quyết ổn thỏa.
“Sau khi các nhà khoa học khai quật ngôi mộ xong, ngôi mộ được mở ra trước sự chứng kiến của đông đảo người dân trong vùng. Trong quan tài là cụ bà chừng 60 tuổi xương cốt vẫn còn nguyên vẹn. Các nhà khoa học chỉ mới nhận định đây là mộ cổ có từ thời Hậu Lê cách đây khoảng 300 năm. Bên trong quan tài không ghi tên tuổi, địa chỉ cụ thể. Vì thế, chưa khẳng định được đây là mộ thuộc dòng họ nào. Dòng họ Doãn tuy nhận cụ bà là người dòng họ mình, nhưng gia phả không ghi cụ thể, không đủ chứng cứ để chúng tôi công nhận. Vì thế, sau khi khai quật xong, dòng họ Doãn cũng chỉ phối hợp với chính quyền đưa cụ ra nghĩa trang thôn để chôn cất”, ông Quyền cho biết.
Để xác nhận việc cụ bà chôn cất trong mộ cổ giữa cánh đồng bà chúa liệu bà có phải là bà chúa trong vùng không, chúng tôi đã hỏi nhiều bậc cao niên nơi đây. Họ đều cho rằng: Tên gọi cánh đồng bà chúa đã có từ lâu đời, khi lớn lên họ đã nghe gọi như vậy. Đó là một khu đất rộng chừng 2 ha thẳng cánh cò bay. Xưa kia, các cụ bảo đây là đồng nước mênh mông, nhưng lạ kỳ thay ở giữa có một khoảng đất như một hòn đảo, gia đình nào đưa người ra đây chôn cất phải đi bằng thuyền. Nếu cụ không phải bà chúa trong vùng thì cũng phải sống trong gia đình quyền quý. Thế nên, con cháu mới có tiền làm mộ trong quan, ngoài quách tẩm ướp khâm liệm cụ như bậc vua chúa.
Có người cho rằng cụ bà trong mộ cổ chính là bà chúa trong vùng. 
“Chúng tôi không cần xét nghiệm ADN”
Đó là điều ông Doãn Quang Tuyến, Trưởng gia tộc dòng họ Doãn khẳng định khi trao đổi với Kiến Thức trước những nghi ngờ cụ bà trong mộ cổ không phải là người của dòng họ mình. Theo ông Tuyến, dòng họ ông từ lâu bị thất lạc 3 ngôi mộ, mọi người đi tìm vẫn chưa thấy. Bởi ruộng đất đã san lấp lại, mốc đánh dấu mộ đã mất. 
“Theo gia phả của dòng họ được lập lại từ năm 1913 thì cụ bà trong mộ cổ chính là cụ Nguyễn Thị Rạ (hiệu là Diệu Kiên). Cụ là con dâu dòng họ chúng tôi. Cụ sinh được 2 người con trai, cụ ông mất khi cụ bà  mới 28 tuổi. Cụ bà không đi lấy chồng mà tần tảo nuôi dạy hai người con nên người. Người con trai cả của cụ ở nhà làm việc đồng áng, người con thứ hai thông minh hơn người, học hành đỗ đạt, được làm quan triều Lê. Sau này vua Lê đã phong tặng cho cụ là tiết phụ phu nhân. Tuy nhiên, do chiến tranh, gia phả của dòng họ đã bị thất lạc 4 đời. Vì thế, trong gia phả hiện nay không ghi rõ quê quán, năm sinh cũng như năm mất cụ và được chôn cất ở đâu”, ông Tuyến cho biết.
Trước những hồ nghi của nhiều người về việc dòng họ Doãn thiếu cơ sở khi xác nhận cụ bà trong mộ cổ là người của mình, ông Tuyến bảo: Dòng họ Doãn có lý lẽ, bằng chứng để khẳng định đó là người trong họ mình. Do cụ có con làm quan trong triều Lê nên khi mất cụ được con cháu lo hậu sự rất chu tất. Các con thuê người làm lăng tẩm, ướp xác cho cụ như vua chúa. Gia đình bình thường làm sao có thể làm như vậy được. Dòng họ Doãn không phải đi xét nghiệm ADN để mọi người công nhận. Bởi những chứng cứ về gia phả, về vị trí chôn cất của cụ đặt trên chính ruộng đất của dòng họ. Xưa kia ruộng đất nhà nào thì gia đình, dòng họ có quyền chôn cất người quá cố trên chính ruộng đất của mình. Cụ bà được chôn cất trên ruộng đất của dòng họ Doãn thì tất nhiên sẽ là người của dòng họ.
Tuy nhiên, theo cụ Bùi Văn Tiêu, nếu thi hài là cụ ông thì mới đúng người dòng họ Doãn, bởi xưa kia trong dòng họ này có người làm quan thời Lê. Đằng này, trong mộ là cụ bà thì không có cơ sở để họ nhận người.
Trải qua 300 năm, nhưng xương cốt vẫn nguyên vẹn. 
“Nghi ngờ, nhưng chúng tôi thiếu cơ sở”
Trong số các dòng tộc từng đến nhận mộ cổ là người dòng tộc mình có ông Bùi Quang Phú, đại diện dòng họ Bùi (xóm 4, xã Thạch Hán). Hiện, gia đình ông Phú thờ phụng quận Hoa công chúa Trịnh Thị Ngọc Dai. 
“Khi người dân xã Ngọc Mỹ phát hiện ngôi mộ cổ, tôi đã sang bên đó xem, nghi ngờ đó là mộ thuộc dòng tộc mình. Bởi trước đây gia đình chúng tôi từng khai quật ngôi mộ của con gái bà quận Hoa công chúa tại cánh đồng bà chúa. Hiện dòng tộc chúng tôi còn bị thất lạc hai ngôi mộ. Nghi ngờ là vậy, nhưng theo gia phả của dòng họ để lại thì cũng chỉ ghi ông Trịnh Quý Công và bà Nguyễn Thị Húy Hai, thuộc dòng dõi của Quận chúa được chôn cất tại cánh đồng bà chúa bên xã Ngọc Mỹ. Vì thế, chúng tôi chưa có cơ sở để xác nhận đó là người của gia tộc mình. Chỉ có điều, thời gian niên đại của ngôi mộ đó chôn cất khoảng 300 năm thì trùng khớp với người trong họ chúng tôi”, ông Phú cho biết.
Theo ông Phú, hiện gia đình ông đại diện cho dòng họ Bùi thờ phụng quận Hoa công chúa, người có công không chỉ giúp cho dòng họ ông mà còn của người dân Thạch Hán thoát khỏi án tử của nhà vua. Theo truyền thuyết kể lại, xưa kia vì nghi có người dân Thạch Hán đúc tiền giả để lưu hành khắp nơi, vua cho quân điều tra và ra lệnh xử tử cả làng. Tuy nhiên, nhờ quận Hoa công chúa đã can thiệp xin vua cha tha chết cho dân làng. Vì thế, chưa tìm được hai ngôi mộ của hai người thuộc dòng dõi quận chúa, ông Phú còn đau đáu.
Đây không phải là ngôi mộ bình thường, mà là mộ cổ có từ lâu đời. Thế nên chính quyền địa phương phải xử lý rất thận trọng. Hiện, có mấy dòng họ nhận là mộ của mình, nhưng xét về căn cứ, gia phả của dòng họ ghi đều thiếu căn cứ. Do đó, chính quyền địa phương đứng ra chôn cất cho cụ. Việc khẳng định ngôi mộ cổ thuộc dòng họ nào phải căn cứ vào kết luận của các nhà khoa học.
Ông Nguyễn Văn Việt (Phó Công an xã Ngọc Mỹ) 
Đại Cát

Bình luận(0)