Nội dung này được đề cập trong báo cáo của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng gửi Quốc hội, các đại biểu Quốc hội về kết quả thực hiện nghị quyết chất vấn liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Hàng loạt giải pháp về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, đã được Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo Quốc hội.
Yêu cầu TikTok cung cấp thuật toán
Theo báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, tới đây, Bộ Thông Tin và Truyền thông sẽ nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về giải pháp quản lý thuật toán của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, đặc biệt là TikTok.
Từ đó, cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực thông tin và truyền thông đề xuất siết chặt quản lý mạng xã hội như TikTok, yêu cầu cung cấp các thuật toán gợi ý nội dung để giám sát việc thu thập dữ liệu, điều hướng thông tin đến người dùng…
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng xây dựng kế hoạch kiểm tra toàn diện hoạt động của Công ty TNHH Công nghệ TikTok Việt Nam (MXH TikTok), dự kiến tổ chức vào tháng 5.
|
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng (Ảnh: Quốc hội).
|
Bên cạnh việc quản lý thông tin trên môi trường mạng, nhất là trên các nền tảng xuyên biên giới, cơ quan quản lý cũng duy trì tỷ lệ ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung xấu độc ở mức cao (93%); tăng cường đấu tranh để khóa hoạt động các tài khoản, hội nhóm, trang, kênh nội dung vi phạm trên các nền tảng xuyên biên giới…
Về giải pháp thực hiện, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ nghiên cứu, phát triển các công cụ tự động rà quét vi phạm về quảng cáo xuyên biên giới.
Cơ quan quản lý sẽ phối hợp rà quét, xử lý các nghệ sĩ, KOLs vi phạm pháp luật sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm pháp luật.
Cuối tháng 12/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có tờ trình gửi Chính phủ về việc xin ý kiến về xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Trong đó bổ sung quy định yêu cầu các mạng xã hội trong nước và xuyên biên giới phải định danh người dùng, cung cấp thông tin định danh người dùng cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu.
Cũng theo quy định này, chỉ các tài khoản đã được định danh (xác thực tài khoản với tên thật và số điện thoại) mới được viết bài, bình luận, sử dụng tính năng livestream.
Facebook, Google gỡ bỏ hàng nghìn bài viết, video xấu độc
Báo cáo của Bộ Thông tin và truyền thông cho biết thời gian qua, Bộ đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn thường xuyên rà quét, phát hiện và xử lý, ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn thông tin vi phạm pháp luật. Trong đó, chủ yếu là các vi phạm về tin giả, thông tin xấu độc tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, nói xấu, bôi nhọ uy tín, danh dự, nhân phẩm các tổ chức, cá nhân, quảng cáo vi phạm pháp luật…
Các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google, TikTok, Apple, Netflix… phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ những nội dung xấu độc, tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo sai, phản cảm…
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới gỡ bỏ các hội, nhóm (group) có nội dung không lành mạnh, độc hại với trẻ em; gỡ bỏ 11 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức; ngăn chặn các kênh YouTube phản động không cho truy cập từ lãnh thổ Việt Nam…
Kết quả, từ 1/1 đến 29/3, Facebook đã chặn, gỡ bỏ 1.096 bài viết có nội dung thông tin xấu độc; Google đã gỡ 1.670 video vi phạm trên YouTube; TikTok gỡ 323 link vi phạm, khóa 47 tài khoản, kênh thường xuyên đăng tải nội dung xấu độc…
Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố kịp thời nhiều tin giả, tin sai sự thật, kịp thời ngăn chặn phát tán của tin giả, tin sai sự thật.
Ngoài ra, trong năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai chiến dịch bóc gỡ mã độc trên toàn quốc, qua đó phát hiện, ngăn chặn và xử lý 76 website chuyên phát tán, cài cắm mã độc vào máy tính, điện thoại và thiết bị di động của người dân thông qua các phần mềm bẻ khóa.