|
Hàng thủ Việt Nam phải chống đỡ rất vất vả trước sức ép của đối thủ Ảnh: GETTY IMAGES |
Phan Văn Đức - mắt xích cần cân nhắc
Không phủ nhận những gì Phan Văn Đức đã thể hiện trong quá khứ. Nhưng bóng đá vốn là cuộc chơi của hiện tại và đội tuyển thì luôn cần những cầu thủ phong độ tốt nhất.
Suốt chặng cuối vòng loại thứ hai và trận đấu vừa rồi với Saudi Arabia, Văn Đức luôn được xếp đá chính. Trừ Quang Hải, Văn Đức chính là cầu thủ có thời gian thi đấu nhiều nhất trên hàng công. Tuy nhiên, những gì cầu thủ này thể hiện thực sự không thuyết phục. Thậm chí, Văn Đức gần như không để lại bất cứ dấu ấn chuyên môn nào. Anh phối hợp kém, hỗ trợ đồng đội không đạt và trong hệ thống chơi bóng ngắn của đội tuyển Việt Nam, dường như Văn Đức hơi lạc lõng. Với những người quan sát, đây được xem là quyết định sử dụng nhân sự có phần ưu ái của thầy Park.
Phong độ bất ổn của Văn Đức kéo theo hệ thống kiểm soát bóng "bị gãy" của đội tuyển Việt Nam và nó khiến chúng ta phải đối mặt nhiều hơn với tình thế phải phòng thủ.
Nếu là một cá nhân khác phong độ tốt hơn, có khả năng cầm bóng, phối hợp ổn hơn được thế chỗ Văn Đức, các cầu thủ tuyến trên sẽ có điều kiện kiểm soát bóng và qua đó giảm thiểu áp lực cho hàng thủ.
Trận gặp Saudi Arabia, Văn Đức tiếp tục là mắt xích mờ nhạt. Cùng thời điểm, Văn Thanh cũng chơi dưới sức, đội tuyển Việt Nam hổng cánh trái và thua 2/3 bàn từ cánh này.
Nhưng khó hiểu là khi Duy Mạnh bị truất quyền thi đấu, người thầy Park rút ra khỏi sân để đưa Đình Trọng vào không phải là Văn Đức, mà là Tuấn Anh, tiền vệ trung tâm chơi ổn nhất hôm đó.
Mãi về sau, khi đội tuyển Việt Nam đã thua 1-3 và buộc phải làm mới hàng công, Hồng Duy mới có dịp vào sân thế chỗ Văn Đức.
Hành trình của đội tuyển Việt Nam còn đến 9 trận nữa và tình thế của đội bóng yếu hơn luôn phải phòng thủ. Giải pháp tối ưu nhất để hàng thủ không bị dồn ép tức thở là tìm ra phương án kiểm soát được ở phía trên (dù không hoàn toàn) và vị trí của Văn Đức rất cần cái nhìn tích cực, công tâm hơn từ thầy Park!
Sử dụng nhóm cầu thủ có khả năng phối hợp
Một đội bóng yếu hơn (thậm chí yếu nhất bảng) như chúng ta, cơ hội kiểm soát trận đấu hoặc áp đặt lối chơi là khó. Việc phù hợp với đội tuyển Việt Nam là chủ động về chiến thuật, tính toán nhân sự phù hợp để đưa ra đối sách hợp lý.
Đội tuyển Việt Nam không kỳ vọng sẽ cầm bóng được vài phút như các đội bóng mạnh trên thế giới từng làm. Cũng khó để chúng ta thong dong như cuộc chơi ở SEA Games hay AFF Cup. Nhưng trong chừng mực nào đó, Tuyển VN vẫn nên tìm cách phối hợp, tránh những cú phá bóng vô bổ.
Trận gặp Saudi Arabia, thủ thành Tấn Trường có mỗi điểm đến là Tiến Linh và dù năng lực phát bóng bằng chân tương đối ổn, anh cũng không thể tạo ra những pha phản công cho đội tuyển Việt Nam. Lý do: Tiến Linh bị kèm rát bởi 3 cầu thủ Saudi Arabia to cao. Có thế sẽ hiệu quả hơn nếu Tiến Linh là điểm đến chỉ để tranh chấp hoặc hút người, còn nhận bóng là cầu thủ khác.
Trong thế trận liên tục bị dồn ép, ngoài việc kiện toàn hàng thủ, nên chăng Việt Nam sử dụng nhóm cầu thủ HAGL - những người có khả năng kiểm soát bóng tốt. Ví dụ, vị trí của Văn Đức sẽ do Hồng Duy đảm trách. Tiến Linh luân phiên với Văn Toàn (tuỳ tình thế) đá mũi nhọn. Họ sẽ cùng Quang Hải, Hoàng Đức - những cầu thủ cũng giỏi kiểm soát bóng chơi cùng nhau. Họ cầm được bóng cũng có nghĩa hàng thủ được nghỉ ngơi, còn đối phương thì lo lắng. Công Phượng cũng là nhân tố được tính đến bởi khả năng độc lập tác chiến, dù anh vắng mặt ở trận đầu bởi lý do gia đình.
Đội tuyển Việt Nam có thể chơi cảm tử một trận, có thể phải áp dụng chiến thuật tử thủ trong ngắn hạn. Nhưng về lâu về dài, cuộc hành trình "10 trận chung kết" như hiện nay rất cần có những giải pháp để tình thế tốt lên. Tuyển Việt Nam không thể dùng mãi thứ vũ khí tinh thần để nhập cuộc. Vì thứ vũ khí này tuy là điểm mạnh của chúng ta nhưng tốc độ bào mòn thể lực, trí lực đối với cầu thủ của nó thì hậu quả khôn lường, mà ngay trước mắt là số ca chấn thương ngày một tăng lên.