Bí kíp riêng để sống “hòa bình” với bạn lạ cùng trọ

Google News

Mỗi bạn sinh viên đều “thủ” cho mình những bí kíp riêng để sống “hòa bình” với bạn cùng phòng trọ.

Như đã chia sẻ ở các bài viết trước, cuộc sống ở ghép của các sinh viên chưa bao giờ dễ dàng. Mỗi người đều có những rắc rối khác nhau, người thì “phát điên” vì bạn cùng phòng tính toán, chi li, người “khổ sở” vì bạn ở ghép lười biếng, kẻ thì “phát ngượng” khi bạn cùng trọ liên tục dẫn người yêu về phòng…
Không phải mỗi lúc bức xúc hay không vừa ý là các “ét - vê” có thể tính đến chuyện chuyển phòng, bởi việc chuyển trọ liên miên kéo theo rất nhiều rắc rối. Do vậy, trong cuộc sống “chung đụng” vốn rất phức tạp này, mỗi bạn sinh viên đều “thủ” cho mình những bí kíp riêng để sống “hòa bình” với bạn cùng phòng trọ.
Một số vấn đề cần thống nhất ngay từ đầu
Là người có nhiều kinh nghiệm trong việc ở ghép, Bùi Thị Hạnh (sinh viên năm hai trường ĐH Lao động Xã hội Hà Nội) khẳng định, để có thể chung sống trong “hòa bình”, nhất thiết các bạn sinh viên phải thống nhất một số vấn đề ngay từ đầu.
Những vấn đề mà Hạnh nói đến bao gồm cả thói quen sinh hoạt và chuyện tiền nong. Nữ sinh trường Lao động – Xã hội cho hay, cô ở ghép cùng 3 nữ sinh và ngay từ ngày đầu tiên dọn phòng, cả 4 đã ngồi lại với nhau soạn thảo ra các quy định chung.
Bi kip rieng de song “hoa binh” voi ban la cung tro
 Không ít sinh viên lao đao vì bạn ở ghép quái tính (ảnh minh họa)
“Chúng mình thống nhất đồ của ai người nấy dùng, quần áo ai người nấy giặt, trừ một số vật dụng buộc phải dùng chung thì mới chung. 4 đứa cũng phân công công việc rõ ràng, người này nấu cơm thì người kia rửa bát, người này đi chợ thì người kia phải lau dọn nhà cửa. Đồ đạc của ai cũng phải để thật gọn gàng. Ai thức khuya, ai dậy sớm cũng phải thật nhẹ nhàng, ý tứ để không làm phiền người khác.”, Bùi Hạnh chia sẻ.
Tuy vậy, nữ sinh năm 2 đại học thừa nhận, việc đưa ra các quy định rõ ràng là rất quan trọng nhưng ý thức của các thành viên mới là yếu tố quyết định.
“Quy định là vậy nhưng nếu ai cố tình phá bĩnh, đảo lộn tất cả mọi thứ thì cũng chịu đấy. Chỉ còn cách nhắc nhở, một vài lần không được thì tính đến chuyện “chia tay”. Nhưng mình nghĩ, đã là sinh viên thì ai cũng lớn rồi, chẳng lẽ lại không biết cách cư xử, đến mức phải cãi nhau. 4 đứa bọn mình ở với nhau khá lâu rồi, đứa nào cũng biết nhường nhịn, chăm chỉ làm việc nên chưa khi nào xảy ra bất hòa lớn”.
“Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát”
Tiền, tình… vốn là hai thứ dễ tác động đến tâm lý của bất kỳ ai, kể cả sinh viên. Đó cũng là nơi khởi nguồn ra hàng loạt những rắc rối khi ở ghép.
Được nghe bạn bè kể nhiều về những rắc rối liên quan đến tình và tiền của bạn ở ghép, Vũ Thị Thanh Hiền (sinh viên năm 3 trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đã thủ sẵn vài chiêu “đối phó” khi quyết định chuyển đến ở chung với người lạ.
Hiền cho hay, trước khi sống chung với người lạ, việc đầu tiên cô phải làm là tìm hiểu kỹ về quê quán, gia đình và công việc – học tập của người đó. Chỉ khi cảm thấy tin tưởng, cô mới quyết định chuyển đến ở cùng.
Trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày, Hiền và bạn cùng phòng luôn rõ ràng về chuyện tiền nong.
Bi kip rieng de song “hoa binh” voi ban la cung tro-Hinh-2
 Bùi Hạnh (thứ hai từ trái sang phải) cho rằng, để chung sống hòa bình với nhau, các thành viên trong phòng cần phải thống nhất một số quy định chung.
“Mình và các bạn thường đóng tiền ăn theo tháng. Số tiền chung đó được cất riêng, trích một khoản ra để mua gia vị và đồ dùng chung từ đầu tháng, còn lại sẽ lấy ra đi chợ mua thức ăn hàng ngày theo số tiền đã quy định. Tháng nào dư thì để vào quỹ của tháng sau, còn tháng nào thiếu thì cả hai bảo nhau đóng thêm. Chúng mình tin tưởng nhau nên ít khi phải ghi sổ từng khoản nhỏ”, Hiền chia sẻ.
Hiền cho biết thêm, cô và bạn cùng phòng thống nhất, nếu sau này, một trong hai người chuyển đi thì tất cả những đồ từng mua chung sẽ để cho một người dùng, người còn lại sẽ trả một khoản tiền hợp lý.
“Mình nghĩ như vậy dễ tính hơn, chứ lúc đó lại ngồi chia nhau từng gói bột canh, chai nước mắm thì kỳ cục lắm. Mình quan niệm, đồ đã qua sử dụng để lại thì còn được dùng chứ bán đi thì không có giá trị, do đó, người nào giữ lại đồ chỉ phải trả một khoản tiền nhỏ thôi, còn người kia muốn đem theo một, hai thứ gì thì cứ thẳng thắn nói. Nhẹ nhàng đàm phán với nhau, mọi chuyện sẽ êm đẹp cả”, Hiền chia sẻ.
Về không gian riêng, Ngọc Hà (sinh viên trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) cho rằng, mỗi người đều cần được tôn trọng.
Hà chia sẻ: “Mình không bao giờ ý kiến việc bạn cùng phòng đưa người yêu về nhà chơi nhưng tuyệt đối không được coi phòng trọ như nhà nghỉ. Khi có mình ở nhà thì phải ý tứ một chút để mình đỡ khó xử, hơn nữa… cũng không nên đưa về nhà quá nhiều. Chuyện này cũng tế nhị nhưng mình vẫn chia sẻ thẳng thắn với bạn cùng phòng, mất lòng trước, được lòng sau”.
Thẳng thắn góp ý và chia sẻ
Dù đã thống nhất với nhau mọi thứ nhưng trong cuộc sống hàng ngày, các “ét-vê” ở ghép cũng không tránh được đôi lúc hậm hực, bất mãn. Bởi, vợ chồng còn có lúc xô bát, xô đũa… huống hồ, họ là những kẻ xa lạ, vì muốn tiết kiệm chi phí mà chấp nhận sống cùng nhau.
Bí quyết để Nguyễn Thị Hoài (sinh năm 1997, hiện đang học tại trường Kinh tế Nghệ An) có được cuộc sống “yên ấm” với bạn cùng phòng chính là thẳng thắn góp ý và chia sẻ.
Hoài cho rằng, trước những bức xúc, bất mãn nếu cứ giữ trong lòng rồi mặt nặng mày nhẹ sẽ khiến không khí trong phòng căng thẳng. Thay vì im lặng, những lúc đó nên thẳng thắn chia sẻ, góp ý với thái độ xây dựng như vậy sẽ hiểu nhau hơn.
Bi kip rieng de song “hoa binh” voi ban la cung tro-Hinh-3
 
Tuy vậy, mỗi người sinh ra đều có cá tính riêng, không phải ai cũng sẵn sàng lắng nghe, thừa nhận việc mình sai và thay đổi.
“Một điều nhịn là chín điều lành, mình thấy cứ hạ thấp cái tôi xuống tí là dễ sống ngay. Nhưng, nếu mình đã nhún nhường rồi mà người kia vẫn cố chấp, bảo thủ rồi làm tới thì có lẽ nên tìm người khác phù hợp hơn. Với sinh viên, riêng chuyện học hành đã đủ căng thẳng rồi, nếu còn phải vò đầu bứt tóc vì những vấn đề tủn mủn của bạn cùng phòng nữa thì mệt mỏi lắm”, Hoài chia sẻ.
Rắc rối là vậy nhưng hầu hết các sinh viên vẫn tìm người ở ghép, không phải chỉ để giảm chi phí nhà trọ mà còn để có người bầu bạn, chia sẻ, có người chăm sóc lúc ốm, đau. Ở với người lạ chưa bao giờ là việc đơn giản, tuy vậy, đó lại là trải nghiệm mà bất cứ sinh viên nào cũng muốn được trải qua.
Theo Phununews

Bình luận(0)