|
Sông Trà Khúc phát nguồn từ núi Đắc Tơ Rôn với đỉnh cao 2.350 m |
|
Từ lâu, dòng sông Trà Khúc xinh đẹp đã thành biểu tượng của Quảng Ngãi. |
Sông Trà Khúc phát nguồn từ núi Đắc Tơ Rôn với đỉnh cao 2.350 m, rồi hợp nước của bốn con sông lớn là sông Re, sông Xà Lò (Đắk Xà Lò), sông Rinh (Drinh), sông Tang (Ong). Sông từ đó chảy theo hướng Đông qua ranh giới các huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, thành phố Quảng Ngãi và đổ ra cửa Đại. Điểm nhấn của dòng sông là khi về đến địa phận TP Quảng Ngãi có ngọn núi Thiên Ấn uy nghi bên bờ.
Từ lâu, dòng sông Trà Khúc xinh đẹp đã thành biểu tượng của Quảng Ngãi. Người dân xứ Quảng làm ăn, học tập xa quê thường xuyên nhớ về hình ảnh quê hương núi Ấn sông Trà.
|
Lưu vực và cận lưu vực sông Trà Khúc là nơi tụ hội nhiều cảnh quan thiên nhiên và nhân tạo khá tiêu biểu của Quảng Ngãi. |
“Thiên Ấn Niêm Hà” (quả ấn của trời đóng niêm xuống dòng sông Trà Khúc). mang biểu tượng chiếc ấn trời soi bóng xuống dòng s in sâu vào tâm thức người Quảng Ngãi, được mệnh danh đệ nhất danh lam thắng cảnh của vùng đất nơi đây.
Lưu vực và cận lưu vực sông Trà Khúc là nơi tụ hội nhiều cảnh quan thiên nhiên và nhân tạo khá tiêu biểu của Quảng Ngãi. Trong số 12 cảnh quan thiên nhiên được người xưa gọi là “kỳ thú” của Quảng Ngãi (Quảng Ngãi thập nhị cảnh) có bốn thắng cảnh nằm ven sông Trà Khúc: Thiên Ấn niêm hà, Long Đầu hý thủy, Cổ Lũy cô thôn, Hà Nhai vãn độ… Đứng trên đỉnh núi Thiên Ấn, du khách có thể chiêm ngưỡng nhiều thắng cảnh đẹp như: Thiên Bút phê vân, Thạch Bích tà dương, An Hải sa bàn, Thạch Ky điếu tẩu.
|
Núi Thiên Ấn và sông Trà Khúc hợp thành cặp biểu tượng sơn thủy thiêng liêng trong tâm thức người Quảng Ngãi. |
Núi Thiên Ấn và sông Trà Khúc hợp thành cặp biểu tượng sơn thủy thiêng liêng trong tâm thức người Quảng Ngãi.. Ngôi chùa cổ trên núi Thiên Ấn gắn với giai thoại chuông thần, giếng phật từ lâu nổi tiếng là điểm đến du lịch tâm linh “đệ nhất thắng cảnh” ở Quảng Ngãi.
Năm 1990 núi Thiên Ấn - mộ cụ Huỳnh đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia. Năm 1946, thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng được giao nhiệm vụ giữ quyền Chủ tịch nước. Nổi tiếng với tài năng, đức độ và lòng yêu nước, người dân Việt Nam thường nhắc đến ông với một tên gọi gần gũi: Cụ Huỳnh. Cả đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, giàu sang phú quý. Cụ chỉ cần phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập.
|
Cửa Cổ Lũy hay cửa Đại Cổ Lũy, nơi sông Trà và một nhánh sông Vệ đổ về. |
Núi Ấn, sông Trà đã in đậm hình bóng quê hương trong lòng người dân Quảng Ngãi:
Bao giờ Thiên Ấn hết tranh
Sông Trà hết nước, anh đành xa em...
Trong 12 cảnh đẹp của Quảng Ngãi, Long Đầu Hí Thuỷ được xếp thứ 2 chỉ sau thắng cảnh Thiên Ấn Niêm Hà.
Núi Long Đầu, chùa Thiên Ấn, sông Trà Khúc đã gắn liền với nhau trong nhiều câu ca lời hát dân gian, tuy mộc mạc nhưng chân thành, sâu lắng, thấm đẫm tình cảm đối với đất nước, non sông.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Quảng Ngãi, khoảng thế kỷ XV, vùng đất Quảng Ngãi từng được gọi là vùng Cổ Lũy Động. Bây giờ, Cổ Lũy chỉ còn là tên gọi cho một cửa biển:
Cửa Cổ Lũy hay cửa Đại Cổ Lũy, nơi sông Trà và một nhánh sông Vệ đổ về. Người dân Quảng Ngãi còn lưu truyền câu ca: "Ai về Cổ Lũy xóm Câu/Nhớ mua đôi chiếu đón dâu về làng", chính là nói về làng Cổ Lũy này.
|
Cuối dòng sông Trà Khúc là Cửa Đại, đây là một trong 5 cửa biển nổi tiếng gắn với không gian văn hóa, lịch sử giao thương lâu đời ở địa phương. |
Còn Cổ Lũy Nam là hình bóng của một làng chài cô quạnh mà Nguyễn Cư Trinh - Tuần vũ Quảng Ngãi vào năm 1750, làm một bài vịnh: Cổ Lũy cô thôn. Đây là một trong 10 thắng cảnh mà Nguyễn Cư Trinh ca ngợi (Cẩm thành thập cảnh); người đời sau thêm vào hai cảnh nữa, thành Cẩm thành thập nhị.
Cuối dòng sông Trà Khúc là Cửa Đại, đây là một trong 5 cửa biển nổi tiếng gắn với không gian văn hóa, lịch sử giao thương lâu đời ở địa phương.
Năm 1998, các chuyên gia từng khai quật khảo cổ ở phía đông núi Phú Thọ gần cửa Đại. Kết quả khai quật có nhiều loại hình đồ trang sức, gốm đất nung, đầu ngói trang trí mặt hề... thuộc giai đoạn sớm văn hóa Chămpa.
"Điều này chứng tỏ vùng đất Cửa Đại thuở xa xưa từng là trung tâm văn hóa, chính trị - xã hội gắn với con đường giao thương trên biển. Do vậy cầu bắc qua sông giáp với cửa biển nên đặt tên Cửa Đại gắn liền với tâm thức người dân, lịch sử văn hóa lâu đời của vùng đất nơi đây", tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó giám đốc Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi nói.
Vùng đất Quảng Ngãi nổi danh với những cây cầu bắc qua sông Trà Khúc như cầu Trà Khúc 1, cầu Trà Khúc 2, cầu Cổ Lũy, cầu Thạch Bích, cầu Trường Xuân… Khác biệt với một số cây cầu bắc ngang sông Trà Khúc, cầu Trường Xuân được sử dụng để đón các đoàn tàu lửa ra vào Bắc – Nam. Là cầu đường sắt bắc qua sông Trà Khúc năm 1976, cầu Trường Xuân dài 550m, đầu phía Nam thuộc thành phố Quảng Ngãi, đầu phía Bắc thuộc xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh.
Cây cầu sở hữu nét đẹp cổ xưa thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, chụp ảnh. Sông Trà Khúc, con sông thương nhớ của người dân xứ Quảng, con sông chứa trở nhiều phù sa, cung cấp nước ngọt sinh hoạt, sản xuất cho người dân địa phương.
Trải qua bao mùa mưa lũ, giữa dòng ng Trà hình thành nên nhiều bãi bồi màu mỡ phù sa mở ra cơ hội cho người dân trồng rau, hoa màu xanh tốt. Mỗi buổi chiều về, những nhóm trẻ ra sông vui đùa bơi lội thỏa thích hoặc những người dân thả lưới đánh bắt cá tạo nên bức tranh quê mộc mạc, thanh bình.
Mỗi khi thủy triều rút xuống, sông Trà Khúc lộ thiên một số cồn cát giữa dòng có muôn hình kỳ thú, trong đó có một cồn cát giống hệt hình trái tim mê hoặc du khách.
Thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho sông Trà Khúc những sản vật mang hương vị đậm đà quê hương. Qua đôi bàn tay khéo tay, chăm chút của người dân nơi đây, những con bống, con don, thài bai... đã trở thành món ăn thơm ngon làm say long du khách. Để rồi những món ăn mang hương vị đậm đà của quê hương đã trở thành một phần ký ức không dễ gì quên được trong tâm thức của người con xa xứ.
Theo người dân địa phương, sống trên cùng dòng sông Trà Khúc nhưng con hến thì sống ở trên cạn, tầng nước ngọt nên chỉ cần dùng “nhủi" làm bằng mành tre xúc tới là được. Trong khi đó, con don ở tầng nước lợ, lại nằm vùi trong cát ở mực nước sâu hơn nên phải đi giật lùi mới cào được.
Hến và don lớn hơn đầu que đũa nhưng hến thì có hình rẽ quạt, còn don giống hình hột xoài. Don có giá hơn hến vì nó nổi tiếng là loài thủy sản sạch nhất dòng sông Trà. Don thuộc họ nhuyễn thể hai mảnh, vỏ nửa đen nửa vàng nhạt, hình quả trám, to bằng đầu đũa. Loại này vỏ thường mỏng hơn các loài ốc, hai mảnh vỏ chụm vào nhau, vỏ phía trên mỏng hơn phần dưới bụng. Sau khi cào, nhủi, người dân đổ don, hến vào rổ sàng lọc bùn, cát, sạn ngay trên sông. hờ có thu nhập ổn định nên nghề này dù cực khổ vẫn được truyền qua nhiều thế hệ, giúp sản vật của quê hương Quảng Ngãi đến với nhiều vùng, miền trong cả nước.
Người dân Quảng Ngãi xem don, hến là món ăn dân dã nhưng ngon miệng và giàu chất bổ dưỡng. Đầu năm 2013, Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận don sông Trà là một trong 4 sản vật Quảng Ngãi vào các danh sách đặc sản nổi tiếng Việt Nam. Trong đó, cá bống sông Trà và món don nằm trong số 50 món đặc sản nổi tiếng Việt Nam.
Người Quảng Ngãi dù đi tận đâu với tháng rộng năm dài thế nào, cũng không dễ gì quên được những món ăn gắn liền với sản vật trên sông Trà Khúc là don, cá bống, cá thài bai.... Chính vì hương vị khó lẫn vào đâu được ấy mà người Quảng Ngãi mới có câu truyền miệng: “Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ con cá bống sông Trà kho tiêu”…