Nhắc tới người đàn ông đang học lên tiến sĩ, ấn tượng đầu tiên về anh ta có thể là học cao hiểu rộng, thông minh hay “mọt sách”. Không mấy ai nghĩ rằng những trí thức đó lại gặp khó khăn trong chuyện tìm bạn đời. Thực tế này đang diễn ra ở Trung Quốc.
Gần đây, một nam nghiên cứu sinh 30 tuổi ở Trung Quốc bị cô gái quen trên trang web hẹn hò lừa đảo hơn 7.000 nhân dân tệ (1.000 USD). Theo Global Times, áp lực quá lớn từ gia đình khiến anh nôn nóng tìm người kết hôn, rồi không may mắc bẫy của kẻ xấu.
Vụ việc làm nổ ra cuộc tranh luận gay gắt trên mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều ý kiến cho rằng những người học cao dễ bị tổn thương, thậm chí là gặp không ít trắc trở.
Wang Wei (tên đã được thay đổi) - nghiên cứu sinh ngành Lâm nghiệp tại một trường đại học hàng đầu ở Bắc Kinh - tâm sự: “Phần lớn những người quanh tôi đều độc thân bởi không dễ tìm được một phụ nữ phù hợp”.
Năm nay Wang sẽ tốt nghiệp. Anh nói rằng 1/3 số bạn học nam của mình đang “ế”. Tỷ lệ này cao hơn một chút so với bạn nữ cùng lớp.
Metropolitan trò chuyện với một số nam tiến sĩ tương lai cùng các phụ nữ hẹn hò với họ để tìm hiểu lý do của tình trạng này.
Bị bỏ vì gần 30 tuổi không mua nổi nhà
John Fang (29 tuổi) đang học tiến sĩ tại Bắc Kinh và sẽ hoàn thành luận án sau 2 năm nữa. Anh cho rằng một trong những bất lợi lớn nhất của các nghiên cứu sinh là kinh tế.
Fang và bạn gái cũ có 3 năm mặn nồng bên nhau, thậm chí họ tính tới chuyện kết hôn vào năm ngoái, bởi cả hai đều sắp bước sang tuổi 30. Tuy nhiên, kế hoạch cho cuộc sống “màu hồng” tan thành mây khói khi mẹ cô gái khăng khăng đòi Fang mua một căn hộ.
|
Phần lớn nam nghiên cứu sinh ở Trung Quốc được cho là không thể tìm nửa kia vì dành quá nhiều thời gian cho học tập, nghiên cứu và thu nhập thấp. |
“Bà ấy nói rất nhiều lần rằng tôi cần có nền tảng kinh tế vững vàng để lo cho gia đình mới và nhà riêng là điều kiện bắt buộc”, chàng trai 29 tuổi nhớ lại.
Tuy nhiên, thu nhập của Fang không cao nên anh sống trong ký túc xá của trường để theo đuổi con đường học vấn. Ngay cả khi gia đình hỗ trợ, anh cũng không có khả năng mua nhà giữa thủ đô có mức sống đắt đỏ.
Nam tiến sĩ tương lai muốn hoãn chuyện mua nhà cho tới khi tốt nghiệp và tìm được việc làm ổn định. Nhưng thời gian hai năm hoặc lâu hơn nữa khiến cô gái không thể chờ đợi. Cuối cùng, cả hai quyết định chia tay.
“Kết cục này là điều không thể tránh khỏi. Hoàn thành chương trình tiến sĩ tốn nhiều thời gian. Sự nghiệp của bạn cũng sẽ bắt đầu muộn hơn nhiều người cùng độ tuổi”, Fang cho biết.
Chàng trai Trung Quốc quyết định tập trung hoàn thành các nghiên cứu của mình và không màng tới chuyện hẹn hò cho tới khi tốt nghiệp.
Thực tế, trường hợp tương tự Fang không hiếm. Thời gian học tập quá dài khiến nhiều nghiên cứu sinh thiếu cả kinh nghiệm xã hội và làm việc so với bạn bè đồng trang lứa.
You Juanyang - nhà phân tích tài chính - đồng tình với quan điểm của Fang rằng kinh tế là một trong những vấn đề lớn nhất mà các nam nghiên cứu sinh phải đối mặt. Nhiều năm qua, cô chứng kiến một số bạn bè học lên tiến sĩ thất bại trong chuyện tình cảm bởi lý do này.
Juanyang nhấn mạnh trình độ học vấn quá cao không được đánh giá tốt trong thị trường việc làm ở Trung Quốc hiện nay. Do đó, nhiều nghiên cứu sinh không dễ kiếm được công việc phù hợp sau khi học xong. Thu nhập kém khiến họ “ế” là chuyện dễ hiểu.
“Vấn đề nằm ở chỗ chương trình giáo dục không phù hợp nhu cầu thực tế của thị trường lao động”, cô nhận định.
Ế vì ‘kén cá chọn canh’
Nhìn chung, học cao đồng nghĩa với chuyện lập gia đình muộn. Phần lớn nghiên cứu sinh ngày càng coi trọng việc tìm kiếm nửa kia phải đồng điệu về tâm hồn. Wang là một trong số đó.
“Với tầm hiểu biết rộng và nhìn cuộc sống bằng con mắt sâu sắc hơn, bạn càng sẵn lòng tìm người tri kỷ, thật sự đồng điệu về tâm hồn, không chấp nhận kiểu quan hệ tạm bợ. Tôi nghĩ đó là một trong những lý do mà nhiều nghiên cứu sinh vẫn cô đơn”, Wang nói.
Wang từng có mối tình hạnh phúc với một nữ nghiên cứu sinh. Cả hai quen nhau nhờ cùng yêu thích bóng đá. Với nền tảng giáo dục và trí tuệ tương đương, họ thấy đối phương là mảnh ghép hoàn hảo của mình và sớm thành một cặp.
Tuy nhiên, sau một năm, tình cảm của họ nhạt dần khi 2 người du học ở các nước khác nhau. Giống nhiều đôi, mối quan hệ của họ không thể kéo dài thêm. Wang không quen ai khác sau khi chia tay.
Thậm chí, anh còn thận trọng hơn trong việc tìm đối tượng hẹn hò. Bởi anh muốn nhanh chóng tính chuyện kết hôn, thay vì lãng phí thời gian vào các mối quan hệ không đi tới đâu. Sự kỹ tính làm cho Wang khó tìm được nửa kia phù hợp.
“Lý do khác khiến nghiên cứu sinh chúng tôi khó tìm được đối tượng hẹn hò là vòng tròn xã hội quá nhỏ”, Wang chia sẻ.
Anh kể hầu hết bạn học của mình gần như ăn, ngủ trong phòng thí nghiệm và văn phòng để tiến hành nghiên cứu. Họ có rất ít cơ hội gặp gỡ các cô gái bên ngoài.
Nên yêu trước khi theo học tiến sĩ
Liu Qi (tên đã được thay đổi) - nghiên cứu sinh tại một trường đại học hàng đầu ở Thiên Tân - hiện làm việc trong ngành điện lực. Anh đồng ý rằng vòng tròn xã hội nhỏ cản trở chuyện tình cảm của những người học lên tiến sĩ, gây ra nhiều hệ quả.
“Bắt đầu chương trình tiến sĩ giống như bước ngoặt. Bạn nên tìm được nửa kia trước, nếu không bạn rất có thể sẽ trở thành ‘hàng tồn kho’”, anh chia sẻ.
Liu nhận ra rằng hầu hết bạn học của mình không “ế” vì đã có người yêu hoặc vợ trước khi bắt đầu học lên tiến sĩ, thường là ngay sau hoặc trong thời gian học đại học.
“Tỷ lệ nam nghiên cứu sinh độc thân không quá cao, nhưng thật khó để họ thoát ‘ế’”, Liu cho hay.
Anh nhận định vòng tròn xã hội nhỏ có nghĩa là các nghiên cứu sinh chỉ có hai kênh chính để tìm người yêu: Trong trường và qua các buổi hẹn hò giấu mặt. Với kênh đầu tiên, các cô gái họ gặp thường đang theo học tiến sĩ. Đặc điểm của nhóm này là số lượng ít và nhiều người đã có nửa kia.
Với kênh thứ hai, các cô gái thường được bạn bè, gia đình nam nghiên cứu sinh mai mối và làm việc bên ngoài khá lâu. Họ dày dạn kinh nghiệm xã hội và có vẻ trưởng thành hơn nửa còn lại.
“Những người sống trong trường thường suy nghĩ đơn giản và ít va chạm hơn người đã đi làm. Trong mối quan hệ lâu dài, cô gái được bạn trai bảo vệ, che chở thì tốt. Ngược lại, đàn ông mà thiếu chín chắn thì thật đáng lo ngại”, Liu nói.
Đồng quan điểm, Xu Zichen - 2 năm nữa sẽ bảo vệ luận án tiến sĩ - cho rằng các cô gái độc thân làm việc bên ngoài và nam nghiên cứu sinh không thể hòa hợp do kinh nghiệm xã hội khác nhau. Con gái 30 tuổi có thể được coi là "ế", còn đàn ông, nhất là các tiến sĩ tương lai thì không hẳn là vậy.
|
Thời gian dành cho việc học tập, nghiên cứu quá nhiều khiến phần lớn nam nghiên cứu sinh Trung Quốc có ít cơ hội gặp gỡ, hẹn hò các cô gái.
|
Nhà nghiên cứu tài chính You Juanyang đồng ý với nhận định của Xu. Bạn trai của cô là nghiên cứu sinh mới tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh, Trung Quốc).
“Năm nay chỉ 1/4 thành viên của lớp bạn trai tôi tốt nghiệp. Những người còn lại phải nỗ lực học tiếp. Mọi thứ trở nên khó khăn hơn đối với họ”, You cho hay.
Tuy nhiên, cô nhấn mạnh một người học lên tiến sĩ có thế mạnh là suy nghĩ thấu đáo, kiến thức phong phú cùng sự chăm chỉ. Những yếu tố này có thể hấp dẫn phái đẹp.
“Nhiều phụ nữ thích đàn ông có hiểu biết, một số lại quan tâm đến những khía cạnh khác. Vì vậy, tiêu chuẩn chọn nửa kia của phái đẹp tùy thuộc vào mong muốn của bản thân họ”, cô nói.
Wang Yue - có chồng là tiến sĩ - nói thêm rằng những bất lợi được cho là khiến nam nghiên cứu sinh “ế” không có căn cứ.
“Những người học lên tiến sĩ không phải chỉ biết cắm đầu vào học hành, nghiên cứu. Họ có sở thích và mối quan tâm riêng giống như bao người. Chỉ khác là họ có kiến thức sâu, khả năng logic tốt hơn về lĩnh vực họ theo đuổi”, cô Wang nói.