Theo truyền thông Morocco, mối quan hệ giữa hậu vệ Achraf Hakimi và bà xã hơn 12 tuổi Hiba Abouk đã không thể hàn gắn. Được biết, cả hai đang trong quá trình hoàn tất thủ tục ly hôn.
Vấn đề được quan tâm nhất trong các cuộc ly hôn đó chính là việc phân chia tài sản và ngôi sao bóng đá này được cho là có nước đi thật cao tay. Cụ thể, tờ Newscentral.africa đưa tin, người vợ Abouk yêu cầu được chia một nửa số tài sản của Hakimi. Con số này ước tính không hề nhỏ, có thể lên tới hơn 4 triệu euro (hơn 100 tỷ VNĐ).
Mặc dù vậy, cầu thủ trẻ người Morocco đã để mẹ đứng tên phần lớn tài sản của mình. Hakimi nhận được 1 triệu euro (gần 26 tỷ đồng)/tháng từ PSG nhưng 80% trong số này đã được gửi thẳng tới mẹ của nam cầu thủ là bà Fatima. Được biết, ngôi sao bóng đá không có bất động sản, xe cộ hay nhà cửa nào. Nếu cần gì thì mẹ của nam cầu thủ sẽ chi tiền cho con trai.
Nam cầu thủ đã gửi hầu hết tiền lương của mình cho mẹ đẻ cầm giúp thay vì đưa cho vợ.
Điều đó đồng nghĩa với việc người vợ Abouk sẽ chẳng nhận lại được gì nhiều sau cuộc hôn nhân này. Bản thân cô từng được bầu là "nữ diễn viên đẹp nhất thế giới", góp mặt ở nhiều bom tấn điện ảnh. Mặc dù vậy, đời tư của cô khá phức tạp khi hẹn hò khá nhiều cầu thủ bóng đá của Real Madrid lẫn Barcelona.
Câu chuyện về việc cầu thủ Achraf Hakimi “mang tiền về cho mẹ” đã trở thành đề tài bàn tán xôn xao trên truyền thông và cộng đồng mạng. Nhiều ý kiến cho rằng, Achraf Hakimi có lẽ đã rút kinh nghiệm từ những đàn anh đi trước, mất nhiều tài sản sau những vụ ly hôn lùm xùm.
Hoặc cũng có thể, bản thân Achraf Hakimi không tin tưởng vợ mình vì quá khứ tình ái khiến anh chuẩn bị cho mình một đường lui an toàn. Trong khi đó, một số ý kiến khác bình luận rằng, nam cầu thủ này rất yêu và tin tưởng mẹ mình, nên chuyện anh gửi lương cho bà là điều dễ hiểu.
Việc phân chia tài sản của cặp đôi gây ra nhiều tranh cãi.
Trên thực tế, việc đàn ông trưởng thành và đã lập gia đình đưa tiền cho mẹ giữ là điều quá phổ biến ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhiều quốc gia ở châu Á vẫn duy trì tư tưởng mẫu hệ. Người mẹ quản lý tất cả mọi việc ở trong gia đình nên khi con trai họ dù đã lớn và đi lấy vợ, nhưng vẫn phải nằm trong sự kiểm soát của mẹ mình.
Với những người đàn ông Việt, việc họ đưa tiền về cho mẹ là điều quá bình thường. Và có nhiều nguyên do khiến họ hành động như vậy. Đầu tiên là họ nghĩ rằng, gửi tiền cho mẹ đẻ an tâm hơn rất nhiều. Nếu có bất trắc gì xảy ra họ vẫn có mẹ đẻ làm chỗ dựa vững chắc.
Lý do khác là vì họ chưa thực sự tin tưởng vợ mình. Vẫn giữ thái độ đề phòng với người bạn đời vì cho rằng cô không thể quán xuyến gia đình giỏi như mẹ đẻ; có thể sử dụng tiền vào những mục đích khác không tốt như lập quỹ đen, tiêu xài hoang phí…
Một nguyên nhân khác là người đàn ông chưa thực sự “đủ trưởng thành”, vẫn cần dựa dẫm vào mẹ đẻ, quen với việc bà quyết định và sắp xếp tất cả mọi thứ trong cuộc sống của mình.
Vấn đề đàn ông nên đưa tiền cho vợ giữ hay mẹ đẻ cầm giúp là vấn đề chưa ngã ngũ.
Trong khi đó, đứng về phía một người vợ, không phải người phụ nữ nào cũng đồng tình với cách làm của chồng. Khi về chung một nhà, ai cũng có trách nhiệm xây dựng và vun đắp tổ ấm. Việc người chồng đưa tiền gửi mẹ đẻ giữ giúp mình, khiến người vợ cảm thấy mình bị thiếu tôn trọng và là “kẻ thừa thãi” trong chính gia đình.
Hiện nay, việc chồng hay vợ nắm giữ tài chính phụ thuộc vào từng gia đình. Họ có rất nhiều lý do để đưa ra sự lựa chọn cho mình. Có một thực tế là cả phụ nữ và đàn ông nên tự chủ kinh tế và tài chính của bản thân, phòng ngừa những bất trắc có thể xảy ra. Nhưng họ cũng cần có những khoản đóng góp chung để xây dựng tổ ấm của riêng mình.