Tổ ấm hạnh phúc bên 3 con của vợ chồng Mỹ Nữ
Hành trình sinh và nuôi con chưa bao giờ là đơn giản đối với các bà mẹ, đặc biệt là những bà mẹ sinh đôi hoặc sinh 3. Trần Huỳnh Mỹ Nữ (sinh năm 1992, quê Hậu Giang) cũng vậy, 3 năm trôi qua kể từ ngày hạ sinh 3 bé thành công, chị vẫn nhớ như in nỗi xúc động khi nhìn các con lần lượt ra đời. Chuỗi ngày sau đó của bà mẹ trẻ càng đáng nhớ hơn khi trải qua đủ những cung bậc cảm xúc: hạnh phúc, lo lắng, căng thẳng, thậm chí có lúc muốn gục ngã vì quá vất vả.
Bất ngờ khi biết mang thai ba, sinh non lúc 8 tháng
Mỹ Nữ và Việt Trung (sinh năm 1982, Cần Thơ) kết hôn vào năm 2015. Năm 2017, chị phát hiện có bầu và rất ngỡ ngàng khi biết mình mang thai đôi. Đi siêu âm ở tháng thứ 3, chị càng sốc hơn khi bác sĩ nói, trong bụng chị có đến 3 bào thai.
Mỹ Nữ sinh con ở tháng thứ 8 của thai kỳ
Vợ chồng chị được bác sĩ khuyên giảm thai để đảm bảo sức khoẻ cho cả mẹ lẫn con. Thế nhưng, chị vẫn quyết giữ lại cả 3 con vì với chị, con cái là lộc trời cho, chị không đành lòng “đứa giữ đứa bỏ”.
9 tháng 10 ngày mang thai của bà mẹ Hậu Giang không mấy suôn sẻ. Chị nghén suốt 5 tháng đầu, khó ăn, thường xuyên nôn ói, mệt mỏi, khó đi lại… Chị luôn cố gắng suy nghĩ tích cực, xem những video về những em bé xinh xắn, đáng yêu để mong các con sinh ra khoẻ mạnh và dễ thương như vậy.
“Thường thì phụ nữ mang thai khoảng 1 – 2 tháng mới đi khám một lần, còn mình cứ 2 tuần lại đến gặp bác sĩ theo dõi. Lo lắng nhất là giai đoạn kiểm tra độ mờ da dáy xem các bé có dị tật gì không nhưng do 3 con nằm chồng chéo lên nhau nên rất khó để phát hiện. Bác sĩ nói, phải đợi khi các con chào đời mới biết chính xác. Cả thai kỳ dù cố gắng suy nghĩ tích cực mình vẫn không tránh khỏi lo lắng”, Mỹ Nữ chia sẻ.
3 "thiên thần" của Mỹ Nữ khôn lớn từng ngày
Bước sang tam cá nguyệt thứ 3, bụng bầu vượt mặt, Mỹ Nữ thường xuyên mệt khỏi, đi lại khó khăn. Mang thai lần đầu lại là thai ba, đôi lúc chị rất khó để thích nghi nhưng vì các con, chị cố gắng vượt qua tất cả. Vợ chồng chị vẫn hy vọng mọi thứ tốt đẹp cho đến một ngày ở tháng thứ 8 của thai kỳ, chị có dấu hiệu sinh, đau bụng từ 5 giờ sáng đến 3 giờ chiều.
“Mình đau muốn tắt thở, chưa bao giờ trải qua nỗi đau nào dữ dội như thế. Suốt 10 tiếng đồng hồ, mình cầu nguyện các con sinh ra lành lặn và khoẻ mạnh. 3 giờ chiều hôm đó, mình lên bàn mổ, 3 con lần lượt chào đời chỉ cách nhau 5 phút. Nghe tiếng con khóc, mình hạnh phúc chảy nước mắt”, Mỹ Nữ kể lại.
4 mẹ con “chiến đấu” để được về nhà cùng nhau
Vượt cạn thành công, bà mẹ Hậu Giang bước vào hành trình khó khăn và gian khổ hơn lúc mang thai. Chị hạ sinh 2 gái, 1 trai đặt tên là Tường Vy, Ái Vy, Gia Huy, vì sinh thiếu tháng nên mỗi bé chỉ nặng vỏn vẹn 1,2kg.
Cuộc sống của bà mẹ Hậu Giang thay đổi hoàn toàn từ khi có các con
Một tháng đầu sau sinh là khoảng thời gian căng thẳng nhất của mẹ con Mỹ Nữ và hai bên gia đình. Chị chưa kịp nhìn mặt con đã bị đẩy vào phòng hậu phẫu, còn các con được đưa đi ấp lồng kính. Do ảnh hưởng của thuốc gây tê, chị liên tục có các triệu chứng như run rẩy, lạnh, tăng huyết áp. Nằm suốt một đêm, chị mới được chuyển xuống phòng hồi sức.
Hai ngày sau, cơ thể khoẻ hơn, chị mới lò dò tìm xuống phòng ấp xem mặt các con. Qua ô cửa kính, chị quặn lòng khi thấy 3 con bé xíu nằm đó, dây truyền cắm khắp người.
“Các con phải băng bó mặt, dây truyền nước, truyền thuốc tùm lum, mình cố lắm cũng không thấy rõ mặt các con. Nhìn các con bé xíu như con cá lóc mà phải tiêm truyền mình đau lòng vô cùng, chỉ mong mong được đến gần ôm con vào lòng như bao bà mẹ khác mà không được”, Mỹ Nữ tâm sự.
Vợ chồng chị trải qua đủ các cung bậc cảm xúc khi chăm sóc 3 đứa trẻ sinh non
Dưỡng sức 5 ngày, chị được xuất viện nhưng các con thì vẫn chưa được về. Ba bé rơi vào tình trạng nguy cấp, phải chuyển sang bệnh viện Nhi đồng cấp cứu. Trong đêm mưa gió, bão bùng, thoáng chốc chị đã nghĩ, các con không thể ở bên mình nữa.
“May mắn là các con được cấp cứu kịp thời. Ròng rã một tháng sau đó, cứ 4 giờ chiều hàng ngày mình đem sữa vào cho các con, mỗi lần chỉ được ở lại 10 phút. Cứ thế ngày qua ngày, các con dần ổn định và được về nhà cùng mẹ. Mình tiếp tục “ấp Kangaroo”, để các con da kề da với mẹ giúp ổn định nhịp thở”, bà mẹ Hậu Giang chia sẻ.
Về nhà với vòng tay gia đình, mỗi bé vẫn chỉ nặng vỏn vẹn 1,8kg. Chị đưa các con về quê ngoại, gia đình dốc toàn sức lực để chăm sóc 3 đứa trẻ sơ sinh.
Do các bé còn yếu nên liên tục quấy khóc, vợ chồng Mỹ Nữ và ông bà ngoại chỉ chống đỡ được thời gian đầu và sau đó phải “cầu cứu” họ hàng giúp đỡ.
Chị bận rộn đến mức căng thẳng
Mỗi ngày của chị chỉ xoay quanh với việc vắt sữa, rửa bình, cho con bú, cho con ngủ, vệ sinh cho con… Một gia đình yên ắng bỗng dưng có sự xuất hiện của 3 em bé mà trở nên ồn ào. Mọi thành viên đều cảm thấy bỡ ngỡ và khó thích nghi.
“Mọi người bắt đầu mệt mỏi và xảy ra mâu thuẫn. Mình đau lòng lắm. Nhiều đêm mình không được ngủ một chút nào, mắt đen như gấu trúc. Một giấc ngủ tử tế là điều quá xa xỉ với mình. Hai vợ chồng vừa đi làm, vừa trông con, vất vả quá nên đâm ra stress, mâu thuẫn với nhau. Để vượt qua quãng thời gian đó, vợ chồng mình luôn tâm niệm một điều là vì con mà cố gắng”, Mỹ Nữ tâm sự.
Thời gian trôi qua, các con mỗi ngày một lớn. Nhìn từng dấu mốc phát triển của con như lẫy, bò, đứng, đi… vợ chồng Mỹ Nữ có thêm động lực nuôi con. Lần đầu tiên nghe các con gọi “bố”, “mẹ”… chị không kìm được nước mắt. Chị biết, mọi cố gắng của mình đã được đền đáp.
Vợ chồng chị vượt qua mọi khó khăn, vất vả để nuôi các con khôn lớn
Tường Vy, Ái Vy, Gia Huy vừa bước sang tuổi thứ 3, lanh lợi và khoẻ mạnh. Tuy có những mốc phát triển không kịp với bạn bè cùng trang lứa nhưng sự khôn lớn của 3 con vẫn là niềm hạnh phúc vô bờ bến của bà mẹ trẻ.
Cuộc sống của Mỹ Nữ kể từ khi có 3 con đã thay đổi hoàn toàn. Chị sống có trách nhiệm hơn, sắp xếp thời gian khoa học hơn để có thời gian cho các con.
“Các con sinh cùng nhau nên bất cứ chuyện gì cũng diễn ra một lượt, ví dụ như: đói 1 lượt, đi vệ sinh 1 lượt, ngủ 1 lượt và ốm cũng 1 lượt luôn. Lúc đầu chưa quen, mình rất dễ căng thẳng nhưng giờ thì thoải mái rồi. Mỗi ngày đi làm về, thấy các con ùa ra ôm hôn, mình hạnh phúc vô cùng”, chị cười.