Nhiều người hú hét nhận ra “cụ Ngọc”-“phượt thủ” 86 tuổi nổi đình nổi đám trên cộng đồng phượt. Và ôm xiết, và hỏi han, và chụp ảnh… Phải chật vật mãi, tôi mới “gỡ” được ông ra khỏi đám đông fan cuồng nhiệt ấy…
|
Sau khi vượt qua những cung đường thử thách, ông ngồi bên bờ suốt tận hưởng phút thư thái cùng một người bạn đồng hành. Ảnh: Nhã khanh |
Xây giấc mơ ở tuổi… 70
Ông Ngọc bảo, ngày xưa chả ai biết “phượt” là gì, chỉ thấy hay đi lang thang thì gọi là “đi bụi”. Hồi mười mấy tuổi, ông đã thích “đi bụi” rồi. Đi bằng xe đạp hẳn hoi, mà vẫn rong ruổi từ tỉnh này qua tỉnh khác. Sau này có gia đình riêng, ông gạt qua sở thích để lo cơm áo mưu sinh. Cho đến khi con cái lớn khôn, ổn định gia đình, ông thợ sửa giày đất Sài thành Nguyễn Văn Ngọc mới lên đường thực hiện giấc mơ ở tuổi… 70.
Và cứ thế, 16 năm qua, bạn đồng hành của ông trên mọi nẻo đường từ miền xuôi lên miền ngược, từ trong Nam ra ngoài Bắc, từ Tây Nguyên hùng vĩ đến đường mòn Hồ Chí Minh là con “ngựa sắt” cup 50 cũ kỹ, rệu rã, tưởng bất cứ tay buôn đồng nát nào nhìn thấy cũng phải “khóc thét”. Đạp chân chống, đỗ xịch chiếc xe một cách hào sảng, ông cười bảo:“Xe như người, trông vậy mà không phải vậy”.
“Nhìn nó xù xì thế thôi chứ bao năm chinh chiến mà vẫn bền, tôi có đứa con làm nghề sửa xe máy nên cứ hỏng đâu nó sửa đấy. Đi một chuyến về hỏng, nó lại thay đồ cho. Ngày xưa tôi mua có 2 triệu, nay có người trả 10 triệu tôi chả bán. Cô xem, có cái xe độ nào độc và bền như xe tôi không”- nói rồi cười khùng khục.
Qủa thật, chả có cái xe nào như xe ông. Xù xì, rách nát. Hai chiếc túi dựng đứng trước đầu xe để chân máy ảnh và áo mưa. Hai bên tay lái buộc chiếc đồng hồ đeo tay và một la bàn nhỏ để định vị phương hướng. Sau xe máy là quần áo, sổ sách, chăn mền, thuốc men, đồ cứu thương, tất cả đều bọc kỹ bằng áo mưa.
Xe được lắp 2 phanh sau để tăng độ an toàn. Chỗ gác chân được chế bằng miếng ván nhỏ để có thể thoải mái để chân. Chiếc mũ bảo hiểm cũng do ông tự chế nốt. Và công tắc nổ xe thì nằm kín mít sau vài lớp vải nilon, dưới thân xe, bên tay trái, và nếu không phải là chủ nhân thì có mà mở… đằng trời.
Thật khó tin một ông già “cổ lai hy” với chiếc xe không khác gì chủ nó, lại từng một mình đổ các con đèo nguy hiểm như Pha Đin, Khau Phạ hay Ô Quy Hồ, trong chuyến chinh phục “tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc” hồi tháng 9 vừa qua.
Kinh nghiệm đi đường dài nhiều năm đã giúp ông xử lý nuột nà những khúc cua tay áo hay những lần leo dốc thẳng đứng. Ông kể, bình thường cứ túc tắc chạy 30 - 40 km/h. Đổ đèo thì ghì chặt hai tay, hai chân thả xuống chà xát vào mặt đường để phụ họa cùng phanh. Lắm lúc, xuống đến nơi, chân tay mỏi nhừ, nhưng mà “phê”.
|
Chân dung “phượt thủ” U90 Nguyễn Văn Ngọc. |
Ông kể nhiều về chuyến Tây Bắc vừa đi. Tây Bắc choáng ngợp ông lão U90 bởi núi non trùng điệp và cảnh sắc tuyệt vời. Giữa độ đông về, cái rét càng làm cho ông lão miền Nam thích thú. Ông sà vào những đồi chè xanh bất tận để “seo phì”, ông cưỡi xe băng qua những con suối nhỏ, ông phi xe lên những vùng có độ cao chọc trời để đón gió. Có lúc gió lạnh tạt từ núi xuống tưởng như hất văng ông lão xuống dòng sông Nho Quế thăm thẳm.
Mở chiếc máy ảnh sờn góc ra, ông khoe hàng trăm bức ảnh đã chụp được trên mọi nẻo đường, những gương mặt xa lạ nhưng đều tươi vui. Ông bảo ở nhà có hẳn mấy cuốn album. Chụp thế này để về lựa ra, phóng to, ép plastic, lưu giữ làm kỷ niệm, hoặc có dịp quay lại sẽ mang theo để tặng nhân vật.
“Máu tươi có thể thiếu chứ máu xê dịch thì căng tràn”
Đang nói chuyện thì chuông điện thoại reo. Loay hoay mãi, ông cũng móc được cái điện thoại giấu kín sau 3 lớp áo. “A lô, anh đây! Anh đang ăn cơm, vừa về Hà Nội sáng nay, chiều anh đi Nam Định rồi sáng mai vào Sài Gòn với em!”… Nếu không giải thích, hẳn người ta sẽ tưởng ông lão U90 đang gọi cho… “bồ nhí”. “Bà nhà tôi đấy.
Tôi được đi thế này chứ bà ấy ở nhà một mình cũng thiệt thòi! Xưa, bà ấy cũng thích đi lắm! Trước khi cưới, hai vợ chồng vẫn đèo nhau xe đạp đi khắp nơi, trải qua cùng nhau bao cuộc hành trình. Mãi đến khi có con cái thì bà ấy bước vào “hành trình riêng”: đẻ miệt mài cho tôi 11 đứa con”- ông cụ vừa cười hì hì vừa kể.
Cái thời còn son trẻ ấy, ông thích dắt bà đến những chỗ không gian rộng lớn, chỉ tay “em thấy không?”, “em nhìn kìa!”… Khi vợ bước sang tuổi 70, sức khỏe giảm sút, không thể ngồi xe đường dài, thì chỉ còn mình ông độc hành. Ông gom góp tiền mua máy quay phim, máy ảnh và điện thoại smatphone để “ghi lại những hình ảnh chân thực, rõ nét nhất về cho bà ấy xem!”.
Để vợ con yên tâm, hàng ngày ông luôn gọi về nhà thông báo tình hình sức khỏe, địa điểm mình đang ở và dự định cho những chặng đường tiếp theo. “Gọi về để lỡ có chết đoạn nào, con nó còn biết lần theo vị trí 3G mà đến. Nếu đang đi, mà nhỡ ở nhà bà ấy có chuyện thì tôi xác định phải mất 1, 2 ngày mới có mặt ở nhà, thế nên tôi luôn bình tĩnh. Có những cái lo mình để trong lòng. Cũng may bà ấy thương tôi nên luôn khỏe mạnh ở nhà chờ”, ông kể.
Ở cái tuổi ngồi hưởng cuộc sống an nhàn bên con cháu, hàng ngày chỉ cần đi từ giường ngủ ra bàn ăn, nhưng ông Ngọc lại chọn con đường khác. Ông bảo, già rồi, máu tươi thì có thể thiếu chứ máu xê dịch thì lúc nào cũng căng tràn.
Hành trang cho mỗi chuyến đi của ông là 4 nguyên tắc: Phải chấp nhận cực khổ, đói khát; Sẵn sàng xử lý sự cố hỏng xe; Đối mặt với cướp bóc; Và chấp nhận chết bất cứ ở đâu, lúc nào.
Phượt thủ 86 tuổi chia sẻ bí kíp: “Khi đi đường xa là phải làm sao mà mình không ngu nhưng người ta vẫn tưởng mình ngu, mình giàu nhưng người ta vẫn nghĩ mình nghèo hèn. Mình mạnh mà người ta tưởng mình yếu. Thua là thắng, thắng là thua”. Còn một nguyên tắc nữa, nhưng ông không nói, bảo giữ để phòng thân.
Ăn uống với ông rất đơn giản, chỉ cần bát cơm và mấy miếng đậu. Hàm răng rụng gần hết khiến chất giọng miền Nam càng trở nên phều phào khó nghe. Đôi khi người ta chả nghe rõ ông nói gì, ngược lại, lắm lúc nói chuyện với người lạ, ông cũng chỉ biết cười phụ họa cho đôi tai lãng đãng của mình.
Hỏi ông, sống ngần đấy năm trên đời, làm những điều người khác không dám làm, ông có quan tâm đến được mất? Phượt thủ U90 bảo chả mất gì ngoài rụng mấy cái răng do tuổi già, còn lại, được đi là được tất cả rồi.
|
Kiểm tra lại máy quay giữa đường phượt. |
Cách đây 3 năm, ông bị phổi, đi soi thấy 3 lỗ, thế là rất nặng. Gói ghém bịch thuốc vào hành lý, ông vẫn đi phượt như thường, mặc vợ con ngăn cản. Con cái ông đã quá hiểu tính bố, thế nên, sau năm lần bảy lượt khuyên can không được, bảo mua xe mới cho ông cũng không nghe, đành tu bổ con “ngựa chiến” của ông thật chắc chắn để cùng ông san sẻ con đường dài. Những con đường mờ mịt hơi sương, những đỉnh đèo uốn lượn, những khúc quanh hiểm trở… dường như đã trở thành liều thuốc vô giá cho lão ông “kỳ dị” này. Ông cười khoe, sau 3 năm, phổi chưa thêm lỗ nào.
Có một thói quen bất di bất dịch bao năm qua. Đi đâu thì đi, ông luôn cố gắng ghé thăm các nhà thờ. Gia đình ông theo đạo Thiên Chúa. Cái điện thoại của ông được con cháu tải về rất nhiều bài hát về Chúa, lúc nào mệt mỏi, ông lại dừng xe ngồi nghe. Những bài hát ấy khích lệ tinh thần, giúp ông thư thái và cảm giác như được Chúa dẫn đường.
Thế nên, chả bao giờ ông thấy cô đơn. Cái chết cũng được chuẩn bị nhẹ nhàng, như người lính ra trận. Ông bảo, còn sống là chưa chết, mà chưa chết thì còn đi. “Nhỡ ngã ra chết bên đường, cũng là về với đất mẹ. Sinh ra từ cát bụi, lại về với cát bụi thôi. Dẫu sao cũng may hơn là chết trên biển hay trên máy bay”, ông lão U90 móm mém cười.
Hàng ngày, ông vẫn hăng say lao động bằng nghề sửa giày, cái nghề tưởng chỉ “qua đường” kiếm ăn, chẳng ngờ lại gắn bó hơn 70 năm qua. Ông còn nhận chụp ảnh thuê và xem bói… giày. Ông bảo bàn chân người có các huyệt đạo tương đương với ngũ hành, vận mệnh gì đó. Bằng cách sờ vào lòng đôi giày sẽ đoán biết được cuộc đời, tính cách chủ nhân ra sao.
Thường ông hay bói miễn phí cho khách sửa giày. Gọi là vui vui. Các công việc mang đến cho ông mỗi tháng 2 triệu đồng. Ông cất để dành được khoảng chục triệu, lại lên đường. Kế hoạch trước mắt là làm chuyến phượt Tây Bắc lần nữa, lên Bắc Cạn ghé thăm hồ Ba Bể. Trong tương lai, ông Ngọc “nuôi mộng” phượt một vòng Đông Dương… Và tất nhiên là vẫn với con Cup 50 cổ lỗ sĩ.