Cách TP. Phan Thiết (Bình Thuận) 56 hải lý (khoảng 120 km) về hướng Đông Nam, Phú Quý - huyện đảo của tỉnh Bình Thuận - với diện tích chỉ khoảng 17,82 km2 đang là điểm đến rất hút khách trong vài năm trở lại đây. Sau hơn 2 giờ đồng hồ vượt biển, chiếc tàu cao tốc với gần 600 người, chủ yếu là khách du lịch, cập bến cảng Phú Quý. Trên cảng đã có nhiều bạn trẻ là hướng dẫn viên du lịch với trang phục có in logo của các đội, nhóm như: Hòn Tranh tour, Lang thang Phú Quý… niềm nở đón khách.
Cùng nhau làm du lịch
Thường thì du khách đã kết nối với các đội nhóm hướng dẫn du lịch của Phú Quý qua mạng xã hội hoặc điện thoại, email để tìm hiểu trước khi đến đảo. Nhưng kể cả nếu du khách đến nơi rồi mới tìm kiếm các trải nghiệm thì cũng được các bạn trẻ này sẵn sàng hỗ trợ.
Nguyễn Quốc Bảo, một thành viên của nhóm Lang thang Phú Quý cho biết các nhóm đều tình nguyện hỗ trợ du khách, giới thiệu và kết nối khách với các cơ sở cung cấp dịch vụ, còn quyết định chọn điểm nào là quyền của khách: "Tôi sẽ hỗ trợ tư vấn cho du khách từ những dịch vụ đầu tiên, là vé tàu và xe, rồi chỗ ngủ. Những điểm check-in ở đây thường là ở những nơi linh thiêng như chùa Linh Quang, mộ Thầy, núi Cao Cát… Còn bãi biển có rất nhiều bãi đẹp như: vịnh Triều Dương, bãi Nhỏ, hồ Vô Cực… Ngoài ra ở đây còn có hòn Tranh cũng rất đẹp".
Anh Đỗ Phúc Thanh, chủ một homestay và khách sạn La Min ở Phú Quý chia sẻ, anh đã thành lập một nhóm những người kinh doanh dịch vụ lưu trú trên đảo để cùng nhau hỗ trợ khách, nhất là lúc cao điểm. Anh cũng lập fanpage "Lang thang Phú Quý" để cập nhật những thông tin cần thiết nhất cho du khách, từ thời tiết, vé tàu đến giá cả dịch vụ, địa điểm vui chơi.
"Cung cấp nhiều thông tin bổ ích về Phú Quý thì người ta sẽ tìm tới mình, và tôi sẽ giới thiệu khách sạn của mình. Sau khi có nơi lưu trú sẽ kết nối với các dịch vụ khác như: xe máy, ca nô, bè, nhà hàng; có thể lên luôn chương trình 3 ngày 2 đêm cho khách. Nhưng tôi phải liên kết với các cơ sở dịch vụ khác để hỗ trợ lẫn nhau, ví dụ mình không còn phòng thì giới thiệu qua cho họ và ngược lại. Đó là cộng sinh, các bên cùng có lợi", anh Đỗ Phúc Thanh chia sẻ.
Anh Đỗ Thạch Thao, chủ một nhà hàng ở Phú Quý cho rằng, cùng nhau tham gia các nhóm hướng dẫn viên du lịch, nhóm kinh doanh dịch vụ ăn uống… là cách tốt để cùng phát triển: "Chúng tôi có hội nhóm để cùng nhau phát triển kể cả nhà hàng và khách sạn. Người trẻ sẽ linh động hơn để phát triển du lịch, từ phát triển về ý tưởng, trong đó có các trang mạng xã hội".
Chuyên nghiệp hóa dịch vụ du lịch
Chị Nguyễn Thị Nhuần, chủ doanh nghiệp du lịch công ty TNHH Truyền thông và sự kiện và du lịch Bờ Cát Vàng ở TP. Phan Thiết thường xuyên đưa khách ra Phú Quý cho biết, có thêm tàu cao tốc tuyến Phan Thiết - Phú Quý nên du lịch đảo phát triển nhanh. Đồng thời, chính nhờ các bạn trẻ ở đảo năng động, áp dụng công nghệ, mạng xã hội mà du lịch Phú Quý ngày càng được biết đến.
"Đảo Phú Quý phát triển như bây giờ có phần đóng góp của các bạn trẻ ở địa phương. Các bạn lập các trang rất uy tín để du khách dễ dàng tìm kiếm những điểm đến, kết nối giữa những người làm kinh doanh với người tiêu dùng không qua trung gian nữa. Đây là những cái du khách đang cần" - chị Nhuần cho biết.
Anh Nguyễn Văn Lĩnh - Phó Bí thư Huyện đoàn Phú Quý cho biết Huyện đoàn đã kết nối các bạn trẻ với nhau trong các câu lạc bộ, các đội nhóm để vừa làm du lịch, tạo công ăn việc làm cho nhau; đồng thời từng bước chuyên nghiệp hơn, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch của đảo.
"Hiện tại Huyện đoàn đã hỗ trợ thành lập một HTX bao gồm 7 thành viên với đủ ngành nghề trong du lịch. Sự liên kết chặt chẽ trong chuỗi du lịch đáp ứng được nhu cầu của du khách. Đây là cơ hội để các bạn vươn xa hơn để trở thành một doanh nghiệp du lịch chuyên nghiệp. Huyện đoàn cũng đã phối hợp với cơ quan, ban, ngành, các đơn vị đào tạo nhân lực để mở lớp tập huấn, lớp nghề để các bạn tham gia, nâng cao tay nghề cũng như đầy đủ chứng chỉ pháp lý để chuyển sang làm du lịch chuyên nghiệp", anh Nguyễn Văn Lĩnh cho biết.
Hiện trên tuyến vận tải biển Phan Thiết - Phú Quý có 5 tàu cao tốc vận chuyển hành khách. Huyện đảo đã có hơn 150 cơ sở lưu trú với gần 650 phòng. Các dịch vụ như cho thuê xe máy, ăn uống, chèo ván SUP, lặn biển… cũng phát triển, đáp ứng nhu cầu khám phá của du khách. Cùng với đó, sự năng động, sáng tạo và gắn kết của các bạn trẻ ở đảo cùng làm du lịch sẽ góp phần phát triển ngành du lịch ở huyện đảo này./.