Sau khi Apple công bố tính năng chặn quảng cáo khi duyệt web bằng Safari trên iOS 9, giới công nghệ một lần nữa xôn xao về số phận của ngành quảng cáo trực tuyến - vốn được cho là huyết mạch của thế giới Internet.
Nilay Patel - chủ bút và cũng là đồng sáng lập của tờ The Verge cho rằng, động thái của Apple nhằm kiếm nhiều tiền hơn cũng như khẳng định quyền lực của mình ở thung lũng Silicon, chứ không đơn giản là "mang đến trải nghiệm nội dung tốt hơn cho độc giả".
|
Ảnh minh họa.
|
Theo Nilay, tính năng chặn quảng cáo trên iOS 9 là "nhát dao chí mạng" vào Google và sẽ làm giảm
doanh thu của gã khổng lồ Internet.
Thay vì tiếp tục phát triển website và kiếm tiền từ quảng cáo, giới kinh doanh và xuất bản có thể sẽ tìm đến Instant của Facebook hoặc Apple News (công cụ tổng hợp tin tức của Apple) để hoạt động hiệu quả hơn.
Không chỉ gây ảnh hưởng đến những người tạo ra nội dung cho website, việc Apple tung ra công cụ chặn quảng cáo (bao gồm flash, các đoạn mã javascript, cookies) cũng sẽ ảnh hưởng đến tính chính xác của các công cụ phân tích như Google Analytics.
Đây sẽ là tổn hại rất lớn cho những nhà phát triển web nói chung và các trang báo điện tử, trang thương mại điện tử nói riêng. Thói quen, hành vi, sở thích đọc tin của độc giả hay khách hàng sẽ không được đánh giá đúng mức, dẫn đến việc các toà soạn báo, các doanh nghiệp thương mại điện tử khó có thể đưa ra các chiến lược đúng đắn, phù hợp.
Crystal - một trong những ứng dụng chặn quảng cáo trên trình duyệt, rút ngắn thời gian tải trang của hầu hết các tờ báo điện tử ở Mỹ. Những công cụ này giúp người dùng duyệt web nhanh hơn và ít bị làm phiền, nhưng cũng đồng thời khiến doanh thu quảng cáo sụt giảm.
Theo số liệu từ PageFair, trước khi Apple "động vào nồi cơm" của Google, hơn 200 triệu người dùng trên toàn thế giới đã dùng đến các công cụ chặn quảng cáo trên nền web (chẳng hạn như Adblock Plus trên Google Chrome) để tránh bị làm phiền hoặc thu thập các thông tin cá nhân.
Cái mà độc giả muốn là nội dung, nhưng quảng cáo trực tuyến là "bầu sữa" nuôi sống những người tạo ra nội dung (báo chí, blogger, nhà văn, nghệ sỹ,...). Việc người dùng muốn loại bỏ quảng cáo để tập trung hơn vào việc xem nội dung trên web đã và đang đẩy những người tạo ra nội dung vào chỗ chết.
Lối thoát nào cho những người làm nội dung?
Theo quan điểm của Terence Lee, cây viết của tờ TechinAsia, Apple không giết chết thế giới Web, mà khiến nó sinh ra thêm một lần nữa, và theo một cách khác.
Để minh chứng cho điều này, Lee lấy ví dụ từ Buzz Feed - một thế lực mới của Internet và được cho là đối thủ của Youtube hiện nay.
BuzzFeed là một trang thông tin "nửa báo chí, nửa mạng xã hội', tận dụng đa nền tảng video như Youtube, Vine, Instagram,... Ở đâu có độc giả, ở đó có BuzzFeed. Với mỗi nền tảng như trên, BuzzFeed nghiên cứu kỹ về hành vi lẫn sở thích của độc giả, sau đó sản xuất ra những nội dung phù hợp.
Khi Apple hay bất kỳ thế lực Internet nào muốn chặn quảng cáo trên website, điều này không gây ảnh hưởng gì đến BuzzFeed, bởi quảng cáo trên trang này đã tích hợp sâu vào video, "sánh đôi" cùng nội dung. Hay nói cách khác, những video kiếm ra tiền cho BuzzFeed là những sản phẩm được tài trợ bởi các thương hiệu, các doanh nghiệp.
Vì đã phân loại sẵn độc giả từ trước và sở hữu các cách tiếp cận khác nhau, nên doanh nghiệp (người mua quảng cáo) vẫn có thể chủ động hướng đến những đối tượng độc giả của họ trên BuzzFeed. Độc giả (hay cả Google, Facebook,..) cũng không có cách
nào bỏ được quảng cáo đã tích hợp bên trong video từ trang này. Ngoài video, bài viết được tài trợ cũng sẽ là cứu cánh khi các dạng quảng cáo adsense bị Apple chặn triệt để vì những thông tin này hiển thị dưới dạng nội dung, không phải banner, flash như cách làm thông thường.
Xét về tổng thể, BuzzFeed chỉ là một ví dụ và không có chuyện tất cả các website kiếm tiền từ quảng cáo đều phải học theo mô hình của BuzzFeed để tồn tại.
Tuy nhiên, cách làm của BuzzFeed có thể là "chiếc phao" cho những nhà xuất bản nội dung (báo chí, Blogger, nghệ sỹ,...) học theo, để tránh việc suy giảm doanh thu chỉ vì những đấu đá qua lại của những gã khồng lồ công nghệ.