5 lý do khiến người dùng e ngại smartphone Trung Quốc

Google News

5 lý do dưới đây lý giải vì sao người dùng lại e ngại smartphone Trung Quốc.

7/10 nhà sản xuất smartphone nhiều nhất thế giới đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, hầu hết hãng smartphone Trung Quốc chưa xác lập được uy tín thương hiệu trên phạm vi toàn cầu mà chủ yếu vẫn nhờ vào lượng máy tiêu thụ tại thị trường nội địa Trung Quốc. Tại sao vậy?
Với vị thế là thị trường smartphone lớn nhất thế giới, không có gì khó hiểu khi có đến 7 nhà sản xuất smartphone đến từ Trung Quốc nằm trong danh sách 10 hãng smartphone nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, nhiều nhất không hẳn đã là lớn nhất và mạnh nhất. Bằng chứng là phần lớn doanh số bán hàng mà các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc có được đều đến từ thị trường nội địa. Ngay cả thương hiệu lớn nhất Trung Quốc Huawei cũng chưa thể thậm nhập vào Mỹ, nơi định hướng cho thị trường công nghệ toàn cầu. Có 5 lý do khiến người dùng đắn đo khi mua điện thoại Trung Quốc khiến nhiều thương hiệu điện thoại đến từ quốc gia này chưa xác thể xác lập được vị thế trên thị trường toàn cầu.
Redmi Note từng bị tố cài sẵn ứng dụng chạy ngầm tự động để đánh cắp thông tin người dùng. 

Bị đánh cắp thông tin cá nhân
Các bê bối, cáo buộc về an ninh và bảo mật liên quan đến các smartphone Trung Quốc như Huawei, Xiaomi, Lenovo... khi người dùng e ngại trước mỗi quyết định mua smartphone. Đặc biệt, tại thị trường Bắc Mỹ, châu Âu... nơi đề cao vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, việc smartphone Trung Quốc bị cho là cài sẵn mã độc đánh cắp thông tin khách hàng gửi về máy chủ ở Trung Quốc càng khiến người dùng e ngại.
Theo báo cáo của các nhà nghiên cứu tại G Data (hãng bảo mật nổi tiếng thế giới), hơn 26 smartphone Trung Quốc bị phát hiện cài sẵn phần mềm độc hại trước khi được bán ra thị trường, bao gồm cả các thương hiệu đang bày bán tại Việt Nam như: Lenovo, Huawei và Xiaomi...
Sự việc càng trở nên nghiêm trọng hơn khi các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc bị cáo buộc mở cổng hậu cho chính phủ nước họ theo dõi dữ liệu người dùng. Hơn nữa, các mã độc cài vào máy đều thuộc diện không thể gỡ bỏ. Những cáo buộc này càng khiến người dùng tỏ ra thận trọng, tác động đến quyết định mua máy của người dùng.
Không phải mua máy là được hưởng chế độ hậu mãi
Chế độ hậu mãi cũng là một trong những điểm khiến người dùng cân nhắc khi mua smartphone Trung Quốc. Do chưa xác lập được uy tín trên thị trường thế giới, nên ở nhiều quốc gia như Việt Nam, nhiều mẫu smartphone Trung Quốc được bán dưới dạng xách tay mà không phải chính hãng.
Vì thế, khi sự cố xảy ra, người dùng sẽ không nhận được hỗ trợ từ chính hãng. Khi đã trót mua sản phẩm không có đại diện bảo hành chính thức, người dùng đành phải “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” để hạn chế hỏng hóc. Dĩ nhiên, không nhiều người chấp nhận rủi ro này khi mà thị trường smartphone đang bão hòa với nhiều lựa chọn khác.
Phải chuyển đổi ROM
Mua smartphone Trung Quốc cũng đồng nghĩa với việc phải chuyển đổi sang ROM quốc tế. Bởi hầu hết smartphone Trung Quốc không cài bộ ứng dụng sẵn có của Google do một số hạn chế về tường lửa tại Trung Quốc mà phải chạy các gói phần mềm tùy biến (ROM) trên nền lõi của Android. Điều này không đáng ngại khi nhiều nhà bán lẻ cho phép người dùng chuyển sang sử dụng ROM quốc tế. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này lại tiềm ẩn nguy cơ smartphone có thể dính malware khiến thông tin cá nhân của người dùng có thể bị đánh cắp bất cứ lúc nào. Điều đó khiến họ e ngại.
Không nhiều hãng hỗ trợ phần mềm
Xiaomi là một trong số ít nhà sản xuất Trung Quốc thường xuyên cập nhật phần mềm, đưa những phiên bản bản Android mới đến người dùng. Tuy nhiên, do thiết bị của Xiaomi không cài sẵn các ứng dụng Google hay Play Store, nên người dùng phải tự cài. Dù đây không phải là thao tác quá khó, nhưng với nhiều người dùng cũng chẳng hề đơn giản. Vì thế, bên cạnh việc quan tâm đến kiểu dáng thiết kế, cấu hình và các tính năng của máy, khi mua smartphone Trung Quốc, người dùng sẽ phải chú ý đến công ty sản xuất thiết bị để xem có nhận được chính sách hỗ trợ phần mền tốt hay không? Điều đó quả là phiền phức!
4G hay không có 4G?
Hầu hết người đều muốn chiếc điện thoại mà họ sẽ sở hữu có tốc độ kết nối Internet siêu nhanh. Muốn vậy, việc smartphone mà người dùng có ý định mua có kết nối LTE hay không rất quan trọng. Trong khi đó, nhiều smartphone Trung Quốc không hỗ trợ Band 20 khiến người dùng không thể sử dụng Internet 3G hoặc 4G trên các mạng sử dụng băng tần như vậy. Đó là nhược điểm không thể chấp nhận của những người dùng thích lướt web.
Ngoài ra, khi mua smartphone Trung Quốc, người dùng còn đối diện với những nỗi sợ vô hình. Bởi tâm lý của khách hàng thường thích sắm smartphone đến từ những thương hiệu có tiếng như: Apple và Samsung... chứ chẳng mấy ai dám bỏ tiền ra mua smartphone từ thương hiệu xa lạ. Bên cạnh đó, tâm lý “của rẻ là của ôi” cũng khiến nhiều người Việt tỏ ra e ngại khi mua smartphone Trung Quốc. Riêng tại thị trường Mỹ, việc các smartphone Trung Hoa không nhận được sự hỗ trợ của nhà mạng đang khiến các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc gặp khó khăn khi thâm nhập thị trường này.
Theo Quang Huy/Sống Mới

Bình luận(0)