23 tuổi kiếm 100 triệu/tháng: Đừng chỉ “đốt sức lấy tiền"
Đó là những con số ấn tượng của Nguyễn Thị Yến Nhi (23 tuổi, TP. HCM), Yến Nhi hiện đang làm Content Creator & Freelancer.
Cô gái trẻ cho hay, để đạt được mức thu nhập chạm mốc 100 triệu/tháng, đỉnh điểm có khoảng thời gian phải làm 4 công việc cùng lúc: Sale Expert (Chuyên viên sale), Influencer Executive, Customer Service (Chăm sóc khách hàng), Content Creator (Sáng tạo nội dung).
Để có thu nhập đạt 100 triệu một tháng, nhiều bạn trẻ phải làm 4 công việc cùng lúc.
“Mình từng dành thời gian 2 năm để học hỏi, không ngại thử những cơ hội mới, làm việc ở nhiều vị trí khác nhau cùng lúc để phát triển kiến thức, kỹ năng. Ngoài ra, bản thân cũng tích cực kết nối các mối quan hệ trong nghề để mở rộng cơ hội nhận được các job tốt hơn” – Yến Nhi chia sẻ.
Nhờ vậy, cô bạn gặt hái khá nhiều quả ngọt: “Cột mốc đáng nhớ nhất là mình đã tiết kiệm và dành tặng được cho ba mẹ 200 triệu để phụ giúp việc sửa nhà. Mình có thêm 1 khoản tiết kiệm có thể thoải mái sống tốt trong ít nhất nửa năm mà mình không cần làm việc. Mình mua được 2 món đồ công nghệ phục vụ công việc: Laptop (20 triệu) và iPad (20 triệu). Lần đầu tiên mình dám chi tổng cộng 45 triệu cho gói tập gym trong gần 1 năm”.
Tuy nhiên, vì quá chú trọng vào công việc, nên sức khỏe đã của cô gái trẻ cũng kém đi nhiều, Yến Nhi trải lòng: “Mình hiểu được hậu quả của việc đánh đổi sức khỏe lấy tiền sẽ đem lại hệ lụy như thế nào. Đó là những đêm mất ngủ vì đầu đau như búa bổ, chiếc lưng của tuổi 23 mà ngỡ sắp hết hạn sử dụng, người cũng rất mệt mỏi vào buổi sáng vì đêm thức khuya, mắt cận nặng hơn, mọc nhiều mụn phải thường xuyên đi da liễu, sụt ký nặng nề.
Nhận ra việc đốt sức lấy tiền quá mức khiến bản thân mình khó mà đi đường dài, nên thay vì làm việc suốt 12 tiếng/ngày, mình dành ra thời gian 2-3 tiếng để đi tập gym, ăn uống healthy, thay đổi chỗ ở để được sống trong môi trường tốt hơn.
Nhờ đó, mình kéo năng suất công việc lên khiến thu nhập ngày một tốt hơn. Mình thấm thía nhất lời khuyên của Tony Robbins là “Thành công phải được tập trung vào bản thân trước rồi mới tới tâm và trí”.
Gắn bó với nghề livestream gần 4 năm nhờ thu nhập đều đặn 8 chữ số mỗi tháng
Lê Hoàng V. (23 tuổi, sống tại TP.HCM) đã có gần 4 năm làm công việc livestream chuyên nghiệp. Hiện tại mỗi ca livestream của V. kéo dài từ 2-3 tiếng, mỗi ngày sẽ live cho 2 đến 3 đơn vị khác nhau. Tính trung bình, một ngày cô gái trẻ này live liên tục trên các nền tảng mạng xã hội từ 6-8 tiếng.
Công việc livestream chuyên nghiệp cũng giúp nhiều bạn mang về thu nhập 8 chữ số/tháng, dù rất áp lực.
"Nhiều khi mình live cả một ngày mình về nhà cảm thấy rất stress (áp lực), rất mệt luôn. Có thời điểm tận 3-4 brand book (nhãn hàng đặt hàng) một ngày, mỗi ca live tầm 2-3 tiếng, nó sẽ trải 10-12 tiếng/ngày", Lê Hoàng V. tâm sự.
Tìm hiểu được biết, công việc này đòi hỏi người làm có thật nhiều năng lượng và tinh thần thật tốt. Không chỉ phải nói lớn, một streamer bán hàng chuyên nghiệp phải nói liên tục trong nhiều giờ, đồng thời sử dụng linh hoạt các biểu cảm, động tác khác nhau để giới thiệu sản phẩm. Ngoài ra, người live chính cũng cần có sự phối hợp nhịp nhàng với cả ekip để tăng hiệu ứng cho phiên live luôn hấp dẫn người xem…
“Cơ hội kiếm tiền không phải lúc nào cũng có”
Là một người làm trong ngành xuất nhập khẩu, công việc này từng có thời điểm mang lại cho Hải Đăng (29 tuổi) thu nhập cả trăm triệu/tháng. Chia sẻ thêm về công việc của mình, chàng trai 28 tuổi cho hay, công việc nào lương cao cũng căng thẳng chứ không riêng gì ngành xây dựng, xuất nhập khẩu, IT hay youtube...
Theo Hải Đăng, "để có thu nhập cao thì bản thân người làm đó cũng phải mất sức gấp ba lần người khác".
“Nhớ hồi mình set-up nhà máy cùng sếp, ngày nào cũng từ sáng sớm đến 11-12h đêm vẫn còn vất vưởng ở nhà máy hoặc chạy xe ngoài đường. Công việc dồn dập liên tục liên tục, không có thời gian để nhận ra mình bận. Đôi khi cảm giác mình làm việc theo quán tính, không có thời gian để mệt luôn. Cũng có khi thấy tiền ham quá nên quên mệt”, chàng trai 29 tuổi nói.
Cũng theo Hải Đăng, với thu nhập cao như vậy thì bản thân cũng phải mất sức gấp ba lần người khác. “Nếu đang còn trẻ và có sức khỏe thì vẫn tiếp tục làm, khi nào kinh tế ổn định thì dần dần tôi sẽ tìm công việc nhẹ nhàng hơn. Cơ hội kiếm tiền không có nhiều và không phải đến với tất cả mọi người” – Hải Đăng nói thêm.