Thủ môn Đặng Văn Lâm vừa có bài trả lời phỏng vấn chân thực với nhiều tiết lộ chấn động trong gần 10 năm đến với trái bóng tròn.
Bài phỏng vấn của anh làm nhiều người liên tưởng đến cuốn hồi ký của Lê Công Vinh với những chương tự truyện chấn động về thế giới sân cỏ.
Cuộc phỏng vấn được thực hiện trên tờ Sovsport của nước Nga, trước khi anh cùng các đồng đội bước vào trận đấu với Nhật Bản ở vòng tứ kết Asian Cup 2019. Lâm “tây” đã có những chia sẻ chân thực và chấn động về những năm tháng không thể nào quên trong sự nghiệp bóng đá của mình.
Khởi điểm với mức lương 200 USD, chơi bóng ở những “sân vận động” dùng để thả gia súc, bị "trao đổi" như một món hàng ở các câu lạc bộ là điều mà Đặng Văn Lâm từng trải qua trước khi có được những thành công như ngày hôm nay.
“Lắm hôm ở trên sân, bạn sẽ thấy đâu đó cách vài mét ngay bên tay phải thủ môn là một bãi phân khổng lồ. Hóa ra sân cỏ ở Lào không chỉ để đá bóng mà còn dành cho các loài gia súc như bò, dê, ... đi dạo”, Đặng Văn Lâm đã trả lời như thế trong cuộc phỏng vấn tờ Sovsport.
|
Đặng Văn Lâm từng có mức lương 200 USD trước khi trở thành thủ thành số 1 Việt Nam.
|
Ở mùa giải đầu tiên tại Lào, Văn Lâm được trả lương 200 USD và sống trong những căn phòng ở ghép dưới khán đài.
Trong một lần anh gọi điện về cho gia đình, bố của Văn Lâm gần như đã khóc và mong con trai về Nga. Ông bảo rằng với mức lương như vậy thà đi gác cổng mà còn được gần gia đình hơn.
Năm 2014, những tưởng cơ hội trở thành cầu thủ chuyên nghiệp đã đóng cửa, Đặng Văn Lâm nghe lời bố mẹ, trở về Nga và ghi danh vào một khóa học tài chính kế toán. Nhưng anh không học được bất cứ thứ gì, ngoại trừ môn hình thể.
Anh tiếp tục kinh qua một vài câu lạc bộ tại Nga ở vị trí thử việc. Rồi đến cả vị trí thử việc ở câu lạc bộ cũng từ chối, Văn Lâm trở thành thầy huấn luyện viên thủ môn ở một trường học thể dục.
Cho đến khi anh viết bức thư ngỏ trên trang facebook cá nhân. Dòng trạng thái giới thiệu về bản thân và khát khao muốn được chơi bóng ở Việt Nam của Đặng Văn Lâm sau này đã trở thành một câu chuyện truyền cảm hứng đến giới trẻ.
Trong hành trình đi tìm giấc mơ trên sân cỏ, Văn Lâm cho hay, anh bị cản trở không chỉ bởi ngôn ngữ mà còn bởi thứ văn hóa bóng đá rất khác biệt giữa Việt Nam và Nga.
“Ở Nga, ngay cả trong môi trường đào tạo bóng đá, bạn có thể bình tĩnh tìm đến HLV và giải thích tại sao bạn làm điều này điều kia nhìn từ góc độ của bạn. HLV sẽ hiểu rằng cậu học trò này dám đứng lên bày tỏ quan điểm của mình. Nhưng ở Châu Á lại khác. Thầy luôn đúng và bạn không được quyền tranh luận với HLV. Ông ấy lớn tuổi hơn, biết nhiều hơn bạn. Bạn cần cụp mắt xuống và gật đầu. Thực tế này xảy ra trong hầu hết mọi trường hợp. Trước đó tôi đã không nhận ra điều này nên có những tranh luận hay đặt câu hỏi dành cho HLV. Ở Việt Nam, hành động đó bị coi là kiêu ngạo”, anh nói với tờ Sovsports.
Bài trả lời phỏng vấn của Đặng Văn Lâm khiến nhiều người nhớ đến cuốn tự truyện của Lê Công Vinh. Qua đó, công chúng hiểu được nỗ lực tuyệt vời của những ngôi sao bóng đá. Không có vinh quang nào được trải bằng hoa hồng mà phải có sự đánh đổi bằng máu và nước mắt, bằng sự kiên trì nhẫn nại và niềm đam mê bất tận với bóng đá.