Khi smartphone và tablet đã trở nên phổ biến trên toàn cầu, Wi-Fi cũng trở thành một công nghệ cốt lõi không thể thiếu trong cuộc sống. Dù vậy nhưng nếu chịu khó để ý hơn tới bảng thông số của các thiết bị trong nhà, bạn sẽ thấy những chiếc smartphone hay tablet của mình hỗ trợ các loại Wi-Fi khác nhau, thường được đánh dấu bởi số "802.11" đi kèm với 1 hoặc 2 chữ cái. Những chữ cái này thể hiện các thông số khác nhau của chuẩn Wi-Fi nói chung, và bài viết dưới đây được VnReview biên dịch từ Android Authority sẽ giúp bạn hiểu rõ sự khác biệt.
Đầu tiên là con số "802.11". Số "802" đến từ bộ quy chuẩn IEEE 802 do Viện Kỹ nghệ Điện và Điện tử IEEE phát hành cho các kết nối điện tử. Mạng Ethernet (mạng LAN) được đánh ký hiệu 802.3, mạng Bluetooth bắt đầu bằng 802.15 còn mạng Wi-Fi bắt đầu với 802.11. Đây cũng là lý do vì sao các chuẩn Wi-Fi đều bắt đầu với con số 802.11. Các chữ cái tiếp theo sẽ giúp cho người tiêu dùng nắm bắt được các thông tin như tốc độ tối đa hoặc phạm vi sử dụng.
Để đảm bảo tính tương thích với các thế hệ phần cứng và mạng khác nhau, mỗi thiết bị (smartphone, router, tablet, laptop v…v…) đều sẽ hỗ trợ nhiều chuẩn mạng khác nhau. Bởi vậy bạn có thể thấy những chiếc iPhone hoặc Galaxy hỗ trợ chuẩn mạng Wi-Fi 802.11 a/b/g/n/ac, tức là toàn bộ các chuẩn Wi-Fi từ cũ tới mới.
Thực chất, các chuẩn Wi-Fi ban đầu đều chỉ mang lại những nâng cấp nhỏ (chủ yếu là về tốc độ tối đa) tới các chuẩn cũ. Đến tận gần đây, các chuẩn Wi-Fi mới chia ra thành nhiều nhánh nhỏ. Sau đây là bảng so sánh các chuẩn Wi-Fi thông dụng nhất:
Sau khi Wi-Fi ra đời thì 802.11b cũng nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn được sử dụng rộng rãi nhất trên các thiết bị người tiêu dùng, với lý do chủ yếu là do chuẩn này có giá thành thấp hơn chuẩn 802.11a. Chuẩn 802.11g ra đời sau đó 3 năm với thay đổi chủ yếu là về mặt tốc độ nhưng vẫn mang trong mình các hạn chế của chuẩn 802.11b cũ.
Chuẩn 802.11n ra đời vào năm 2009 mang tới khả năng hỗ trợ băng tần 5GHz, một dải tần ít được sử dụng hơn dải 2.4GHz truyền thống. Đồng thời, chuẩn 802.11n cũng mang tới khả năng hỗ trợ công nghệ MIMO (sử dụng nhiều anten) để tăng băng thông. Tùy thuộc vào số lượng anten, tốc độ tối đa về mặt lý thuyết của 802.11n có thể lên tới 450Mb/s.
Chuẩn Wi-Fi "hot" nhất hiện nay là 802.11ac với tốc độ tối đa lần đầu chạm ngưỡng Gigabit. Do chỉ hỗ trợ duy nhất dải tần 5GHz, 802.11ac có thể đạt tốc độ 1 GB/s, song lại có phạm vi sử dụng thấp hơn hẳn các chuẩn sử dụng dải tần 2.4GHz như 802.11n hay 802.11g.
Bạn có thể theo dõi phạm vi sử dụng của các chuẩn Wi-Fi hiện nay trong hình dưới đây:
Tương lai của Wi-Fi
Một số chuẩn Wi-Fi mới ra mắt cũng như các chuẩn Wi-Fi sắp ra mắt hứa hẹn sẽ giúp tạo ra những dòng thiết bị điện tử hoàn toàn mới. Đầu tiên có thể kể đến 802.11ad được hỗ trợ trên chiếc smartphone Le Max Pro được trang bị chip Qualcomm.
802.11ad tiếp cận Wi-Fi theo hướng hoàn toàn khác biệt so với các tiêu chuẩn hiện nay: chấp nhận hi sinh phạm vi kết nối để đổi lấy tốc độ kết nối cực cao. Chuẩn Wi-Fi này sử dụng dải tần 60GHz, cho phép tạo ra tốc độ truy cập dữ liệu đạt tới 7 Gb/s – đủ nhanh để tận dụng tối đa tốc độ của các ổ cứng mạng. Đổi lại, ở dải tần này 802.11ad không thể đi xuyên tường và cũng đòi hỏi không có chướng ngại vật nằm giữa router và thiết bị kết nối.
|
802.11ad hứa hẹn thay thế hoàn toàn cáp nối mà không phải "hi sinh" tốc độ truyền dữ liệu.
|
Cũng bởi vậy mà 802.11ad chỉ phù hợp cho các thiết bị trao đổi dữ liệu bên trong một căn phòng và không thể giúp tạo ra một giải pháp Wi-Fi gia đình/văn phòng hoàn chỉnh. Trong khi 802.11ad hứa hẹn sẽ là công nghệ hữu ích trong một số tình huống (ví dụ như cho phép người dùng copy file video 4K từ ổ cứng lên TV trong vòng vài phút), chuẩn Wi-Fi này hiện nay cũng là khá đắt đỏ.
Một số chuẩn Wi-Fi cũng được phát triển để đi theo hướng ngược lại: gia tăng phạm vi kết nối thay vì chạy đua tốc độ. Ví dụ, chuẩn 802.11ah (còn gọi là WiFiHaLow) mới được công bố gần đây được thiết kế để đạt phạm vi kết nối lên tới 1km trong một số tình huống.
Để đạt được phạm vi này, 802.11ah được truyền tải ở dải tần 900Mhz, tháp hơn nhiều so với các dải tần 2.4Ghz và 5GHz đang được sử dụng rộng rãi hiện nay. Điều này cũng khiến cho tốc độ truyền dữ liệu bị giảm đi đáng kể: tốc độ của 802.11ah chỉ đạt từ 150Kb/s đến 18Mb/s, tức là chậm hơn đáng kể so với chuẩn 802.11g cũ kỹ. Tuy vậy, ở mức tốc độ này 802.11ah vẫn sẽ phù hợp với các thiết bị điện năng thấp chỉ đòi hỏi truyền tải một lượng ít dữ liệu theo định kỳ, ví dụ như các thiết bị Internet of Things.
Các quy chuẩn cụ thể của 802.11ah vẫn chưa được hoàn thiện cho tới thời điểm tháng 3 năm nay. Sau khi được hoàn thiện, các nhà sản xuất thiết bị Wi-Fi có thể bắt đầu thiết kế và sản xuất link kiện phần cứng tương thích với chuẩn này để bắt đầu đưa vào các sản phẩm người tiêu dùng. Theo dự kiến, những thiết bị đầu tiên tương thích với 802.11ah sẽ bắt đầu xuất xưởng vào năm 2018.
|
Internet of Things đòi hỏi gia tăng phạm vi của Wi-Fi.
|
Một tiêu chuẩn mới cũng đang được hoàn thiện là 802.11af (hay còn gọi là White-Fi hoặc Super Wi-Fi). Nhờ sử dụng sóng vô tuyến từ 54MHz đến 790MHz, 802.11af hứa hẹn sẽ mở rộng phạm vi kết nối Wi-Fi lên tới hàng kilomet. Phạm vi kết nối "khủng" như vậy sẽ giúp hiện thực hóa thế giới IoT, cho phép các doanh nghiệp và các nhà máy đưa các thiết bị IoT tầm xa vào sử dụng. Trở ngại lớn nhất đối với 802.11af là các tần số được sử dụng cho công nghệ này có thể sẽ không được cấp phép sử dụng hoặc đã bị sử dụng từ trước đó (ví dụ như sử dụng cho vô tuyến truyền hình).
Nhìn chung, qua nhiều năm phát triển, Wi-Fi ngày nay đã hoàn thiện hơn trước kia rất nhiều với 2 hướng phân hóa rõ rệt: chạy đua tốc độ hoặc chạy đua phạm vi. Quan trọng nhất, các công nghệ Wi-Fi đã liên tục bắt kịp với những ý tưởng mới mẻ như video 4K hoặc IoT. Trong tương lai, bạn đừng bất ngờ khi nhận thấy danh sách các chuẩn kết nối Wi-Fi sẽ ngày một dài hơn.