Mối nguy Vlog nhảm: “Các cháu không xem chả ai xem!”

Google News

Vlog nhảm , “bẩn”, phản cảm có đất sống không chỉ vì câu views, kiếm tiền. Theo một số quản trị viên kênh YouTube, Vlog “bẩn” sống được là vì...

Vlog nhảm, “bẩn”, phản cảm có đất sống không chỉ vì câu views, kiếm tiền. Theo một số quản trị viên kênh YouTube, Vlog “bẩn” sống được là vì còn có người xem.

Nở rộ Vlog về “văn hóa ẩm thực”, “đặc sản”…

Theo anh Phước Quốc – quản trị một số kênh YouTube về công nghệ và giải trí, đa phần các vlog có những clip nhảm, “bẩn” gây phản cảm hiện nay tập trung ở một số tỉnh, vùng quê...

Cụ thể, trên YouTube hiện nở rộ các Vlog về đời sống văn hóa, ẩm thực, đặc sản, du lịch Tây Bắc, như: Nhịp sống Tây Bắc, Pha Luông, Ẩm thực Tam Mao (Tam Mao TV), SaPa TV…

Đơn cử, món ăn pịa bò nóng (phân bò non còn nóng trong bao tử bò vừa mổ xong) trong một clip trên Vlog Pha Luông, hay “Ăn thịt dê sống nguyên con nhìn hết hồn vía” trên SaPa TV được xem là “ẩm thực Sa Pa” hay “đặc sản” của vùng Tây Bắc. Nhưng với những người xem chủ yếu vì tò mò thì cũng không thoát được cảm giác ghê ghê. Thế nhưng, mỗi clip như thế đều có đến hàng triệu views.

Hay loạt clip “14 ngày cách ly” trên Tam Mao TV, mỗi clip nói về 1 ngày cách ly đều có hàng triệu views. Cụ thể, clip ngày cách ly thứ 6, với cảnh “bày trò” ở cách ly ngoài cống và tắm rửa gội đầu bằng… nước mương. Hay clip ngày cách ly thứ 11 có cảnh quái dị, ghê rợn là thả rắn vào ngủ cùng người nhằm câu views với lượt xem lên đến gần 3 triệu.

Trường hợp Vlog NTN từng bị dư luận lên án vì clip thả dao Thái nhọn cả trăm chiếc từ trên nhà tầng cao xuống dưới đất đầy phản cảm cũng câu được vài chục ngàn lượt xem trước khi bị báo cáo và YouTube đã vô hiệu clip đó.

“Các cháu không xem chả ai xem”

Anh Quốc cho biết, trong giới làm YouTube nhảm thường truyền miệng câu clip mà “các cháu không xem chả ai xem” như một thứ định hướng nội dung. Bởi với các loại clip có nội dung nhảm, “bẩn”, phản cảm, những người lớn hoặc người có suy nghĩ chín chắn, chẳng mấy người xem và tán dương. Chính vì thế trong phần comment phía dưới, ít có các lời bình luận mang tính phản biện, cảnh tỉnh người khác.

Thay vào đó, “các cháu” chính là khán giả chủ yếu. Anh Quốc giải thích: “Trẻ em thường thích xem những thứ mà mình không dám làm hoặc không được làm. Chính vì thế các Vlog có nội dung độc, lạ, quái dị… càng gây tò mò đối với các em”.

Theo anh Bảo Suzu, một influencer, không ít YouTuber Việt Nam là “trùm móc mắt kiếm views”, mà đối tượng để hướng đến kiếm views nhiều nhất không ai khác chính là trẻ em, thanh niên ở các tỉnh, miền quê, nhận thức chưa đủ chín chắn hoặc trình độ thẩm mĩ về hưởng thụ văn hóa, giải trí thấp.

Thạc sĩ tâm lí Nguyễn Thị Trang Nhung (Đại học Ngân hàng TPHCM) trong một sự kiện giao lưu nhân Ngày Nhà báo Việt Nam 21.6 cho biết, thế giới ngày nay kết nối mạnh mẽ qua Internet thì trẻ em còn đối mặt thêm với một nguy cơ là sự xâm hại tư tưởng đến từ mạng xã hội. Theo đó, các nhân tố gây mất an toàn cho trẻ ngày càng được nâng cấp liên tục trong khi trẻ chưa có khả năng nhận thức về sự biến hóa khôn lường của các yếu tố gây nguy hiểm cho bản thân.

Người lớn nếu có tò mò xem qua các clip nhảm,"bẩn”, phản cảm thì chỉ một, hai lần sẽ chán, không xem nữa, và các nội dung trong clip đó cũng khó mà gây ảnh hưởng đến hành vi. Song với trẻ em, xem các clip ăn phân, ăn thịt sống, thả dao, tắm gội bằng nước mương, thả rắn vào ngủ cùng… nếu bị tác động bắt chước theo thì hoàn toàn có thể dẫn đến các tác hại.

Theo Thế Lâm/Lao Động

>> xem thêm

Bình luận(0)