"Loại người nào lại đứng ra vay 100.000 USD cho một người đàn ông chỉ mới ở chung 3 ngày. Cô ta đáng bị như vậy".
"Kẻ lừa đảo Tinder chỉ cho thấy phụ nữ ngớ ngẩn như thế nào khi yêu".
"Tôi có thể tìm những cô gái nhẹ dạ này ở đâu? Liệu tôi có thể hưởng trái ngọt như kẻ lừa đảo Tinder?".
Những bình luận như vậy ngập tràn mạng xã hội sau sự ra mắt của The Tinder Swindler (tạm dịch: Kẻ lừa đảo Tinder), theo Independent.
Bộ phim tài liệu tội phạm này được công chiếu hôm 2/2, kể về một nhóm phụ nữ bị cuốn vào vụ lừa đảo lãng mạn phức tạp, cực đoan đến mức khiến nhiều người trong số này đang phải gánh nợ hàng trăm nghìn USD.
|
Simon Leviev bị bắt với hàng loạt tội danh lừa đảo, giả mạo. Ảnh: Tore Kristiansen/VG.
|
Hai cách nhìn trái ngược về những kẻ lừa đảo
Tự giới thiệu mình là con trai của tỷ phú kim cương Lev Leviev, Shimon Hayut, hay còn gọi là Simon Leviev, đưa các cô gái vào tròng bằng những món quà, chuyến đi, lời hứa hẹn về tình yêu, cam kết. Sau khi có được lòng tin, Hayut yêu cầu nạn nhân cung cấp số tiền lớn với lý do anh ta cần bảo vệ danh tính của mình khỏi "kẻ thù".
Cecilie Fjellhoy, Pernilla Sjoholm và Ayleen Charlotte là những nạn nhân đã xuất hiện trong phim để kể việc họ đã gặp Hayut trên Tinder như thế nào và bị anh ta thao túng, lừa tình, lừa tiền ra sao.
Fjellhoy, 29 tuổi khi gặp Hayut vào năm 2019, nói rằng cô đã bị lừa hơn 270.626 USD. Còn Sjoholm kể mình đã đưa cho kẻ lừa đảo ít nhất 45.000 USD.
Những nạn nhân này đã tạo ra một trang GoFundMe nhằm kêu gọi sự giúp đỡ để trả nợ. Trong khi đó, Hayut, người bị kết án 15 tháng tù nhưng được thả chỉ sau 5 tháng, vẫn có cuộc sống xa hoa tại Israel.
|
Shimon Hayut khoe khoang cuộc sống sang chảnh sau khi ra tù. Ảnh: @simon_leviev_official.
|
Vài ngày sau khi công chiếu The Tinder Swindler, Netflix tiếp tục cho ra mắt một bộ phim khác cùng chủ đề, Inventing Anna.
Phim dựa trên câu chuyện có thật về kẻ lừa đảo khét tiếng, Anna Sorokin. Từ năm 2010 đến 2017, Sorokin đóng giả làm người thừa kế triệu phú Anna Delvey để lừa đảo các tổ chức tài chính và giới thượng lưu toàn cầu.
Về bản chất, những gì Sorokin và Hayut đã làm là tương tự nhau. Họ dành nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để xây dựng hình ảnh hào nhoáng trên mạng xã hội, cố gắng chiếm lấy lòng tin trước khi lừa gạt các nạn nhân.
Tuy nhiên, sự khác biệt trong phản ứng của công chúng với hai kẻ lừa đảo là rất rõ ràng.
Trong trường hợp của Hayut, kẻ lừa đảo vẫn không ngừng chối tội và cố gắng xoay chiều dư luận theo hướng đổ lỗi nạn nhân. Những phụ nữ bị Hayut thu hút trên Tinder giờ đây bị không ít người chế giễu là "kẻ đào mỏ" vì "tham lam cái mác tỷ phú".
Ngược lại, sự trầm trọng hóa hành vi phạm tội của "nữ thừa kế giả mạo" Sorokin trong văn hóa đại chúng đã phủ bóng đen lên các nạn nhân của cô, những người gần như chưa bao giờ được đề cập.
|
Câu chuyện lừa đảo của Shimon Hayut và Anna Sorokin được đưa lên phim. Ảnh: Getty/The Independent.
|
Nạn nhân của lừa tình luôn bị chế giễu
Trước khi xuất hiện trên The Tinder Swindler, các nạn nhân của Hayut đã lường trước được dư luận trái chiều.
"Chúng tôi biết điều đó có thể đến. Nhưng theo cách hiểu của mọi người về 'kẻ đào mỏ', chúng tôi chắc hẳn là 'kẻ đào mỏ' tồi tệ nhất trong lịch sử", Cecilie Fjellhoy cho biết trong chương trình Lorraine (ITV).
Tiến sĩ Elisabeth Carter, nhà ngôn ngữ học pháp y, tội phạm học và trợ lý giáo sư tại Đại học Kingston ở London (Anh), nói rằng nạn nhân của lừa đảo tình ái thường phải chịu nhiều lời chỉ trích từ công chúng hơn các loại hình lừa đảo khác.
Điều này làm nảy sinh ý tưởng rằng các nạn nhân có "một mức độ đồng lõa nhất định" với những kẻ lừa tình.
"Bạn có thể bị lừa để cung cấp thông tin hoặc tiền bạc. Điều đó khiến những người lạ kể lại rằng bạn đã là một phần của trò lừa đảo và vì vậy đó là lỗi của bạn khi nhẹ dạ cả tin.
Nhưng lừa đảo trong chuyện tình cảm cũng giống như tất cả loại hình gian lận khác, đều liên quan đến mức độ chuẩn bị và thao túng. Nạn nhân đưa ra các quyết định trong một thực tế đã bị bóp méo đến mức chúng ta không thể đổ lỗi cho họ. Họ bị kiểm soát, gần như cưỡng chế để lựa chọn sai lầm", tiến sĩ nói.
|
Cecilie Fjellhoy đã bị Shimon Hayut lừa hơn 270.626 USD. Ảnh: Joshua Wilks/Netflix.
|
Những trò lừa đảo tình ái không chỉ gây tổn hại về tiền bạc mà còn khiến nạn nhân đặc biệt tổn thương khi mất đi một mối quan hệ mà họ tưởng là có thật.
Nghiên cứu mới từ UK Finance và chiến dịch Take Five to Stop Fraud của Hiệp hội Hẹn hò Trực tuyến cho thấy 38% những người đã hẹn hò trực tuyến trong năm qua được yêu cầu đưa tiền bởi đối tác chưa từng gặp mặt trực tiếp.
"Những kiểu lừa đảo này rất phổ biến và nghiêm trọng. Chúng có thể tồn tại lâu dài và tạo ra sự gắn kết nhất định. Ví dụ, một trong những nạn nhân của kẻ lừa đảo Tinder đã có mối quan hệ với Hayut trong 14 tháng".
Bà Carter so sánh những kiểu lừa tình này với bạo lực gia đình, nơi các nạn nhân thường "tự nhủ rằng mọi chuyện sẽ ổn" và cuối cùng bị mắc kẹt trong các mối quan hệ lạm dụng.
"Lừa đảo tình ái được thiết kế để lợi dụng lòng tin, tình yêu và sự trung thực của nạn nhân với mục đích cuối cùng là lừa tiền. Nhưng mọi người thường chỉ nhìn vào số tiền bị mất và không thấy những tổn thương tâm lý của người trong cuộc", tiến sĩ giải thích.