Hơn 7 năm qua cứ đều đặn mỗi ngày bà Nguyễn Thị Phương (70 tuổi, trú tại thôn Văn Uyên, xã Duyên Hà, Thanh Trì, Hà Nội) lại tất bật chăm sóc cho người con gái Ngô Thị Hồng (28 tuổi) nằm liệt giường. Hồng nằm bất động, chân tay co quắp, chỉ có duy nhất từ cổ trở lên là hoạt động được suốt nhiều năm qua.
|
Suốt hơn 7 năm qua bà Phương luôn bên cạnh chăm sóc cho con gái. |
Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Phương nghẹn ngào cho biết, cách đây hơn 7 năm, đang ở thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp, khi Hồng là niềm tự hào của cả gia đình khi đạt được nhiều huy chương môn Karatedo thì tai hoạ bất ngờ ập tới. Hồng bị liệt tứ chi từ đó đến nay.
Mân mê những tấm huy chương của con gái trên tay, bà Phương bật khóc kể, trước đây chị Hồng vốn là sinh viên Cao đẳng du lịch Hà Nội. Tuy nhiên, do sở thích và có năng khiếu về thể dục thể thao, Hồng nhanh chóng bén duyên với môn võ Karatedo.
Thời gian đầu, bà Phương không đồng ý cho con theo nghiệp kiếm võ. Bà cho rằng học võ là tốt cho sức khỏe nhưng để theo nghề, đặc biệt là con gái thì bà không yên tâm. Thế nhưng niềm đam mê ấy cứ thôi thúc Hồng mãi không thôi. Cô trốn bố mẹ đi học võ vào mỗi buổi chiều.
Cho tới khi Hồng mang những tấm huy chương về khoe với bố mẹ, vợ chồng bà Phương mới phần nào yên tâm và cảm thấy tự hào về con. Từ đó bà luôn ủng hộ và dõi theo con gái.
Hồng được mệnh danh là cô gái “vàng” Karatedo Việt Nam khi đạt được nhiều huy chương trong các giải đấu. Vậy mà, ở tuổi 20 với bao hoài bão, mơ ước, bỗng chốc sự nghiệp của Hồng tan vỡ, cô phải sống cảnh liệt tứ chi sau tai nạn giao thông vào cuối tháng 4/2011.
“Hôm ấy, con gái tôi đi tập luyện theo lịch. Vừa đi lên đầu con đê trước nhà, một chiếc xe tải đâm phải rồi chèn lên người khiến Hồng bất tỉnh.
Sau vụ tai nạn đó, cả gia đình dồn hết mọi tài sản trong nhà để lo chạy chữa cho con, nhưng kết quả lại không được như mong muốn. Hồng bị liệt tứ chi, phải ăn xông và cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào người thân”, bà Phương rưng rưng nhớ lại.
|
Nhiều năm nằm liệt giường khiến chân tay Hồng co quắp. |
Hằng ngày, bà Phương lo thu xếp công việc rồi cho con gái ăn uống, tắm rửa, sinh hoạt. Bà cũng dành riêng một căn phòng nhỏ cho Hồng. Tuy nằm liệt giường nhưng đầu óc của cô gái này vẫn hoàn toàn tỉnh táo.
Tâm sự với chúng tôi, Hồng nói với giọng đầy lạc quan: “May mắn cho em là đầu óc vẫn còn tỉnh táo và nói chuyện được với mọi người”. Dù vẫn nhớ từng chi tiết nhỏ trong vụ tai nạn 7 năm về trước, nhưng giờ đây, chị Hồng không muốn gợi lại nỗi đau chôn giấu lâu nay.
“Sau khi gặp nạn, biết mình không có cơ hội vận động, tôi nhiều lần tìm cách tự tử để đỡ gánh nặng cho bố mẹ nhưng đều bất thành. Đó là những lần tôi uống thuốc ngủ, hay có lần dùng dao tìm cách tự đâm vào ngực mình nhưng không chết. Thậm chí còn nhịn ăn, nhịn uống để được chết nhưng không được. Bởi khi quá yếu, các bác sĩ đã đặt ống xông để tiếp nước và thức ăn vào cơ thể”, Hồng nhớ lại những ngày bi cực của cuộc đời.
Sau những lần ấy chứng kiến bao người có hoàn cảnh như mình, vẫn nghị lực vượt lên số phận, Hồng suy nghĩ lại và nhận ra rằng, mình phải sống làm sao cho trọn kiếp người. Hồng hứa sống để bố mẹ không vì mình mà lo lắng sinh bệnh.
|
Chị Hồng kể nhiều lần định tự tử nhưng không thành. |
Trước khi gặp nạn, Hồng là một cô gái nhanh nhẹn, xinh đẹp và giỏi giang nên nhiều chàng trai ngỏ ý theo đuổi. Cô cũng từng có một mối tình đẹp như bao người khác. Thế nhưng sau khi gặp nạn dù vẫn rất yêu thương bạn trai nhưng cô đã chủ động nói lời chia tay bởi không muốn người ấy vì mình mà khổ.
“Suốt 2 năm sau khi bị tai nạn, tôi vẫn nhớ về mối tình đầu đó. Nhưng rồi, tôi tự nhủ phải quên đi và chúc cho anh luôn hạnh phúc”, Hồng tậm sự.
Giờ đây, mong muốn lớn nhất của cuộc đời Hồng là được chữa bệnh. Hồng biết rằng để trở lại bình thường như thuở đôi mươi là điều không thể, nhưng cô gái giàu nghị lực này chỉ mong có thể cử động được chân tay, ngồi được xe lăn là hạnh phúc lắm rồi.