Cách đây hơn 10 năm, CEO Steve Jobs từng khiến tất cả những người tham gia sự kiện Macworld 2008 choáng váng khi rút chiếc MacBook Air từ chiếc phong bì. Độ mỏng của MacBook Air đã trở thành tiêu chuẩn, để rồi rất nhiều hãng sản xuất máy tính khác học hỏi.
Tuy nhiên, tình thế bây giờ đã khác. MacBook vẫn giữ những nét thiết kế hấp dẫn như cách đây 10 năm, nhưng tồn tại rất nhiều điểm yếu. Trong khi đó, các đối thủ của họ đang thể hiện những sự sáng tạo rất đáng chú ý, như chiếc Surface Neo của Microsoft vừa giới thiệu.
Apple có sai lầm khi ưu tiên ngoại hình trên công năng?
Không khó để liệt kê ra những điểm trừ trên thiết kế của những dòng MacBook mới. Hai hạn chế lớn nhất là bàn phím có chất lượng kém, dễ hỏng và sự hạn chế về cổng kết nối, khi máy chỉ có cổng USB-C.
Theo nhận xét từ nhiều chuyên gia, chính sự ám ảnh của cựu Giám đốc thiết kế Jony Ive để tạo ra những chiếc MacBook siêu mỏng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hai hạn chế trên. Sau vài thế hệ, người dùng bắt đầu quen với việc thiếu cổng kết nối, nhưng nhược điểm về bàn phím vẫn chưa được Apple khắc phục.
|
Dòng MacBook 12 inch của Apple bị hạn chế về cổng kết nối khi chỉ có một cổng USB-C. Ảnh: Cnet. |
Độ mỏng là một trong những hạn chế lớn nhất trong thiết kế laptop. Đó cũng là quan điểm được Phó chủ tịch phụ trách thiết kế của Lenovo, ông Brian Leonard chia sẻ với Zing.vn bên lề sự kiện IFA 2019. Mặc dù cùng hướng tới đối tượng người dùng cho công việc, tư duy thiết kế dòng sản phẩm ThinkPad của Lenovo có thể nói là trái ngược hoàn toàn MacBook, nhưng cả hai đều bị hạn chế nếu xét tới kích thước.
"Người dùng máy tính cho công việc luôn muốn có nhiều kết nối hơn. Tuy nhiên, chính những kết nối là rào cản khi chúng tôi muốn hướng tới những mục tiêu khác như độ mỏng. Hạn chế lớn nhất để làm mỏng máy tính chính là loại bỏ những kết nối cồng kềnh như RJ45 hay VGA", ông Leonard chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Leonard lại có quan điểm hơi khác so với các lãnh đạo Apple về việc cắt bớt cổng kết nối. Apple đã hơi vội vàng khi đưa ra thiết kế MacBook màn hình 12 inch vào năm 2015 với chỉ một cổng USB-C duy nhất, và thực tế chứng minh dòng sản phẩm đó không thể thuyết phục người dùng hoàn toàn. Tháng 7 vừa qua, họ đã "khai tử" dòng MacBook và thay thế bằng MacBook Air mới.
|
So với người dùng phổ thông, các dòng máy hướng tới đối tượng người dùng cho công việc luôn có số lượng cổng kết nối nhiều hơn. Ảnh: The Verge. |
"Tôi nghĩ mọi thứ đều phải đúng thời điểm. Nếu bạn đi trước thời đại quá xa, khi thế giới chưa sẵn sàng bỏ các kết nối hay chưa muốn làm quen với đầu chuyển thì bạn đã đi quá sớm. Tuy nhiên, sẽ tới lúc bạn chỉ cần mang một sợi cáp để làm mọi thứ, tôi nghĩ ngày đó sẽ đến sớm", ông Leonard cho biết.
Apple đã quá ưu tiên vào ngoại hình ở những dòng MacBook gần đây, và điều đó đã khiến những chiếc laptop của họ còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, nhiều đối thủ của Apple nhanh chóng bắt kịp và vượt qua họ về thiết kế.
Dell mở màn cho trào lưu viền màn hình mỏng với XPS 13, và đến nay nhiều hãng đã tích hợp được viền mỏng lên những mẫu máy từ tầm trung. Một công ty khác là LG lại có sự khác biệt về mặt chất liệu, giúp đem lại những chiếc laptop rất nhẹ so với kích thước.
Sự kiên trì của Microsoft
Trong số những chiếc Surface mà Microsoft công bố ở sự kiện vừa qua, bộ đôi Surface Neo và Surface Duo thu hút nhiều sự chú ý nhất. Mặc dù phải tới năm sau mới chính thức bán ra, hai thiết bị này đều thể hiện tầm nhìn của Microsoft về thiết bị hai màn hình.
Tuy nhiên, đây không phải những ý tưởng đầu tiên về laptop hai màn hình của Microsoft. Từ 10 năm trước, họ đã ấp ủ một thiết bị như vậy với chiếc Courier. Việc quay trở lại với thiết kế này không chỉ cho thấy sự kiên định của Microsoft, mà còn thể hiện quyết tâm dẫn dắt thiết kế mới cho laptop trong tương lai của họ.
|
Surface Pro X thể hiện tầm nhìn của Microsoft cho những "người dùng di động" thế hệ mới. Ảnh: The Verge. |
"Tôi nghĩ bạn có thể nói về Neo và Duo như tương lai của các sản phẩm. Tuy nhiên, Surface Pro X là thiết bị thực tế với những người dùng nghiêng về công nghệ một chút. Những sản phẩm khác mà chúng tôi ra mắt là những thứ đáp ứng nhu cầu hiện tại", ông Panos Panay, Giám đốc sản phẩm của Microsoft chia sẻ với The Verge.
Ra đời từ năm 2012, dòng sản phẩm Surface của Microsoft luôn là một trong những chiếc máy tính cảm ứng tốt nhất. Năm 2018, Microsoft bắt đầu đưa WIndows 10 lên máy tính chạy chip ARM, những con chip thường dùng cho thiết bị di động với ưu điểm về kết nối và pin. Tầm nhìn này tiếp tục được củng cố với Surface Pro X, sử dụng vi xử lý ARM do chính Microsoft tùy biến.
|
Trong khi đó, Surface Neo là sản phẩm hướng tới tương lai hơn, đồng thời thể hiện sự kiên định của Microsoft với tầm nhìn về laptop hai màn hình. Ảnh: The Verge. |
"Bạn có thể làm việc trên tàu, xe, máy bay, quán cafe. Đó là những người dùng tôi gọi là di động. Họ sử dụng các thiết bị ở mọi nơi. Pro X hoàn hảo cho nhu cầu đó", ông Panay chia sẻ.
Mặc dù không còn coi Windows là sản phẩm quan trọng nhất, Microsoft vẫn đang thể hiện khả năng dẫn dắt thị trường máy tính. Với những sản phẩm sáng tạo như dòng Surface mới, Microsoft có thể thúc đẩy các đối tác của mình tiếp tục tạo ra những chiếc PC đột phá hơn. Apple sẽ phải đưa ra những chiếc MacBook độc đáo, thực dụng hơn để đối phó với "đoàn quân" máy tính chạy Windows mới.