Hội thảo do Viện Phát thanh - Truyền hình, Đài PT TH Hà Nam và công ty Truyền thông Anpha đồng tổ chức.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện đã đánh giá cao việc tổ chức Hội thảo, góp phần tuyên truyền, phổ biến cho việc triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đến năm 2020 của Chính phủ. Chuyển đổi số hóa phát thanh - truyền hình là xu hướng tất yếu của thời đại, mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia, cho cộng đồng.
|
Ông Đoàn Quang Hoan - Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện |
Trong giai đoạn đầu, lợi ích quốc gia và lợi ích địa phương có thể chưa thống nhất, tuy nhiên khó khăn cục bộ, trước mắt chỉ là ngắn hạn. Giải pháp cho vấn đề này cần có sự liên kết giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực truyền dẫn phát sóng.
Việc quy hoạch tần số phát sóng như thế nào? Sẽ cấp phép cho đơn vị nào phát sóng? Đây là vấn đề mà Bộ thông tin và Truyền thông cần phải cân nhắc. Theo ông Đoàn Quang Hoan, không thể cấp cho mỗi tỉnh một tần số, trong quy hoạch sẽ ưu tiên phát triển mạng đơn tần.
Hiện nay, đã có 3 doanh nghiệp được phép truyền dẫn, phát sóng toàn quốc là VTV, VTC và AVG. Các doanh nghiệp tham gia truyền dẫn, phát sóng phải đảm bảo điều kiện, cam kết với nhà nước mức vốn đầu tư, đảm bảo dịch vụ tại vùng miền, đại phương. Nếu doanh nghiệp không đảm bảo dịch vụ tại địa phương với lý do kinh doanh, lợi nhuận thì sẽ buộc phải ngừng hoạt động và thu hồi giấy phép.
Xu thế chuyển đổi công nghệ truyền hình từ tương tự sang kỹ thuật số là bắt buộc, không thể đảo ngược, không chỉ với Việt nam mà là trên toàn thế giới. Châu Âu mất 3 năm để thực hiện lộ trình này. Hạn 2020 là hạn chót cho các nước chậm phát triển. Như vậy, không có câu hỏi “có thực hiện hay không” mà là làm thế nào để thích ứng được quá trình chuyển đổi.
Lộ trình số hóa sẽ tác động đến người xem bởi hàng trăm kênh truyền hình, nội dung chương trình nước ngoài chiếm thời lượng lớn. Vậy thì mỗi đài PTTH phải xây dựng được một số Serie chương trình “Key” vào những khung giờ nhất định mang đặc thù của địa phương. Trong đó, đầu tư để chương trình thời sự thật sự là “THỜI SỰ”, bao gồm những tin tức nóng hổi, cập nhật không thể không xem, người tại địa phương không xem không được, người địa phương khác cũng không thể không quan tâm.
|
Tiến sĩ Ngô Thái Trị |
Tiến sĩ Ngô Thái Trị, Phó viện trưởng, Viện Phát thanh-Truyền hình đã chia sẻ, hành động đầu tiên và cần thiết mỗi khi gặp khó khăn là phải nhìn thẳng vào sự thật để tìm ra giải pháp. Với các đài PTTH, cần lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng phù hợp với điều kiện của địa phương (VTV, VTC, AVG); Từng bước, quyết liệt nâng cao chất lượng nội dung chương trình; Phải trả lời được câu hỏi: làm chương trình để ai xem, xem cái gì, xem khi nào?
Làm thế nào để khán giả địa phương mỗi khi bật TV vẫn thích xem chương trình của địa phương mình nhất, hoặc xem chương trình của ĐP mình ít nhất 30 phút trước khi chuyển sang chương trình khác?
Làm thế nào để khán giả Việt nam mỗi khi bật TV vẫn thích xem chương trình của Việt nam hơn các chương trình truyền hình nước ngoài hoặc dành thời gian nhất định xem chương trình Việt nam mỗi ngày?
Khi nhà nước chuẩn bị tắt sóng tương tự (analog) thì người dân nghèo tại các địa phương sẽ làm gì để bắt sóng truyền hình? Đây là lộ trình mà Bộ Thông tin và Truyền thông phải tính toán, xây dựng trong đề án.
Trước mắt, bài toán dành cho các đài PTTH là về Kỹ thuật, đội ngũ kỹ thuật đã sẵn sàng chưa để tiếp thu, làm chủ công nghệ mới? Máy phát hình tương tự mới đầu tư mấy năm nay, sau khi chuyển sang số sẽ xử lý ra sao? Đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên truyền dẫn, phát sóng sẽ làm gì sau khi chuyển sang số? Liệu bao nhiêu người trong số đó còn có khả năng đào tạo lại để có thể nhận nhiệm vụ khác?
Với góc nhìn từ đài PTTH địa phương, ông Đoàn Quang Hoan ghi nhận những ý kiến sẽ là nguồn thông tin cấp cơ sở nhằm đóng góp cho việc xây dựng đề án và chính sách trong lộ trình tắt sóng analog ở Việt Nam.