Cách đây mấy ngày Emdep.vn đã đăng tải bài viết về câu chuyện "con nít biết gì đâu" là cách mà nhiều phụ huỵnh lập luận khi trẻ con nghịch ngợm. Tuy nhiên, dường như vấn đề này vẫn chưa dừng lại mà không ít ông bố bà mẹ nghĩ rằng điều đó là cách thông cảm cho con nhưng có thể lớn lên trẻ sẽ thành đứa con không nghe lời.
Mới đây, một chàng trai chia sẻ câu chuyện xảy ra tại nơi làm khiến nhiều người suy ngẫm. "Hôm nay tôi có phục vụ 1 bàn gồm 3 người lớn và 1 đứa con nít. Bố mẹ ngồi nói chuyện với bà bạn, mặc kệ cho thằng bé ngồi lấy hết mấy hũ gia vị rồi nước tương đem đổ hết ra bàn rồi vào chén ngồi phá phá! Một mình nó bày cả 4 cái chén để ngồi nghịch, đã vậy còn chạy lung tung khắp nơi gây ảnh hưởng tới nhưng khách khác và bố mẹ vẫn ngồi an toạ yên bình".
Trước tình huống đó, lần đầu thì nhân viên nhắc nhở, chỉ ra lấy mấy hũ gia vị bàn đó vào cất đi thôi. Nhưng do bé tiếp tục nghịch và lấy một hũ gia vị ở bàn khác sang nghịch tiếp nên mới ra nhắc với bố mẹ thì người bố chỉ phán 1 câu: “Trẻ con mà em, để cho cháu nó chơi đi, lát tính tiền thêm cho anh có sao đâu”.
Cư dân mạng tỏ ra bức xúc trước câu nói của bố đứa trẻ. Bởi nếu nói như vậy thì con sẽ tiếp tục nghịch ngợm khi đến chỗ khác và gây phiền phức cho mọi người.
"Nhà mình cũng bán hàng và hiểu nỗi lòng. Nhiều nhà cho con đi ăn nhưng bố mẹ chỉ lo ăn, còn con nghịch hết nước mắm, hạt tiêu, bôt canh đổ be bét mà chẳng ai ý kiến gì. Đổ cả chai nước mắm thì mẹ chỉ lau qua loa rồi ra về, để mặc cả nhà mình đi lau nhà ốm đòn", một người bình luận.
Có người cho rằng: "Bây giờ mà không uốn nắn con, chỉ thêm ít tuổi nữa là con hư đốn ngay. Dạy con phải từ khi còn bé. Tất nhiên không đánh đập con hay quát mắng nhưng phải cho con hiểu điều gì có thể xảy ra khi còn làm như vậy chứ, không thì làm sao mà con có thể hiểu được tác hại khi làm như vậy".
Thay vì dung túng cho sự nghịch ngợm của con, cha mẹ phải chỉ cho con hiểu điều gì được làm và không được làm. Việc dạy con phải từng ngày nhưng không thể thiếu sự kiên quyết từ những hành động nhỏ của con nhằm tránh trẻ bị hư đốn khi lớn lên.