Những đứa trẻ ở trường tiểu học Tennant Creek, một thị trấn ở phía Bắc của Australia, cách Sydney nửa lục địa buồn bã khi đội nhà thua trận trước Thụy Điển 0-2 trong trận tranh huy chương đồng. Nhưng vào sáng Chủ nhật (20-8), bọn chúng vẫn í ới, hò nhau tụ hội được gần 100 đứa trẻ đến thi đấu trên một mặt sân cỏ lớn, đủ để 6 đội chơi cùng một lúc.
Trong gần 100 đứa trẻ trên, có một nhóm học sinh được đưa đón bằng xe buýt từ các trường học trên khắp vùng Barkly, một vùng đất rộng lớn vô cùng hẻo lánh có diện tích bằng Phần Lan nhưng dân số chỉ khoảng 8.000 người. Đối với một số bọn trẻ, chuyến đi có nghĩa là phải chịu đựng những đoạn đường dài trên những con đường đất hằn lún vệt bánh xe. Một trường có 12 học sinh, chiếm khoảng một phần ba tổng số học sinh đăng ký giải thi đấu vào cuối tuần. Một trường khác không mang đủ quân số để thành lập được một đội bóng, vì vậy họ đã mượn 2 thành viên từ một gia đình thổ dân ở gần Trường tiểu học Tennant Creek.
Thổ dân trình diễn văn nghệ ở World Cup 2023. Ảnh: ĐỨC ĐỒNG
Khi trọng tài nổi còi, 6 đội bóng hào hứng tranh tài. Không phân biệt lớn bé, nam nữ, các chàng trai và cô gái ở mọi lứa tuổi khác nhau đã hòa vào bầu không khí sôi nổi trên sân, góp phần làm sôi động một cộng đồng ở World Cup 2023 cách chúng hàng nghìn dặm.
“Đây là một lễ hội bóng đá thực sự, chúng cháu được thi đấu với nhau liên tục vào hai dịp cuối tuần vừa qua” Annastashia August, 11 tuổi đến từ Trường tiểu học Tennant Creek, thổ dân người Warumungu (là những người trông coi truyền thống của vùng đất Barkly nơi thị trấn hiện tọa lạc).
Bóng đá là môn thể thao yêu thích của Annastashia August, nhưng đây mới chỉ là lễ hội bóng đá thứ hai ở thị trấn của cô bé. Cả hai sự kiện đều bắt nguồn từ sáng kiến của John Moriarty, thổ dân Australia đầu tiên được gọi vào đội tuyển bóng đá quốc gia, người hy vọng sử dụng môn túc cầu để giúp cải thiện sự kết nối cho trẻ em bản địa ở các cộng đồng xa xôi.
Quyền của người dân bản địa (thổ dân) là một trong những yếu tố được FIFA làm nổi bật tại World Cup 2023. Các nhà tổ chức giải đấu đã công nhận các cộng đồng bản địa ở Australia và New Zealand, hai quốc gia đồng đăng cai, thông qua các biện pháp bao gồm việc sử dụng các địa danh theo tên gọi truyền thống của thổ dân cùng với các địa danh theo tiếng Anh phổ biến hơn cho mỗi thành phố đăng cai. Việc treo cờ của người bản địa tại các sân vận động cũng được ban tổ chức giải đấu khuyến khích.
Dwight Hayes, 23 tuổi, một người Warlpiri lớn lên ở vùng Tennant Creek, hiện là trợ lý giáo viên tại ngôi trường tiểu học cùng tên cho biết: “Khi tôi còn nhỏ, chúng tôi không có thứ gì như thế này. Những đứa trẻ yêu thích thể thao, có niềm đam mê với bóng đá, bọn nhỏ sẽ làm bất cứ điều gì để được chơi bóng”.
Điều đó thể hiện rõ ràng trên những cánh đồng ngập nắng, nơi những đứa trẻ đang thi đấu cùng lúc 3 trận trên một mặt cỏ. Những đứa trẻ đi chân đất, lác đác có đứa đi giày lao vào trái bóng tròn, thi đấu tầm một tiếng đồng hồ. Chúng khỏe thực sự vì trận đấu không có giờ nghỉ giải lao. Bọn trẻ tranh thủ từng phút vì chúng biết rằng, phải đến cuối tuần sau, chúng mới được ra sân đá bóng cùng chúng bạn. Lạ ở chỗ, ngay cả khi đội nhà bị thủng lưới, thì vẫn có thằng bé cổ vũ cho đối thủ, hóa ra người ghi bàn là bạn thân của nó ở trường.
Khi lễ hội bóng đá ở Tennant Creek gần kết thúc, các thành viên của cộng đồng tụ lại khu vực giữa sân, thực hiện một vài nghi lễ của thổ dân để cầu may cho sức khỏe và hướng tới một mùa màng bội thu.
Chiếc xe tải thuộc chương trình John Moriarty Football, với lá cờ thổ dân trên nóc xe, sẽ lăn bánh hướng đến cộng đồng ở khu vực Ali Curung, nằm cách Tennant Creek 170km về phía nam, để bảo đảm rằng môn thể thao vua có thể được chơi ở bất cứ đâu với đám trẻ nhiệt thành.
Đội bóng đá Ali Curung là thành viên của Giải bóng đá Australia Barkly kể từ khi được thành lập vào năm 1991. Dân số ở Ali Curung hiện chưa đến 1.000 người nhưng các thổ dân ở đây đã nuôi dưỡng niềm đam mê với trái bóng tròn từ 4-5 thập niên trước. Khi World Cup 2023 được tổ chức, những cộng đồng thổ dân ở Ali Curung, Tennant Creek (Australia) hay Rotorua (New Zealand) đều háo hức dõi theo và cổ vũ giải đấu.
Ngôi nhà truyền thống của người Maori tại Rotorua. Ảnh: NGUYỄN CÔNG
Rotorua là trung tâm văn hóa của người Maori-những cư dân bản địa đầu tiên của New Zealand. Chỉ cách trung tâm thành phố 5 phút đi bộ là vùng địa nhiệt Whakarewarewa-ngôi làng với khoảng 500 hồ nước nóng và mạch nước ngầm tự nhiên đang hoạt động. Đây là địa điểm người Maori thổ dân đã từng xây dựng Pháo lũy Te Puia nổi tiếng. Người Maori đã định cư ở đây từ đầu Thế kỷ XIV, đã biết tận dụng nước nóng thiên nhiên để sưởi ấm nhà cửa, nấu ăn, tắm giặt...
Tôi vẫn nhớ trận ra quân của đội tuyển nữ Việt Nam gặp Mỹ tại World Cup 2023, hai người đàn ông thổ dân cởi trần, mặt có hình xăm cùng một người phụ nữ với trang phục bắt mắt bước ra sân thi đấu. Họ trình diễn một điệu nhảy dân gian trước khi bắt đầu màn so tài giữa hai đội. Đó là những thổ dân Maori, tộc người bản địa New Zealand. Điều này làm tôi nhớ đến trên sóng truyền hình quốc gia New Zealand, một biên tập viên với hình xăm quanh khóe miệng tự tin đồng hành với bạn dẫn có gốc gác từ châu Âu.
Khi người Anh phát hiện ra New Zealand, quốc gia vẫn được xem là vùng đất cuối cùng trên thế giới mà con người đặt chân đến, tộc người Maori đã hiện diện và tạo ra một truyền thống văn hóa lâu đời tại đây. Trải qua cuộc đấu tranh kéo dài gần một thế kỷ xoay quanh câu chuyện lãnh thổ, Hoàng gia Anh cùng người Maori cuối cùng đi đến một thỏa thuận đặc biệt có giá trị cho đến ngày nay: Vương quốc Anh tôn trọng và thừa nhận quyền sở hữu lãnh thổ của người Maori.
Và ở World Cup kỳ này, những lá cờ của người Maori tung bay phấp phới trên lãnh thổ New Zealand như một lời tuyên bố rằng những giá trị văn hóa sẽ mãi mãi trường tồn.