Ở tuổi 50, rất nhiều huyền thoại của bóng đá thế giới đã là những tên tuổi lớn trong làng HLV thế giới, giành thêm nhiều chiến tích trong cương vị mới và tiếp tục có những đóng góp lớn lao cho trái bóng tròn. Nhưng Roberto Baggio thì khác. Anh gạt mình khỏi tất cả những gì có liên quan đến bóng đá, không dính dáng đến thảm cỏ xanh trên mọi phương diện. Anh không làm HLV, không đảm nhiệm bất cứ vị trí quản lí nào, không xuất hiện trong các talk show hay trả lời phỏng vấn trên báo chí, không gặp gỡ người hâm mộ, thậm chí giữ một thái độ rất dè dặt và khép kín mỗi khi có việc ra khỏi nhà. Anh tránh né tất cả và chọn lựa rất kĩ càng các sự kiện có thể tham gia, dù những lời mời rất nhiều. Câu trả lời thường là “No” (không) hơn là “Sì” (Đồng ý). Anh tồn tại mà dường như là gió thoảng trên trời.
Huyền thoại Roberto Baggio vẫn hiện hữu mà như không có mặt trên đời, và kể từ ngày 16/5/2004, ngày anh chơi trận cuối cùng trong đời cầu thủ, anh biết mất như tan vào không khí, hầu như không để lại bất cứ dấu vết nào. Tất cả những gì chúng ta còn biết và còn nhớ về anh là những kí ức dường như vẫn còn tươi rói, sống động và đập thình thịch như trái tim trong ngực, là những bàn thắng anh ghi trong màu áo đội Thiên thanh và các CLB, những chấn thương, đau đớn và những chỉ trích anh đã phải hứng chịu trong suốt cuộc đời cầu thủ, những tranh cãi với các HLV về vị trí số 10 dường như bị quỷ ám trong một nền bóng đá chặt chẽ và nặng nề chiến thuật như ở Ý. Những cuốn phim mới nhất làm về anh được xuất bản cách đây 7 năm, trong một bộ gồm 10 đĩa về cuộc đời và sự nghiệp của anh. Năm nào cũng thế, nhật báo Gazzetta dello Sport và hãng truyền hình RAI tái bản bộ đĩa này và bao giờ người ta cũng bán hết. Rất nhiều thế hệ tifosi đã từng xem anh đá vẫn sống bằng những hoài niệm về anh. Những tifosi trẻ hơn lại nhắc đến anh, bởi họ không còn nhìn thấy ở calcio những tài năng trẻ và những cầu thủ có thể làm họ xúc động.
|
Roberto Baggio trong màu áo Juventus. Tranh của Giuseppe Vecchio |
"Đuôi ngựa thần thánh" Roberto Baggio là gì trong bóng đá thế giới, một huyền thoại của bóng đá thời trước Messi, một cầu thủ Ý đã từng đoạt Quả bóng vàng 1993, chân sút Italy duy nhất từng ghi bàn ở ba World Cup liên tiếp (1990, 1994, 1998), người đã gục đầu trên chấm phạt đền trong một buổi chiều nóng nực ở Pasadena, trong trận chung kết với Brazil? Anh là tất cả, là chiến thắng và thất bại, là hạnh phúc sung sướng sau những bàn thắng và cũng là đau khổ vì chấn thương, vì thất bại, vì bị nghi ngờ và gạt bỏ, vì những đỉnh cao vinh quang đã đạt tới luôn được tiếp nối sau đó bởi những rắc rối liên quan đến vị trí thi đấu, đến cá tính của anh.
Người được các cổ động viên yêu mến nhất luôn là người bị các HLV đội tuyển quốc gia và các CLB lớn hoặc ruồng bỏ hoặc sử dụng theo cách riêng của họ, khiến anh không thể phát huy hết tài năng của mình. Để rồi sau khi anh giã từ sân cỏ, người ta nhớ anh với sự tiếc nuối khôn nguôi về một số 10 sau này không còn xuất hiện nữa. Một người bạn Ý của tôi có lần lại nói tới một ý khác nữa. Anh bảo, Baggio thi đấu ở một thời kì mà nền bóng đá Italy có quá nhiều tên tuổi lớn. Và các HLV, những người cần kết quả và sự chặt chẽ trên hết, rất ngại dùng anh, một người nghệ sĩ thực thụ, người khó có thể đảm bảo cho họ yếu tố này, bất chấp thực tế là anh ghi không ít bàn thắng.
|
Baggio và danh hiệu QBV mà anh giành được |
Chính bóng đá Ý đã giết chết anh và thế hệ các số 10 như anh, khiến cho những số 10 còn lại như Totti trở nên hiếm hoi và không có người nối dõi, còn những số 10 thực thụ khác thì để tồn tại, lại phải dạt xuống 20 mét phía dưới, chơi trên hàng phòng ngự như Pirlo. Một nhà bình luận bóng đá Ý nổi tiếng cho rằng, khi tài năng lớn lao của Baggio bùng nổ ở tuổi 22, với pha đi bóng như say rượu hàng chục mét qua hàng thủ Tiệp Khắc và sút tung lưới đội bóng Trung Âu để ghi một trong những bàn thắng đẹp nhất trong lịch sử World Cup tại Italia 90, những điều kì diệu mà anh đem đến cho bóng đá Italy và thế giới cũng bắt đầu bị tìm cách giết chết đi, không phải do anh, mà do một cuộc cách mạng lớn đang diễn ra lúc bấy giờ ở calcio.
Arrigo Sacchi đã khai tử thứ bóng đá đổ bê tông gây buồn ngủ của bóng đá Ý để áp dụng lối chơi pressing cao và phòng ngự khu vực trong sơ đồ 4-4-2 để tạo ra một Milan bách chiến bách thắng. Chính cuộc cách mạng sau đó lan ra khắp bóng đá Ý ấy cũng triệt tiêu luôn Baggio. Sự thật là khi Sacchi trở thành HLV trưởng đội tuyển Italy, Baggio vẫn được sử dụng, thậm chí là cứu tinh của ông và đội áo Thiên thanh ở World Cup 94, nhưng ngoài các tifosi, không HLV nào biết hoặc dám dùng anh theo cách tuyệt vời anh có thể đem lại. Sacchi thậm chí hục hặc với Baggio. Nhưng trớ trêu thay, thất bại của đội Italy trong trận chung kết World Cup 1994 lại bị dồn hết lên vai anh. Người ta luôn quên rằng, trước anh và sau anh, Baresi và Massaro đã đá hỏng những quả phạt đền mang tính quyết định. Họ chỉ nhớ đến anh, quả phạt đền vọt xà và mái đầu cúi thấp, đau đớn, bất lực, câm lặng.
|
Sau khi Baggio giã từ sân cỏ, người ta nhớ anh với sự tiếc nuối khôn nguôi về một số 10 sau này không còn xuất hiện nữa |
Anh trở thành một người đi lạc thời đại, bởi vào những năm đầu thập niên 1990 ấy, bóng đá thế giới đang chuyển mình trong những cuộc cách mạng chiến thuật lớn lao sẽ ảnh hưởng lớn đến sau này. Những đội bóng lớn mà anh khoác áo đều trong một giai đoạn chuyển giao cả về thế hệ lẫn chiến thuật. Ở Juventus, Gigi Maifredi dùng anh như một tiền đạo lùi, để rồi thất bại và ra đi. Trapattoni cho anh chơi rộng hơn, sáng tạo hơn, nhưng cuối cùng cũng ra đi, sau cái năm anh đoạt Quả bóng vàng (1993), với danh hiệu duy nhất đoạt được năm ấy là Cúp UEFA (trong bóng đá bây giờ, liệu cầu thủ nào có thể đoạt được Quả bóng vàng chỉ với một danh hiệu Europa League?).
Lippi đến Juve vào lúc một thiên tài mới có tên Del Piero xuất hiện và Baggio bị gạt ra rìa. Anh đến Milan vào lúc Capello không thiếu các ngôi sao trên hàng tấn công. Anh vẫn ghi bàn, vẫn đem đến niềm vui cho những người hâm mộ, vẫn đoạt Scudetto trong màu áo đỏ-đen, nhưng anh chưa từng được coi là “diễn viên” chính. Ở Inter cũng thế. Vẫn ghi bàn, vẫn cống hiến, nhưng anh không giúp Inter lên đỉnh cao và anh rơi vào các cuộc đối đầu với Lippi. Xét cho cùng, anh chỉ có thể là ngôi sao lớn ở những đội bóng cấp tỉnh như Bologna hay Brescia. Đấy dường như là định mệnh.
|
Thất bại của đội Italy trong trận chung kết World Cup 1994 lại bị dồn hết lên vai Baggio. |
Roberto là gì với chúng ta? Với cố chủ tịch Juventus Gianni Agnelli, người đã đưa anh về từ Fiorentina, anh là “tóc đuôi ngựa thần thánh” (divin codino), như ông đã từng gọi anh. Với Michel Platini, một huyền thoại của Juve và bóng đá thế giới, anh là một số 9 rưỡi. Với cố nhà báo nổi tiếng Gianni Brera, anh là một con nai đang lướt đi trên sân cỏ. Với ca sĩ Tiziano Ferro, Baggio là người “không ai muốn cứu. Người ta đã chúc mừng anh một nhà vô địch. Nhưng họ sỉ nhục anh vì một quả phạt đền”, như trong lời của bản ballad “Alla mia èta” (Ở tuổi tôi).
Với những cổ động viên của Fiorentina, những người đã coi anh như một bức tranh thời Phục hưng trong bảo tàng Uffizi ở Florence, từng ví anh như một Michelangelo của thời hiện đại, anh là một kẻ phản bội khi rời bỏ Fiorentina để đến với Juve, đối thủ truyền kiếp. Họ xuống đường giận dữ và đánh nhau với cảnh sát. Họ đã chứng kiến anh từ chối sút quả phạt đền trong màu áo Juventus trong một trận gặp Fiorentina, nhưng họ vẫn chưa và có lẽ không bao giờ tha thứ. Với nhiều người hâm mộ bóng đá Ý, anh đơn giản là một vần thơ, một sự lãng mạn hiếm hoi còn lại của bóng đá thương mại. Và khi nền bóng đá Ý ngày càng suy thoái, thiếu vắng những tên tuổi lớn, người ta càng yêu và hoài nhớ anh hơn. Sẽ phải rất lâu nữa mới có một cầu thủ được yêu mến như thế, dù đoạt được rất ít danh hiệu.
Đến giờ, vẫn chưa ai quên nụ cười buồn và đôi mắt anh ngày chia tay sân cỏ. Trước trận, anh chỉ nói, “tôi đã cống hiến cho bóng đá tất cả. Bây giờ, tôi là người của gia đình”. Anh không trở lại với bóng đá, dù LĐBĐ Italy đã muốn anh đảm đương vị trí giám đốc đào tạo trẻ. Vị trí đó không dành cho anh, không hợp với người như anh, con người không biết ngoại giao và quá trầm lặng, con người đã rũ bỏ tất cả để trở về với cuộc sống gia đình, đã làm mọi điều để khỏa lấp những thiếu thốn tình cảm anh đã gây ra cho vợ con, vì cái nghiệp bóng đá tối ngày thi đấu và tập luyện, những ngày trong trại tập, những chuyến thi đấu xa.
Anh vẫn bảo, ngày mà các con Valentina và Mattia của anh ra đời các năm 1990 và 1994, anh đều không có mặt bên vợ ngày cô sinh. Vậy là anh giải nghệ và chỉ một năm sau đã toại nguyện: con thứ ba của anh, Leonardo, ra đời năm 2005, khi anh không còn nhớ tiếc bất cứ điều gì của sân cỏ. Anh cũng không xem bóng đá nữa, ngoại trừ một vài trận của đội Boca Juniors anh yêu mến. Cesare Cremonini từng hát rằng, “kể từ khi Baggio không ra sân, những ngày chủ nhật trên sân cỏ Italy thật buồn chán”. Biết làm sao được bây giờ, khi những trang sách đã đóng lại, khi khoảng cách 11 mét đến hạnh phúc hóa thành bất hạnh ở trận chung kết World Cup 94 mãi mãi là một nỗi đau của không chỉ riêng anh, mà cả một thế hệ. Cả chiếc Cúp vàng đoạt được ở một đêm Berlin hè 2006 cũng không xoa dịu được nỗi đau ấy.
Ở tuổi 50, Baggio thực sự là gì? Chúng ta có thể hỏi thế, nhưng chỉ anh mới có câu trả lời. Mà thực ra anh cũng không muốn xuất hiện trước công chúng để làm điều ấy. Anh vẫn ghi những bàn thắng của riêng mình, trên những lĩnh vực mới, và đem lại hạnh phúc cho mình và nhiều người khác. Bảy năm trước, anh đã được trao giải World Peace Award, trở thành cầu thủ đầu tiên trên thế giới được vinh danh là con người của hòa bình, vì những đóng góp trong việc bảo vệ quyền con người…