Rất nhiều sinh viên ở Hà Nội được bố mẹ nuôi ăn học đại học ngành Thiết kế Thời trang, các em được “nâng như nâng trứng”, tâm hồn lãng mạn, các ý tưởng thiết kế thì bay bổng.
Thế rồi, họ được các nhà trường đưa đi kiến tập, thực tập: Sinh viên ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương suốt 3 tháng ròng ngồi lỳ mỗi ngày 9-12 tiếng ở máy may rồi bàn nhồi bông sản phẩm, trong các công xưởng xập xệ.
Họ bị ép sản lượng, tăng ca, làm chủ nhật, bị đối xử thiếu nhân ái, lại còn chịu cảnh đồ ăn thức uống kém, ở trong các khu “nhà trọ công nhân” tồi tàn ngoài sức tưởng tượng...
Kỳ 1: Kiến tập như 'khổ sai'
Nhận được kêu cứu của sinh viên (SV), nhóm PV báo Lao Động đã chia làm hai tốp, xâm nhập vào khu nhà tồi tàn sinh viên ngành Thiết kế Thời trang (TKTT) đang tá túc để “kiến tập - lao động sản xuất” của Cty TNHH May Hưng Nhân ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
'Công ty đang bóc lột sức lao động của bọn em'
Tốp một vào ngủ cùng, ăn cùng, đóng giả người nhà sinh viên để nghe những tâm sự gan ruột của các em học ngành TKTT, Đại học Công nghiệp Hà Nội. Tốp hai vào khu nhà trọ sinh viên nam.
Ngay giữa mưa gió bão bùng, nhà trọ dột lênh láng, 7 SV của Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương túm tụm vào một góc giường. Họ lấy nylon che chắn đồ đạc “chạy mưa” ở ngay trong lòng nhà! Các em bức xúc vì không được thông báo trước điều kiện lao động “gia công, nhồi bông, nhặt chỉ” gần 10 tiếng/ngày.
|
Các sinh viên phải sống chen chúc trong những căn nhà tồi tàn, ngày làm việc từ 8 đến 10 tiếng, có khi tăng ca 12 tiếng, trong khi thời gian kiến tập là 3 tháng. Ảnh: Lao Động. |
Bức xúc hơn là vì “khổ sai” thế thì không có ý nghĩa gì và không liên quan chuyên ngành TKTT mà họ được đào tạo mấy năm qua. Vô lý hơn là “khổ sai” như vậy, nhưng sau thời gian dài lao động cật lực, dự kiến các em chỉ được nhận về... vài trăm nghìn đồng.
Bức xúc của sinh viên là có thật. Trong hai khu phòng ở, phòng 24 người, phòng 36 người, như một khu lán trại tập trung, vài khu còn bị mưa dột tơi bời, lép nhép.
Vào lúc 0h ngày 19/7, chúng tôi hỏi gì, các bạn SV ĐH Công nghiệp Hà Nội cũng bấm “chị khẽ thôi”, “bên kia có gián điệp”. Ý rằng sau khi các em kiến nghị đòi tăng khẩu phần ăn, không thể lao động quá 8 tiếng một ngày, ốm đau phải được nghỉ ngơi chăm sóc, không thể bị đối xử nhẫn tâm như hiện tại..., nhiều người đã bị “thầy cô quản lý” dùng bài “tâm lý chiến”, “ly khai” khỏi các kiến nghị ban đầu.
Chiêu bài là dọa sẽ không xác nhận đủ điều kiện kiến tập, tức là không được xét tốt nghiệp hoặc đuổi học. Cô phó trưởng khoa còn lưu ý cả những SV đang là đối tượng cảm tình Đảng, “kiến nghị” thế này là cần... xem lại. Cô này còn bóng gió kể về 7 năm trước SV từng kiến nghị và 2 SV đã bị “đình chỉ học”.
Xin được trích băng ghi âm, trong đêm, nhóm SV ĐH SP Nghệ thuật Trung ương nói: “Lúc đầu thấy bữa cơm chỉ có rau luộc và đậu sốt, bọn em rất choáng. Lạc rang chỉ cho vừa đủ cái lòng đĩa thôi, bọn em ăn mà cứ nghĩ họ sẽ bê thêm thức ăn ra. Cuối cùng chẳng có cái gì cả. Món mà bọn em kinh hãi nhất mà công nhân cũng khiếp là thịt bò xào rau gì ấy, được lèo tèo vài miếng, còn rau thì là cái loại không ăn được”.
“Bọn em làm thì mỗi đứa một chuyền (dây chuyền) khác nhau, chuyền thì có 10 bạn, chuyền chỉ có 2-3 bạn. Họ sợ bọn em bỏ trốn, cho nên lúc nào cũng không cho nghỉ. 7h sáng đã phải đi làm. Bởi vì nhà trường đã ký hợp đồng như thế rồi. Mỗi ngày, họ bắt làm từ 9 đến 10 tiếng. Bọn em làm không khác gì một công nhân. Không thể ngờ rằng, bọn em xuống đây thực tập mà bị bắt nạt như thế”.
“Bọn em cảm giác mình bị lừa, một ngày phải làm hơn 10 tiếng, ngày tăng ca thì 12 tiếng. Em bị phân ra một dây chuyền công việc chỉ có nhồi bông. Em nghĩ công ty đang bóc lột sức lao động của bọn em. Thậm chí, đứa nào kể cả ốm đau họ cũng không cho nghỉ. Hoặc phải nhờ bạn làm thay vào chuyền đó mới cho nghỉ. Bạn em đám cưới anh trai xin về mà họ còn không cho về”.
|
Với bữa cơm đạm bạc ngoài sức tưởng tượng, các sinh viên kiến tập lấy đâu sức để làm ngày 10 tiếng trong điều kiện khắc nghiệt. Ảnh do SV chụp. |
“... Vấn đề là họ ép để cho mình làm ra tiền cho họ ấy. Chính ra bọn em chỉ phải thực hành 8 tiếng thì về. Nhưng, nếu mà bọn em về trước, người ta không mở cổng là một. Hai nữa, chị tổ trưởng của bọn em sẽ không hài lòng và sẽ không ký cho sản lượng (để hoàn thành điều kiện thực tập). Đến mức, trong giấy cam kết của bọn em ghi là nghỉ quá 2 ngày, nhưng xin thì không bao giờ cho nghỉ, phải có lý do.
Chẳng hạn như phải có người nhà chết thì họ mới cho nghỉ, còn ốm thì không việc gì phải về trông. Mẹ em bị ốm nặng, em mới lên gặp chú trưởng phụ trách: Chú ơi, mẹ cháu ốm cháu xin phép nghỉ một ngày để cháu về trông mẹ cháu thì chú bảo là: Ốm thì nằm đấy không phải trông. Em bảo, thế mẹ cháu ốm quá, chân mẹ cháu yếu không đi lại được, mẹ ngã và chết thì sao. Chú bảo, kệ. Xong rồi, em còn khóc lên ấy, chú ấy bảo, cái này tôi không giải quyết”.
Chấp nhận nhận bằng chậm một năm vì không chịu nổi áp lực
Sau những ngày lao động liên tiếp và quá khổ cực, N. - một SV nữ ĐH Công nghiệp Hà Nội - đã bị đau dạ dày, nôn ra máu, ngất xỉu, phải nhập viện. Thân nhân từ Hà Nội xuống đón đi viện còn bị bảo vệ không mở cửa cho vào lấy tư trang hành lý. Xảy ra cãi vã kịch liệt, N. mới nhập viện được ở Hưng Yên, kết luận là bị đau dạ dày nặng, cần điều trị khẩn cấp.
Nhiều trường hợp như L. bị đau thắt vùng ngực do quá sức, người của xưởng phải cõng đi cấp cứu. Em này hiện không kiến tập được nữa, đang dưỡng bệnh tại TP Thái Bình.
SV ngất xỉu không ít. Nhưng thủ tục để đi điều trị cực kỳ khó khăn. Em X. kể em ốm quá, đã xin phép lên phòng y tế nằm điều trị rồi, vẫn bị cán bộ xưởng cho người lên thăm, chờ hồi lại là kéo xuống xưởng làm tiếp.
Riêng N. phải chấp nhận bỏ kỳ kiến tập hãi hùng trên, em về quê Thanh Hóa dưỡng bệnh và chấp nhận sang năm đi kiến tập lại nếu đủ sức khỏe. Tức là, việc tốt nghiệp của N. ít nhất phải chậm lại một năm, nếu không bị “trù dập” do dám đứng lên cùng các bạn tố cáo những kẻ hà khắc, “đem con bỏ chợ”. Trong cuộc đối thoại gần đây, đại diện lãnh đạo khoa đã nêu tên N. như một “đối tượng” cầm đầu dám nói lên... sự thật.
Hẹn chúng tôi ra ngoài đê ven công ty mới dám kể lể, một SV khóc trước ống kính nhà báo: “Cháu bị bướu cổ (basedow) nặng, định xin thầy phụ trách cho về trước một tuần để xạ trị và cách ly với các bạn, chứ chờ 3 tháng thì cháu không đủ sức. Mẹ cháu đã gọi điện thoại xin phép cô phó khoa. Nhưng thầy phụ trách thực tập vẫn bảo 'không'. Thầy nói thẳng nếu mệt quá thì nghỉ luôn từ bây giờ sang năm cho kiến tập lại. Ôi, cháu không thể nào ngờ...”.
|
Đơn kiến nghị của sinh viên. Ảnh: Lao Động. |
Nhóm SV ĐH Công nghiệp khẳng định: “Tất cả sinh viên lớp em đều thấy bức xúc và đã ký đơn kiến nghị khẩn cấp gửi hiệu trưởng nhà trường. Thời gian kiến tập của bọn em hiện nay là 3 tháng. Nói chung là rất nhập nhằng, trước đó mấy lần 'thông báo' là một tháng, trước khi đi 'vì lý do đặc biệt nào đó' lại yêu cầu 'làm việc' 3 tháng.
Em chưa ký vào đơn tự nguyện đi thực tập ở đây, là vì lẽ đó. Và lớp trưởng đã thừa nhận: Bạn này đưa cho thầy coi cái tờ ký tên tự nguyện đi thực tập thì thầy có nói là lớp trưởng cứ ký thay cho bọn em cũng được. Vậy là có sự làm giả chữ ký của rất nhiều bạn SV. Điều này, cũng đã bị cô phó khoa “nhắc nhở” trong cuộc họp đối thoại với SV gần đây".
Bức xúc, sinh viên đã gửi đơn kiến nghị lên hiệu trưởng ĐH Công nghiệp Hà Nội
Chúng tôi không mấy bất ngờ khi về Hà Nội tìm gặp được một phụ huynh của SV lớp TKTT (ĐH Công nghiệp Hà Nội) với lá đơn kiến nghị có chữ ký của nhiều SV, gửi thẳng đến thầy hiệu trưởng Trần Đức Quý. SV bức xúc vì sao thời gian kiến tập lại tăng lên bất ngờ, từ 270 giờ lên 780 giờ (12 tuần!).
“Theo thông tin chúng em được biết, công ty đang hiếu hụt khoảng trên 100 lao động”, có phải vì thế mà các em phải làm thêm phục vụ “không công” cho họ?
SV bị ép làm việc cật lực 10-12 tiếng/ngày, ốm đau cũng phải đi làm bù, dù có bệnh án nghiêm trọng từ bệnh viện đem về. SV không được học tập sản xuất, mà cả ngày chỉ ngồi một chỗ làm việc, liên tục bị cán bộ ở đó “dùng những lời lẽ tục tĩu để mắng chửi và quát nạt”.
Chủ nhật cũng bị nhờ vả “tăng ca”, ăn uống không đủ dinh dưỡng...