Lý do vì sao cổ phục Việt bỗng được giới trẻ chú ý, một phần phải kể đến hiệu ứng từ những bộ phim cổ trang Việt Nam hay những MV lấy bối cảnh lịch sử Việt Nam. Những sản phẩm này được đầu tư chỉn chu về cả nội dung lẫn hình ảnh, tinh tế lồng ghép những yếu tố văn hoá và lịch sử dân tộc nên nhận được nhiều sự theo dõi cùng những phản hồi tích cực từ khán giả.
Bên cạnh đó, mạng xã hội cũng là nơi góp phần mang hình ảnh cổ phục Việt đến với đông đảo bạn trẻ. Trên Facebook, nhiều hội nhóm về cổ phục Việt có số lượng thành viên lên đến hơn trăm nghìn người. Nhiều bài viết về cổ phục, về văn hoá Việt Nam cũng được lan toả rộng rãi. Phạm Khánh Linh (học sinh trường THPT Trung Giáp, Phú Thọ) chia sẻ: "Khoảng hai năm trước, mình vô tình đọc được một bài viết về cuộc đời của Nam Phương Hoàng Hậu trên Facebook và rất ấn tượng. Sau đó mình bắt đầu tìm hiểu sâu về bà rồi vô tình tìm hiểu luôn về cổ phục Việt, càng tìm hiểu thì càng say mê và theo đuổi cho đến bây giờ".
|
Khánh Linh xinh đẹp trong bộ Nhật Bình.
|
Tìm hiểu về cổ phục Việt, các bạn trẻ không chỉ nhận được những giá trị về thẩm mỹ, về thời trang mà còn đúc kết được nhiều thứ về tinh hoa văn hoá Việt Nam, hơn nữa là những thăng trầm của lịch sử dân tộc. "Trước khi tìm hiểu về văn hoá nước khác, mình phải hiểu sâu về văn hoá nước mình đã. Theo mình, mỗi một bộ cổ phục như một dấu ấn riêng của mỗi triều đại, càng tìm hiểu sâu về những bộ cổ phục và quá trình phát triển của nó, mình càng biết nhiều hơn về lịch sử dân tộc, biết thêm nhiều thứ mà mình chưa học được ở trường, biết yêu hơn những giá trị truyền thống và tự hào thêm về dân tộc", bạn Nguyễn Ngọc Hoài An (khoa Báo chí và Truyền thông, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) bộc bạch.
|
Nguyễn Ngọc Hoài An trong bộ áo dài cổ điểm.
|
Ngoài việc nghiên cứu và trao đổi trên các hội nhóm, diễn đàn; các bạn trẻ còn đưa cổ phục vào những bài nghiên cứu, học tập và trình bày chúng trên lớp. Lê Phương Nghĩa (trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) chia sẻ: "Trong môn Cơ sở văn hóa Việt Nam, nhóm mình đã thống nhất chọn Nhật Bình làm đề tài nghiên cứu. Theo nhóm mình, "trang phục" cũng là một loại "văn hoá" cần được gìn giữ. Trong thời đại truyền thông đang rất phát triển, cổ phục của nước ta tuy được rất nhiều bạn trẻ quan tâm nhưng lại hay bị nhầm lẫn với trang phục của Trung Quốc vì những đặc điểm tương đồng. Vậy nên nhóm mình quyết định chọn Nhật Bình làm đề tài nghiên cứu với mong muốn góp một phần công sức vào việc gìn giữ những giá trị tinh hoa của văn hóa Việt Nam".
|
Ngày càng có nhiều hội nhóm các bạn trẻ yêu thích cổ phục Việt.
|
Bên cạnh việc nghiên cứu về dòng phát triển của cổ phục, việc chọn và mặc cổ phục cũng rất được các bạn trẻ quan tâm. Đối với các bạn, việc mặc cổ phục đã không chỉ còn là một trào lưu mà chính là niềm đam mê to lớn. "Cổ phục Việt Nam tuy cũ nhưng không hề lỗi thời, cảm nhận của mình khi mặc cổ phục là thấy nó rất thời trang. Hơn nữa một bộ cổ phục đều chứa những giá trị thẩm mỹ và những giá trị văn hóa riêng", Kay Trịnh - một designer trẻ chia sẻ.
|
Kay Trịnh mặc áo ngũ thân tay chẽn cùng phụ kiện xà tích.
|
Qua những hình ảnh được đăng tải ở các hội nhóm, có thể thấy rất rõ niềm hạnh phúc và tự hào trên gương mặt của những bạn trẻ khi được mặc cổ phục; mỗi một bộ cổ phục là một xúc cảm khác nhau. Tuy mỗi xúc cảm tươi trẻ ấy không trùng lặp, nhưng đều rất tinh khôi. Chính niềm yêu thích với cổ phục của các bạn trẻ đang lan tỏa những giá trị đẹp trong văn hoá của dân tộc Việt Nam.