Trên TikTok, một người dùng đăng tải đoạn clip có nội dung “Danh sách những bằng đại học ‘vô dụng’”. Trong đó, người này nêu ra các ngành không cần bằng đại học vẫn có thể làm được. Video này đã nhận được rất nhiều phản ứng trái chiều, song lại đẩy số lượt xem lên gần 5 triệu.
Nội dung của TikToker gây tranh cãi trên mạng. (Ảnh: Hải Đăng)
Theo nội dung clip, người dùng H.D cho rằng, các bằng đại học về quản trị kinh doanh, ngôn ngữ Anh, marketing, quản lý nhân sự đều “vô dụng”.
Người này lý luận, học quản trị kinh doanh rất chung chung nên chỉ có thể ra làm sale (bán hàng), marketing (tiếp thị). Tiếng Anh người nào cũng học nên chỉ cần lấy chứng nhận IELTS và học thêm ngành khác. Riêng ngành marketing chỉ cần kinh nghiệm, không cần bằng cấp. Ngành quản trị nhân sự chuyên về kỹ năng mềm, không cần học đại học.
Cách nêu vấn đề của người này đã gặp phải phản ứng trái chiều của cộng đồng mạng.
Dưới video này, người có tên Lee… lý luận, học ngôn ngữ Anh khác hoàn toàn với học IELTS. Học IELTS có giá trị chỉ 2 năm, trong khi bằng đại học có giá trị suốt đời, có thể đi dạy, đi làm nghề...
Người dùng … Tinh linh lại cho rằng, muốn có kinh nghiệm marketing thì ít nhất cũng phải đi học, việc nói không cần bằng cấp là không đúng.
Một người làm trong mảng nhân sự không đồng tình với việc “làm nhân sự chỉ cần kỹ năng mềm”. Theo người này, chỉ kỹ năng mềm thôi không thể làm thang bảng lương, không thể định mức từng công đoạn trong công việc...
Một số người tỉnh táo lại nhận định, mục đích của clip là để “câu view”.
“Tranh cãi là điều chủ kênh đang muốn đấy các bạn”, người có tên Quốc… lý giải.
Video clip nói trên cũng vấp phải luồng ý kiến trái chiều trên Facebook. Nhiều ý kiến cho rằng trên TikTok, ai cũng có thể trở thành chuyên gia.
Sau khi xem nội dung được chia sẻ, tài khoản Đinh Công Huy cảm thán: Khi người ta nghĩ mình có thể cải cách giáo dục bằng TikTok.
Đối với TikTok nói chung, anh Đoàn Trí Gia Tường tại TP.HCM cho rằng, cần giới hạn độ tuổi xem nội dung ở mức 20. Ở tuổi này, người dùng có đủ nhận thức để lọc những nội dung “nói nhăng nói cuội” trên nền tảng này. Dù vậy, anh thừa nhận vẫn còn quá nhiều nội dung hay trên TikTok không thể bỏ.
Để tiếp cận được các kênh giá trị, anh Gia Tường chia sẻ, cần tích cực xem nội dung tốt, theo dõi những chủ đề hay, để từ đó TikTok đề xuất các video phù hợp mong muốn của người dùng, thay vì các nội dung thuần chất giải trí vô bổ.