|
Trải nghiệm hành trình xuyên Việt về quê ăn Tết giảng viên đại học U80 cùng cô con gái U40. |
Hành Trình Minh & Ping xây dựng trải nghiệm chuyến đi về Hà Nội ăn Tết của giảng viên đại học U80 cùng cô con gái U40 và 1 chú mèo lệch hàm, cùng nhau lái xe xuyên Việt, thưởng thức cảnh đẹp Việt Nam, uống trà, tâm sự.
Đây là một dự án được thực hiện bởi bạn Nguyễn Vũ Quỳnh Châu (Châu Châu) với mong muốn truyền cảm hứng cho giới trẻ quan tâm và gần gũi hơn với gia đình, với những người thân yêu của mình, đặc biệt là những người lớn tuổi.
|
Các nhân vật sẽ trải qua nhiều khoảnh khắc đáng nhớ. |
Trong chặng hành trình xuyên suốt mảnh đất Việt Nam hình chữ S, 3 nhân vật lần lượt lộ diện. Đầu tiên là bà Vũ Thúy Minh (73 tuổi), hiện đang là giảng viên Mỹ Học - trưởng khoa Văn Hoá Đại Cương, Đại Học Văn Hoá TP Hồ Chí Minh.
Trong chuyến đi này, nhiệm vụ của bà sẽ là thưởng thức cảnh đẹp, uống trà và tâm sự. Đây sẽ là nhân vật mang đến nhiều câu chuyện và lời khuyên bổ ích cho người xem xuyên suốt chặng đường.
|
Hình ảnh 2 nhân vật chính tham gia hành trình vượt vượt 1.590 km về quê ăn Tết. |
Tiếp đến là Ping, 1 chú mèo không may bị bệnh lệch hàm thái dương TMJ từ năm 1 tuổi. Ping không ăn hạt hay pate (ba tê) được như những con mèo bình thường khác. Mỗi bữa đều phải xay pate thành nước loãng cho Ping liếm, ngày ăn 4 bữa.
Cuối cùng, nhân vật thứ 3 là Nguyễn Vũ Quỳnh Châu (37 tuổi), Châu là người sẽ chịu trách nhiệm lái xe trên suốt chặng đường từ Nam ra Bắc cho bà Minh và Ping.
Bên cạnh những nhân vật chính, hành trình về quê còn có sự xuất hiện của loạt nghệ sĩ nổi tiếng như ca sĩ Hà Lê, Phạm Quỳnh Anh, Đông Nhi, Trang Pháp, Nguyễn Trần Trung Quân… Những khách mời này sẽ lần lượt xuất hiện trong suốt chặng hành trình của bà Minh và Ping.
Ba nhân vật sẽ bắt đầu chuyến đi từ ngày 5/1/2023 tại Hồ Con Rùa (TP HCM) và kết thúc tại Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Dự án Hành Trình Minh & Ping không chỉ đơn thuần là một chuyến đi xuyên Việt, một cuộc du Xuân chóng vánh mà còn muốn lan toả những thông điệp ý nghĩa. Mỗi con người khi lớn lên, có người ra đi, có kẻ ở lại, nhưng dù đi đâu, làm gì thì khi chùn chân mỏi gối ta cũng sẽ đều hướng về chốn bình yên vẫn luôn có những người yêu thương ngóng chờ. Nơi ấy gọi tắt bằng 2 chữ “Gia Đình”.