Những lời động viên "không đúng lúc" và sự tích cực độc hại đang vô tình trở thành gánh nặng tâm lý của nhiều người trẻ (Ảnh minh họa)
Những lời động viên, sự tích cực, lạc quan luôn có một vị trí quan trọng trong cuộc sống của mỗi con người. Sự tích cực không phải lúc nào cũng tồn tại và càng không phải là liều thuốc cho mọi sự khó khăn trong cuộc sống. Đối với giới trẻ hiện đại, khi những lời động viên đang bị lạm dụng và đặt sai vị trí, chúng vô tình trở thành một sự tích cực độc hại đè nặng lên tâm lý lứa tuổi này.
Toxic positivity hay còn được gọi là sự tích cực độc hại là cụm từ dùng để ám chỉ một người phải giả vờ như đang vui vẻ, hạnh phúc và phớt lờ đi những cảm xúc tiêu cực, kìm nén nỗi buồn của bản thân.
Trong một số trường hợp, sự tích cực độc hại có thể là hành động do chính chúng ta tạo ra để thể hiện mọi chuyện vẫn đang ổn. Đôi khi, đó là áp lực hình thành bởi những lời "động viên" lạc quan, vui vẻ do những người xung quanh vô tình nói ra.
Mất việc nhiều tháng kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát tại Hà Nội, Nguyễn Quỳnh Mai (27 tuổi) cho biết, gia đình và bạn bè của Mai đã động viên cô rất nhiều. Họ nói rằng phải tích cực lên, sau cơn mưa trời sẽ sáng, mọi thứ sẽ sớm ổn định trở lại, nhanh chóng tìm được một công việc mới nếu tôi tập trung tìm việc…
Thêm vào đó, họ cũng nhắc rằng Mai rằng cô vẫn thật may mắn vì chồng còn có việc làm, sức khỏe cả hai đều tốt. Đó mới là điều quan trọng và Mai nên biết ơn những gì đang có, đừng quá quan tâm đến những gì vừa mất.
Thay vì chọn cách lạc quan trước mọi tình huống, chúng ta hoàn toàn có thể chọn sống thật với cảm xúc để có thể nhìn nhận mọi thứ bao quát hơn và dễ dàng tìm ra lối thoát cho những vấn đề của mình (Ảnh minh họa)
“Mọi người luôn cố gắng giúp mình cảm thấy khá hơn. Mình thực sự rất biết ơn họ, biết ơn những gì mình đang có. Điều này không có nghĩa rằng mình thấy dễ chịu hơn sau những lời động viên, an ủi đó.
Bị sa thải đối với mình là một điều vô cùng kinh khủng. Nó lại càng khó khăn hơn khi dịch bệnh đang hoành hành khắp nơi như thế này. Tìm công việc mới lúc này không hề dễ dàng. Mình lo lắng, bất an và cảm thấy chẳng có suy nghĩ tích cực và lạc quan nào sẽ thay đổi được tình hình này cả”, Quỳnh Mai nói.
Giống như Quỳnh Mai, Vũ Hùng (25 tuổi) cũng nhận được rất nhiều lời động viên, an ủi sau khi thua lỗ trong đầu tư và kinh doanh. Những điều đó lại đang khiến cho chàng trai trẻ cảm thấy nặng nề và mệt mỏi hơn.
“Mình vừa mất tất cả tiền tiết kiệm và một số tiền lớn vay mượn khi đầu tư vào tiền ảo. Ngày trước, khi tôi đầu tư được thì ai cũng chúc mừng rồi nhờ mình chỉ dạy, giúp đỡ. Đến khi mình thất bại, họ mặc dù cũng động viên nhưng khi mình cần giúp đỡ lại thì không ai nói gì.
Khoản vay của mình hiện tại khá lớn. Mình thực sự rất áp lực, lo lắng và đang nghĩ đến những điều tồi tệ. Mình không cảm thấy việc “suy nghĩ tích cực lên” hay “mọi chuyện sẽ ổn thôi” có thể thay đổi tình trạng của mình lúc này”, Vũ Hùng chia sẻ.
Sự quan tâm thật lòng bao giờ cũng tốt hơn những lời động viên vô thưởng vô phạt (Ảnh minh họa)
Quỳnh Mai hay Vũ Hùng không phải là những “nạn nhân” đầu tiên của những lời động viên “không đúng lúc” và sự tích cực độc hại. Áp lực phải thành công khiến nhiều người trẻ, nếu không muốn nói là hầu hết giới trẻ cảm thấy rằng mình chưa đủ giỏi. Từ đó, họ sợ bị người khác đánh giá mình thất bại, sợ rằng người khác không thật lòng cảm thông và chìm đắm trong chính áp lực do bản thân tự tạo ra.
Chuyên gia tâm lý Phạm Thảo Nguyên cho biết, để giới trẻ không còn áp lực về những lời “động viên” hay sự tích cực độc hại, đầu tiên hãy thay đổi cách chúng ta nghĩ về những cảm xúc tiêu cực.
“Học cách chia sẻ những cảm xúc thật của mình với những người tin tưởng, kể cả khi điều đó khiến bạn cảm thấy yếu đuối, hạn chế theo dõi các thông điệp tích cực một cách sáo rỗng trên mạng xã hội; Ngừng so sánh cuộc sống của mình với người khác hay nhận rằng sẽ có những ngày bạn cảm thấy thật tệ là điều mà bạn trẻ có thể làm ngay lúc này để chống lại sự tích cực độc hại”, chuyên gia chia sẻ.
Để không còn cảm thấy áp lực về những lời “động viên” hay sự tích cực độc hại, đầu tiên hãy thay đổi cách chúng ta nghĩ về những cảm xúc tiêu cực (Ảnh minh họa)
“Con người chúng ta luôn có những trải nghiệm và các trạng thái cảm xúc khác nhau. Đau buồn, khóc lóc, hay gào thét vì tổn thương là điều vô cùng bình thường. Vậy nên, thay vì chọn cách lạc quan trước mọi tình huống, chúng ta hoàn toàn có thể chọn sống thật với cảm xúc để có thể nhìn nhận mọi thứ bao quát hơn, đồng thời dễ dàng tìm ra lối thoát cho những vấn đề của mình.
Tương tự như thế, khi một ai đó chúng ta quen biết gặp vấn đề, thay vì dành những lời động viên sáo rỗng, chúng ta hoàn toàn có thể nói ra những lời thể hiện mình vẫn đang lắng nghe, quan tâm đến họ. Sự quan tâm thật lòng bao giờ cũng tốt hơn những lời động viên vô thưởng vô phạt”, chuyên gia tâm lý Phạm Thảo Nguyên nhắn nhủ.