Tháng 9 hàng năm luôn là thời điểm nhộn nhịp của thị trường đồ công nghệ, đặc biệt đối với những tín đồ của gia đình "táo cắn dở" Apple bởi sự ra mắt của hàng loạt những "siêu phẩm".
Ngày 7/9 vừa qua, chiếc iPhone 7 được mong ngóng bấy lâu đã chính thức ra mắt thị trường với nhiều tính năng ưu việt như: phím Home kiểu mới, loa stereo, camera kép gồm 1 ống kính góc rộng và 1 ống kính tele, iOS 10 cho tốc độ nhanh gấp 120 lần với iPhone đời đầu...
Với những cải tiến này "siêu phẩm" iPhone 7 được bán với giá khởi điểm từ 649 USD và phiên bản "Plus" có giá khởi điểm từ 769 USD tại thị trường Mỹ.
Cả iPhone 7 và iPhone 7 Plus sẽ có 5 màu sắc: đen, xám, bạc, vàng và vàng hồng, cùng dung lượng 32GB, 128GB và 256GB để khách hàng lựa chọn.
Tại Việt Nam, khá nhiều các chủ Shop online đã đăng bán sản phẩm này với giá từ khoảng 17 - 22 triệu đồng/chiếc cho bản iPhone 7 và từ khoảng 20 - 29 triệu đồng/chiếc cho bản "Plus" tùy loại.
Với giá thành như vậy, không phải bất kỳ một tín đồ công nghệ nào cũng có thể sở hữu ngay lập tức "con cưng" của nhà "táo cắn dở" này. Thay vào đó, mua lại các bản iPhone cũ như iPhone 6/6 Plus/5/5s... cũng không phải là ý tồi.
Tuy vậy, hiện nay, các sản phẩm cũ của Apple thường gặp tình trạng có hàng trôi nổi, dựng lại từ linh kiện rời. Vậy làm sao để có thể yên tâm mua những chiếc iPhone 6/6Plus/5/5S cũ về sử dụng là câu hỏi được nhiều người dùng đặt ra.
Hãy cùng tham khảo một vài kinh nghiệm kiểm tra và chọn lựa mua iPhone cũ dưới đây nhé!
Kiểm tra màn hình cảm ứng
Màn hình cảm ứng là yếu tố đầu tiên mà bạn cần kiểm tra trước khi mua một chiếc iPhone cũ. Không có gì quá khó khăn để xác định chắc chắn rằng màn hình đó còn thực sự tốt hay không.
Bạn chỉ cần nhấn giữ lâu một icon cho đến lúc thấy các icon rung nhẹ. Dùng ngón tay di chuyển một icon bất kỳ khắp màn hình để kiểm tra độ nhanh nhạy. Nếu icon bị tuột ra thì rất có thể vị trí đó đã bị liệt cảm ứng.
Một cách khác để kiểm tra điểm chết là bạn có thể khởi động lại máy, khi logo quả táo xuất hiện với nền đen, nếu tồn tại điểm chết, bạn sẽ thấy những chấm màu xanh, đỏ hoặc tím.
Chi tiết hơn, chúng ta cần bật màn hình đen, hoặc màn hình trắng toàn bộ. Sau đó nhìn lần lượt từ trên xuống dưới xem có điểm ảnh nào bị cháy (biến dạng về màu sắc) hay không.
Để đảm bảo rằng màn hình của máy vẫn còn "nguyên đai nguyên kiện" chưa bị đổi trác, chúng ta có thể lấy 1 đoạn băng dính trắng dán lên màn hình. Nếu bạn nhấc miếng băng dính lên mà không ăn lắm là màn hình chuẩn, còn nếu khó để bóc băng dính ra khỏi màn hình là màn đã bị thay.
Kiểm tra độ phản hồi của nút Home, nút âm lượng
Các nút cứng bao gồm nút Home, các nút âm lượng, nút nguồn... sẽ gắn liền với trải nghiệm trong suốt quá trình sử dụng máy của bạn. Do đó, khi chọn iPhone cũ, người dùng nên kiểm tra kỹ độ tương tác của các nút này trước khi mua: Xem chúng có nhạy hay không, độ nảy có tốt không. Tránh mua các máy có nút cứng khó ấn, bị kênh, lệch sang 1 bên, hoặc có độ nảy không cao.
Kiểm tra camera và phần tổng quan còn lại
Camera là phần không thể thiếu hiện nay, đặc biệt đối với các bạn trẻ có sở thích selfie mọi lúc mọi nơi. Để kiểm tra, bạn mở camera trước và sau, chụp ảnh và quay video, thử chụp ảnh với flash để chắc chắn rằng mọi thứ đều ổn.
Phần còn lại bạn cần kiểm tra tuần tự. Quan trọng nhất là vào phần cài đặt để chắc chắn máy đã thoát iCloud. Chúng ta có thể truy cập vào website chính thức của Apple. Sau đó, nhập số IMEI hoặc số Seri và nhấn tiếp tục để kiểm tra. Nếu kết quả là: "Khóa Kích Hoạt: Tắt" hoặc "Activation Lock: Off" thì bạn có thể yên tâm mua thiết bị này.
Tiếp đó, bạn hãy tắt máy và khởi động lại để kiểm tra nút nguồn. Kiểm tra chế độ nghe gọi, Wifi và 3G để đánh giá khả năng bắt sóng của máy. Kiểm tra cảm biến vân tay với những sản phẩm iPhone 5S/6/6 Plus, iPad Air 2/Mini 3. Kiểm tra mic của máy và khe SIM, các cổng kết nối còn lại trên thân máy.
Khay SIM không quá quan trọng đối với quá trình sử dụng. Tuy nhiên, có một mẹo rất hữu ích khi kiểm tra khay SIM của iPhone, đó là chúng ta có thể biết được tình trạng của màn hình. Cụ thể: Người dùng có thể tháo khay SIM của iPhone 5, iPhone 6 ra và nhìn vào khe SIM, sau đó bật màn hình sáng lên. Nếu khe SIM không bị hở sáng, tức là máy chuẩn và chưa thay màn hình.
Kiểm tra số IMEI
Kiểm tra IMEI và phiên bản iPhone luôn là thao tác quan trọng mỗi khi mua iPhone cũ và đã qua sử dụng. Mục đích là hạn chế việc iPhone bị thay vỏ, và đảm bảo rằng các chi tiết bên trong không bị thay thế.
Trước tiên người dùng cần kiểm tra dãy số IMEI (15 số) của vỏ máy là bao nhiêu. Số IMEI của iPhone 6 và iPhone 5 được Apple ghi ở ngay phía sau vỏ máy.
Tiếp theo, người dùng cần kiểm tra xem IMEI của máy ở bên trong hệ thống xem có chính xác với số IMEI ngoài vỏ máy hay không. Để làm điều này, vào "Cài đặt > Cài đặt chung > Giới thiệu" và kéo xuống dòng IMEI để xem.
Sau khi đã biết được số IMEI chính xác rồi, người dùng có thể tiến hành kiểm tra xem máy có phải là phiên bản chính hãng hay không, tình trạng kích hoạt và bảo hành bằng cách truy cập vào các website check IMEI Online, hoặc website chính thức của Apple.
Kiểm tra hình thức mặt trước, mặt sau, khung viền
Yếu tố hình thức là một tiêu chí khó lòng bỏ qua mỗi khi chọn mua các sản phẩm cũ/đã qua sử dụng, và iPhone cũng không nằm ngoài quy luật này. Người dùng khi mua iPhone cũ cần kiểm tra cẩn thận hình thức của máy, đặc biệt để ý tới 4 góc viền của sản phẩm xem có bị bóp méo, bị xước nhiều hay không. Kiểm tra các đường ghép nối, jack cắm tai nghe, cổng sạc...
Nếu máy có quá nhiều vết móp do rơi hoặc va chạm, đồng nghĩa với việc các linh kiện bên trong sẽ ít nhiều bị tổn hại. Ảnh: reuters
Ngoại hình của máy bên cạnh yếu tố thẩm mỹ, còn giúp bạn phần nào xác định được chất lượng bên trong của nó. Nếu máy có quá nhiều vết móp do rơi hoặc va chạm, đồng nghĩa với việc các linh kiện bên trong sẽ ít nhiều bị tổn hại.
Phụ kiện đi kèm
Với iPhone cũ, phụ kiện đi kèm rất khó là hàng "zin" vì máy đã qua sử dụng. Tuy nhiên, nếu nhận phụ kiện đi kèm gồm sạc, cáp, tai nghe, bạn chỉ cần chắc chắn đó là phụ kiện cao cấp là đủ. Hoặc bạn có thể mua thêm phụ kiện từ các bên thứ 3 chuyên sản xuất phụ kiện cho Apple có uy tín như Pisen.