Người Việt thường quan niệm ''tậu trâu, lấy vợ, làm nhà, trong 3 việc ấy việc nào cũng to'' ý chỉ tầm quan trọng của những công việc ấy đối với cuộc đời mỗi con người. Và cưới hỏi là một trong những việc trọng đại ấy mà ai cũng phải trải qua một lần trong đời.
Thông thường, trước khi đám cưới diễn ra là có ngày ăn hỏi (nhà trai mang đồ lễ đến nhà gái thường kèm sính lễ và 1 khoản tiền gọi là lễ đen). Và tùy vào điều kiện kinh tế mỗi nhà cũng như phong tục mỗi địa phương mà số tiền này sẽ khác nhau.
Mục đích của lễ ăn hỏi này chính là việc người lớn trước là để cho phép cho đôi trẻ qua lại thương yêu nhau, sau là để thông báo chính thức về việc hứa gả giữa hai họ. Đây là một nghi thức khá quan trọng bởi sau lễ ăn hỏi, cô gái trở thành "vợ sắp cưới" của chàng trai còn chàng trai đã chính thức xin được nhận làm rể của nhà gái và tập gọi bố mẹ xưng con.
|
Lễ ăn hỏi là thủ tục quan trọng trước mỗi đám cưới của các cặp đôi. (Ảnh minh họa) |
Bên cạnh trầu cau, rượu chè và bánh trái, một trong những thứ không thể thiếu trong mâm lễ ăn hỏi là phong bì lễ đen. Số tiền này có khá nhiều ý nghĩa. Đó là tiền "thách cưới" của nhà gái với nhà trai; là sự cảm ơn của nhà trai dành cho nhà gái đã có công sinh thành, nuôi dưỡng con dâu mà họ sắp rước về; là tiền nhà trai góp công sức, tiền của để cô dâu sắm sanh trước khi về nhà chồng.
Tuy nhiên dù mang ý nghĩa gì thì số tiền này cũng sẽ tùy thuộc vào điều kiện kinh tế nhà trai và phong tục địa phương để chuẩn bị cho phù hợp. Thế nhưng, mới đây, một cô gái trẻ có tài khoản Facebook tên A.N. đã đăng tải câu chuyện trong lễ ăn hỏi của mình khiến nhiều chị em chú ý và bàn tán xôn xao.
Cô gái viết: ''Đã có ai cưới chồng mà như hoàn cảnh của mình không? Mình ở Sài Gòn còn chồng mình ở tỉnh khác. Do 2 gia đình quá xa nên khi nhà trai xin cưới nhà mình chấp nhận cho gộp chung ăn hỏi và xin cưới vào cùng 1 ngày.
|
Bài viết của cô gái trẻ khiến hội chị em bàn tán xôn xao. (Ảnh chụp màn hình) |
Nhà ba mẹ mình cũng nói với nhà trai là nhà mình không thách cưới, không đòi hỏi nhiều nhưng phần lễ nghĩa phải đầy đủ. Hôm ăn hỏi cũng là hôm xin cưới, nhà trai vào và chỉ có 5 hộp lễ gồm 1 hộp trầu cau, rượu, thuốc trà, bánh kẹo, trái cây. Và lúc trao 5 lễ xong thì nhà trai đưa thêm 1 phong bì (500k) nói đây là lễ lại mặt vì hoàn cảnh xa xôi khi đám cưới xong không thể vào lại mặt được nên xin phép hôm nay làm luôn nhà mình cũng chịu.
Rồi phần lễ ngoài 5 hộp quả đó ra thì lễ đen (tiền cưới) hay vàng 1 ít cũng không. 5 hộp quả thì rất sơ sài. Mình nói thật mình nghĩ 5 hộp đó tầm 1 - 2 triệu là nhiều.
Mọi người thế nào mình không biết nhưng của mình như vậy mình thấy rất buồn và tủi thân, cứ như mình không có giá gì. Đi ra chợ mua mớ rau con cá nó còn có giá. Còn mình không có 1 xu. Mặc dù nhà mình không đòi hỏi phải bao nhiêu hay thế này thế kia vậy mà nhà trai... Mình thấy rất tệ!
Lúc đám hỏi xong mấy đứa bưng quả nó hỏi và nói mình thấy rất buồn. Ba mẹ mình không nói gì nhưng mình biết ba mẹ buồn lắm''.
Ngay lập tức, câu chuyện này thu hút sự chú ý không nhỏ của hội chị em vì dù gì đây cũng là chuyện đại sự cả đời của một con người. Một số chị em cho rằng, nhà trai đã quá keo kiệt và ích kỉ, lo sợ rằng cô gái sau này về làm dâu sẽ khổ. Số khác lại khuyên can, cô gái đừng nên bận tâm đến số tiền còn ''thiếu sót'' ấy mà chủ yếu là cách đối xử của nhà trai đối với mình và gia đình mình.
Thành viên Thu Hà bình luận: ''Haiz, ăn hỏi là sự kiện trọng đại mà chuẩn bị lễ vật còn tềnh toàng, chẳng riêng gì bạn, cô gái nào rơi vào hoàn cảnh này cũng thấy tủi thân như bạn thôi. Ba mẹ buồn cũng chẳng nói đâu vì sợ bạn buồn thêm''.
''Mình chỉ e sau này bạn khổ. Nếu họ vô ý thì còn tạm chứ nếu mà tính toán quá để cố ý không lễ đen (tiền cưới, vàng) thì bạn xác định làm dâu sẽ khổ. Ở với những người hà tiện thì có bao giờ sung sướng được đâu'', Lê Minh bình luận.
Mẹ bỉm Hà Thu lại gay gắt: "Thế nhà chồng bạn không hỏi phong tục trước nay như thế nào mà theo à? 500 nghìn thì sỉ nhục quá, chí ít cũng phải tiền triệu, chục triệu chứ, công nhà người ta nuôi con gái bao nhiêu năm ròng rã''.
Bên cạnh đó, rất nhiều chị em cùng khuyên nhủ cô gái đừng quan tâm đến số tiền mà chủ yếu là cách đối xử của nhà trai:
Nick Thanh Phong bình luận: "Mình nghĩ cái lễ lạt bỏ vào đấy bao nhiêu không quan trọng đâu bạn ạ, bạn suy nghĩ làm cho mệt người ra. Quan trọng là lấy về người ta đối xử với mình như thế nào bạn ạ".
Thương Nguyên cũng đồng tình: ''Không phải tiết kiệm hay không bạn ạ. Phong tục từng nơi khác nhau. 2 miền Nam, Bắc như thế muốn gì thì phải nói họ mới biết chứ. Với lại còn phụ thuộc vào hoàn cảnh gia đình chồng bạn thế nào nữa mà, thông cảm cho người ta''.
''Hì, các em còn được có lễ có cưới xin thì buồn gì. Lấy phải nhà chồng nghèo biết làm sao đây? Có nhiều người và rất nhiều người đến 1 cái lễ cũng không được mang đến em à. Những người đó mới thật đáng buồn thật sự'', Hà Trang ngậm ngùi.
Mặc dù biết số tiền trong mâm lễ ăn hỏi không cần phải nhiều quá nhưng cũng không nên ít quá bởi đó không chỉ là thể diện của nhà trai mà còn là ''mua mặt'' cho cô dâu mới trước ngày trọng đại của cuộc đời. Thế nhưng dù vậy, dù lễ lạt ít hay nhiều, điều quan trọng nhất vẫn là tình cảm yêu thương, thái độ sống tích cực và hạnh phúc của đôi uyên ương mới cưới mà thôi!