Điểm nhấn của Hoàng Su Phì chính là những thửa ruộng bậc thang xếp tầng tầng lớp lớp, phủ kín những ngọn đồi giống như một tác phẩm nghệ thuật đầy ấn tượng được tô vẽ lên bởi bàn tay khéo léo của con người. Sự pha trộn hài hòa giữa thiên nhiên và văn hóa mang đến sức cuốn hút lạ kỳ đối với bất kỳ ai đặt chân đến vùng đất này.
Hoàng Su Phì là một tuyệt tác thiên nhiên với vẻ đẹp quyến rũ làm mê đắm lòng người
Hoàng Su Phì vẻ đẹp mê đắm lòng người
Hoàng Su Phì đặc biệt bởi mỗi mùa lại mang một vẻ đẹp đặc trưng riêng có. Mùa xuân là thời điểm diễn ra các lễ hội văn hóa độc đáo của đồng bào địa phương. Hiện lên giữa mênh mông đại ngàn là những thửa ruộng bậc thang xanh ngút ngàn, những đồi chè tươi mơn mởn, hoa đào, hoa lê nở rực khắp đất trời, những cánh hoa bay phảng phất hương thơm dịu dàng trong gió...
Hoàng Su Phì đẹp như tranh vẽ
Mùa nước đổ, dưới cơn mưa mùa hạ, những thửa ruộng bậc thang tựa như những tấm gương khổng lồ giữa thiên nhiên hùng vĩ soi bóng mây trời, phản chiếu những tia nắng mai rực rỡ, tạo nên một cảnh sắc rung động lòng người.
Đến mùa lúa chín, chính là vào khoảng thời gian tháng 9 và tháng 10, cũng là lúc Hoàng Su Phì khoác lên mình sắc màu rực rỡ của những cánh đồng lúa chín ngả vàng óng ả nhuộm kín những ngọn đồi, mang theo cả mùi hương thân thuộc của lúa chín. Vẻ đẹp trù phú, nên thơ của mùa lúa chín, cùng với nét lãng mạn trong tiết trời mùa thu đã tạo nên một Hoàng Su Phì đầy cuốn hút. Đây cũng là thời điểm khách du lịch đến ruộng bậc thang đông nhất trong năm.
Màu vàng quyến rũ của Hoàng Su Phì mùa lúa chính
Đặc biệt, du khách đến với Hoàng Su Phì vào mùa lúa chín sẽ có cơ hội tham gia, khám phá, tìm hiểu về bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em nơi đây thông qua Lễ hội Gầu Tào và Tuần lễ văn hóa du lịch “Qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì”.
Vô vàn những hoạt động, sự kiện hấp dẫn được tổ chức nhằm đem đến cho du khách những trải nghiệm thực sự ấn tượng và khác biệt như: Ngày hội văn hóa dân tộc Mông; biểu diễn dù lượn “Trên những bậc thang vàng”; trưng bày sản phẩm và không gian chợ phiên; chương trình văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian truyền thống, các hoạt động du lịch sinh thái, trải nghiệm…
Mùa nước đổ, dưới cơn mưa mùa hạ, những thửa ruộng bậc thang tựa như những tấm gương khổng lồ giữa thiên nhiên hùng vĩ
Dành cho những ai yêu thích cái lạnh giá của Tây Bắc, thì tháng 11 và 12 là thời điểm lý tưởng để bắt đầu chuyến hành trình săn mây tại “xứ sở sương mù” Hoàng Su Phì. Mùa đông, những làn sương dày đặc bao phủ khắp các sườn đồi, những thửa ruộng bậc thang như ẩn hiện dưới mây trời gợi cảm giác bình yên nơi núi rừng.
Tháng 11 và 12 là thời điểm lý tưởng để bắt đầu chuyến hành trình săn mây tại “xứ sở sương mù” Hoàng Su Phì
Đặc sản Hoàng Su Phì
Cảnh đẹp thì không cần phải bàn cãi nhưng đến Hoàng Su Phì cũng đừng quên thưởng thức những đặc sản ngon và lạ có một không hai ở đây nhé.
Cốm nếp Hoàng Su Phì: bao đời nay, người La Chí, Hoàng Su Phì lưu truyền một món cốm độc đáo gắn liền với nghề canh tác lúa nước trên ruộng bậc thang truyền thống. Lúa nếp được chọn là loại chín vừa hái vào lúc sáng sớm, vì hạt quá non cốm sẽ mềm khó chế biến, còn quá già khi giã sẽ bị vụn.
Hạt Mắc Khén: được coi là linh hồn của ẩm thực Tây Bắc và loại gia vị rất đặc trưng ở Hoàng Su Phì. Hàng năm đến tháng 11, chính là thời điểm thu hoạch, người dân sẽ trèo lên cây, bẻ từng chùm rồi để chỗ râm mát, hoặc treo lên gác bếp dùng cho cả năm. Mắc khén có vị cay nồng gần giống tiêu nhưng tạo ra một cảm giác tê rần nơi đầu lưỡi khá thú vị, thường được sử dụng cho các món nướng, chiên,… và đặc biệt là Chẳm chéo – loại nước chấm độc đáo vùng cao.
Lạp xưởng thịt lợn đen: là món đặc sản Hoàng Su Phi không thể thiếu món Lạp Xưởng thịt lợn đen. Lợn đen là loài vật được nuôi nhiều tại những vùng cao, có thịt thơm ngọt và ít mỡ. Món lạp xưởng thường được làm từ thịt vai thái miếng vừa phải, ướp muối, đường, rượu trắng, nước gừng và đặc biệt là quả mắc mật khô xay nhỏ. Tiếp đó, dồn thịt vào lòng non, buộc lại thành khúc và hong trên gác bếp hay phơi nắng cho khô dần. Món ăn này mang mùi nắng vùng cao, mùi khói bếp, thoảng mùi mắc mật tạo nên một tổng thể hài hòa. Vị dai của lòng, vị ngọt của thịt nạc hòa quyện với nhau thất khoái khẩu.
Thịt trâu gác bếp: là một món ăn mang những hương vị riêng của vùng đất của những dải ruộng bậc thang. Thịt trâu gác bếp được tẩm ướp một số loại gia vị và cho lên gác bếp hong khô tự nhiên, thịt trâu gác bếp mang hương vị đậm đà, dai, ngon. Cách thưởng thức thịt trâu gác bếp ngon nhất là nướng trên bếp than hoặc nấu thành thịt trâu kho đều ngon.
Cháo Ấu Tẩu: là món ăn đặc sản của Hà Giang nói chung và Hoàng Su Phì nói riêng. Từ những nguyên liệu đơn giản, mộc mạc nhất, bà con nơi đây luôn biết cách tận dụng, pha chế thành những món ngon. Với nguyên liệu chính là gạo nương, chân giò lợn nấu lẫn với củ ấu tẩu tạo thành một món ăn vô cùng độc đáo.
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì nằm trên địa bàn 24 xã, trong đó ruộng bậc thang ở 11 xã được xếp hạng Danh thắng cấp quốc gia, gồm: Bản Phùng, Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Hồ Thầu, Nậm Ty, Thông Nguyên, Tả Sử Choóng, Bản Nhùng, Pố Lồ, Thàng Tín và Nậm Khòa.
Đặc biệt, Bản Phùng được đánh giá là nơi có ruộng bậc thang đẹp nhất. Năm 2012, Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức cấp bằng công nhận Di tích Quốc gia.