"Vào lớp" không đơn giản là mở máy tính
Có lịch dạy học online vào buổi chiều ngày 8/9, Long Đức (Quận 7, TP.HCM) đã mặc đồng phục chỉnh tề, chuẩn bị tham gia lớp học. Dù đã đăng nhập vào hệ thống học trực tuyến từ trước giờ học 15 phút theo quy định nhưng cả lớp của Đức và cô giáo vẫn không thể bắt đầu tiết học. Cuối cùng, cả lớp phải chuyển qua nền tảng khác để không làm ảnh hưởng đến bài học.
|
Một lần lỗi mạng là một lần teen "thót tim", ngao ngán. Ảnh: NVCC |
“Nền tảng tụi mình hay lỗi lắm! Lúc thì báo "lớp học không tồn tại" dù thầy cô đã tạo và gửi đường link tham gia, lúc thì báo hệ thống đang bận yêu cầu vào lại lớp, nhưng màn hình cứ đứng hình loading cả buổi trời. Đã vậy khi học còn "đệ nhất giật lag" nữa. Sắp tới tất cả phải kiểm tra trên đây, mình sợ lỡ xảy ra chuyện thì ảnh hưởng lớn đến kết quả cuối cùng”, cậu bạn chia sẻ.
Nhà ở "vùng đỏ", không thể ra đường mua sách giáo khoa, cũng không có máy để in học liệu điện tử, Hoài Nam (Quận 1, TP.HCM) không ít lần "đau đầu" vì học online chỉ bằng một chiếc điện thoại.
|
Để ứng biến với việc thiếu thiết bị học tập, Hoài Nam đã chuẩn bị trước kiến thức để điện thoại không quá tải. Ảnh: NVCC. |
Chia sẻ với Hoa Học Trò Online, Hoài Nam cho biết, vì nhà không có máy tính, bố mẹ lại đi làm nên chiếc điện thoại của cậu bạn phải kiêm luôn 3 việc cùng lúc: Nghe giảng, tra cứu học liệu và nhắn tin trao đổi bài tập nhóm.
"Để không bật quá nhiều tab, mỗi khi rảnh mình lại lôi file điện tử ra chép vào tập trước, đến lớp chỉ cần ghi chú thêm lời giảng của cô. Điều đó giúp mình chủ động hơn trong buổi học, và đương nhiên cũng thuộc bài hơn."
Chị Thùy Trang - một phụ huynh có con đang học tiểu học tại Quận 7, TP.HCM chia sẻ, vì cả bố và mẹ đều phải mang điện thoại thông minh đến công ty, con gái cô ở nhà với bà ngoại chỉ có điện thoại dùng để gọi và nhắn tin. Dịch bệnh, cửa hàng đóng cửa, cô cũng không tìm được nơi bán uy tín để mua thiết bị học.
"May mắn là thầy chủ nhiệm của bé thông cảm với hoàn cảnh gia đình cô nên đồng ý sẽ dạy thêm bé vào buổi tối cho đến khi bé có thể cùng học với các bạn. Còn buổi chiều bà sẽ bật kênh VTV7 có dạy chương trình lớp 1 cho bé ngồi xem.", chị Trang chia sẻ.
Thầy cô cùng gỡ khó với học trò
Thấu hiểu khó khăn của học sinh khi học trực tuyến trong điều kiện hạn chế, thầy Anh Nhật (giáo viên trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM) động viên: "Vì đây là lần đầu tiên tổ chức học trực tuyến với quy mô lớn, thời gian kéo dài như thế nên những ngày đầu chắc chắn có nhiều bất cập, khó khăn không lường trước. Các bạn không cần quá lo lắng vì thầy cô và nhà trường sẽ sớm có những hỗ trợ, thay đổi phù hợp giúp cho việc học ngày càng thuận lợi hơn."
|
Việc học online dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng học sinh và gia đình vẫn đang cố gắng vượt qua để không làm ảnh hưởng đến bài học. Ảnh minh họa từ Internet. |
Tuy nhiên, thầy Nhật cũng lưu ý teen cần sớm lên kế hoạch thích ứng với cách học mới trong thời gian dài, thiết kế hình thức học tập phù hợp với bản thân để nâng cao hiệu suất học tập.
|
Thầy Nhật lưu ý teen cần quan tâm đến cả cách học và cách sinh hoạt phù hợp để đạt hiệu quả tốt nhất - Ảnh: NVCC. |
Ngoài ra, trong suốt quá trình học trực tuyến, teen cũng nên vận động nhẹ nhàng giữa các giờ giải lao để đảm bảo cột sống dẻo dai, khỏe mạnh. Đồng thời hạn chế tác động xấu khi phải ngồi trước màn hình máy tính trong thời gian dài.
Báo Tri Thức & Cuộc Sống đã biên tập Title