Trong bài viết của tạp chí Mỹ, để chứng minh cho luận điểm Việt Nam sẽ là thung lũng Silicon ở Đông Nam Á, tờ báo có chỉ rõ, hiện nay, chính phủ Việt Nam đang coi ngành công nghệ cao như là một trong những trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Thậm chí còn đầu tư nhiều vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng và thông qua các chính sách kinh tế để khuyến khích các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Trong khi, cách đây 15 năm khó có thể tìm được một công ty CNTT tại VN, nhưng hiện nay đã có gần 14.000 doanh nghiệp CNTT sản xuất và phát triển phần cứng, phần mềm và kỹ thuật số.
Đưa ra dẫn chứng cụ thể, bài viết nhắc đến việc tập đoàn công nghệ hàng đầu IBM đã mở văn phòng tại Đà Nẵng từ năm 1992 và sau đó mở tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh năm 1994.
Khu công nghệ cao tại Đà Nẵng, đã và đang đáp ứng tốt các nhu cầu ngày càng gia tăng về cơ sở hạ tầng cho các nhà máy sản xuất phần cứng, các công ty sản phần mềm và CNTT quốc tế.
Cũng theo bài viết, ba trường đại học CNTT lớn nhất của Việt Nam là ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh và ĐH Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng là 3 trung tâm đào tạo lực lượng lao động chính cho các khu công nghệ cao, với hàng trăm sinh viên CNTT tốt nghiệp ra trường mỗi năm.
Nhiều kỹ sư trẻ mới ra trường đã được tuyển dụng ngay vào các công ty lớn như Cisco, Fujitsu, HP, IBM, Intel, LG, Samsung, Sony và Toshiba.
Trong tháng 10 tới, TP Hồ Chí Minh sẽ diễn ra Hội nghị CNTT Việt Nam với sự tham dự của đại diện đến từ hơn 150 công ty công nghệ đa quốc gia, cùng hơn 200 công ty IT Việt Nam và 20 trường đại học. Hội nghị sẽ được nghe các bài phát biểu của các diễn giả đến từ các công ty Gartner, KPMG, HP, LogiGear, Microsoft, Samsung.
|
Mô hình thung lũng silicon tại Đà Nẵng. |
Đây được đánh giá là cơ hội để ngành CNTT của Việt Nam thể hiện mình với thế giới và mọi người sẽ được chứng kiến sự bùng nổ của lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam.
Trước đó, ngày 18/10/2014, Bộ Khoa học và Công nghệ vừa khởi động Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại VN.
Sau hơn 1 năm đưa vào sử dụng, đã có những thành quả đầu tiên từ 9 công ty khởi nghiệp được chọn. Đó là những cái tên nói trên bao gồm: Astro Telligent, CHOMP, CSK, Olymsearch, BigTime.vn, Lozi.vn, VnPlay, VietCreative, MyMoney.vn (Cổng thông tin Tài chính cá nhân) và Loanvi.com.
Bộ trưởng Bộ KH&CN, Nguyễn Quân đã từng phát biểu: “Mỗi năm, Việt Nam có hàng nghìn kết quả nghiên cứu, sáng chế của các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu trong nước và từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài đăng ký tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu còn hạn chế”.
Với mô hình thung lũng Silicon được đề xuất xây dựng ở Việt Nam, nhà khoa học không chỉ làm lĩnh vực chuyên môn mà họ còn là doanh nhân kinh doanh trên chính nghiên cứu của bản thân.
Trong giai đoạn 2013 – 2014, Đề án sẽ thực hiện một chương trình đào tạo hỗ trợ khởi nghiệp cho học viên là các doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng tại Việt Nam do các chuyên gia có kinh nghiệm đến từ Thung lũng Silicon Mỹ hướng dẫn thực hiện.
Tổ chức sự kiện Ngày khởi nghiệp (Demo Day) cho các học viên tốt nghiệp chương trình đào tạo hỗ trợ khởi nghiệp; thành lập quỹ đầu tư xã hội dành cho ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam được đặt tên “Quỹ Khởi nghiệp Việt Nam – Startup Vietnam Foundation”...