"Mình không mua đồ local brand Việt, nhìn giá đó đi săn sale thương hiệu nước ngoài tốt hơn", "Áo thun in hình lạ thôi cũng 500.000 đồng", "Brand Việt nhưng giá Mỹ", "Một mẫu váy đổi vải, khác hoạ tiết và giá tăng lên 3-4 triệu đồng"... là những bình luận phổ biến về giá cả của local brand (thương hiệu nội địa) thời gian gần đây.
Nhìn chung, nhiều người cho rằng tình trạng "ảo giá" đang phổ biến ở các thương hiệu trong nước. Dù vậy, không ít bạn trẻ sẵn sàng chi trả tiền triệu cho những món đồ này.
Thực trạng "ảo giá"
Local brand bắt đầu phổ biến tại Việt Nam 3-4 năm trước. Thời gian đó, các bạn trẻ gen Z không ngại trả 3-5 triệu đồng cho một ngày mua sắm ở The New District - hội chợ quy tụ hàng trăm local brand trên khắp cả nước.
|
Minh Lý sẵn sàng chi tiền triệu để mua sắm tại hội chợ The New District. Ảnh: NVCC.
|
Chia sẻ với Zing, Minh Lý (23 tuổi, Hà Nội) cho biết cô thường xuyên chi tiền, mua đồ local brand tại hội chợ trong khoảng thời gian trên.
"Có những sản phẩm nhìn hình trông khá bắt mắt nhưng khi thử, chất liệu, mẫu mã lại không phù hợp với tôi. Tuy nhiên, vẫn có nhiều thương hiệu ra mắt các thiết kế đáng đồng tiền bát gạo", cô nói.
Hiện nay, không khó để bắt gặp các thương hiệu Việt tự lên ý tưởng, sản xuất và quảng cáo phân phối các mẫu áo khoác, T-shirt, bomber độc lạ, có mức giá giao động từ 400.000 đến 2 triệu đồng, bao gồm HNBMG, Bad Habit, Dirty Coins, Colkids Club…
Còn thời trang nữ, những cái tên quen thuộc như Floral Punk, Dear Jose, Tí Ngoan Store, So Young… nổi bật với những mẫu đầm, chân váy, blazer, croptop và có giá từ 1-3 triệu đồng.
Liệu với mức giá trên, đồ local brand Việt có xứng đáng để người tiêu dùng chọn mua hay không?
Giá cả có đi đôi với chất lượng?
Biết đến thị trường local brand từ lâu, Khánh Vy (23 tuổi, Hà Nội) cảm thấy ấn tượng khi đi qua các cửa hàng được đầu tư về mặt bằng và trang trí bắt mắt. Không chỉ vậy, dưới sự tác động của bạn bè, người yêu - những tín đồ thời trang yêu thích local brand, cô bắt đầu quan tâm, mua sắm nhiều món đồ hơn.
|
Khánh Vy thích quy trình chăm sóc khách hàng của các thương hiệu Việt. Ảnh: NVCC.
|
Vy nhận thấy sự khác biệt mình nhận được khi mua đồ local brand so với các thương hiệu lớn là cách gói hàng chỉn chu.
Các thương hiệu thường để đồ trong hộp, kèm giấy thơm, card cảm ơn… giúp mang lại trải nghiệm tốt cho khách hàng. Khi mua hàng, cô cảm thấy mình đang mua một món quà và trân trọng sản phẩm hơn.
Ngoài ra, Vy cho biết ngày nay có nhiều local brand mới, họ thiết kế các sản phẩm phù hợp với túi tiền. Khi bỏ ra khoảng 400.000 đồng, cô đã sở hữu một món đồ chất lượng, được đầu tư kỹ lưỡng về thiết kế, chất vải và đường may.
Theo cô, với mức giá trên, người tiêu dùng khi mua sắm tại các thương hiệu nước ngoài thường không có nhiều lựa chọn, còn hàng Quảng Châu mang sự đại trà, chất liệu cùng cách may bất ổn.
Giống với Vy, Phương Thảo (23 tuổi, Hà Nội) thích sắm đồ local brand và sở hữu số lượng lớn quần áo của các thương hiệu trong nước.
|
Phương Thảo thích đồ local brand vì sản phẩm chất lượng. Ảnh: NVCC. |
Với mức giá 400.000 đồng trở lên, cô vẫn ưu tiên chọn mua hàng Việt vì local brand có chất riêng trong từng mẫu mã, hợp xu hướng người tiêu dùng.
Không chỉ vậy, cô thích mua đồ local brand vì các thương hiệu thường mở trong ngõ ngách nhỏ hay mặt đường. Nhiều cửa hàng gần nhà giúp cô tiện di chuyển.
Thảo cảm thấy việc mua sắm các thương hiệu nước ngoài khá bất tiện. Bởi hãng ít mẫu mã đa dạng, không có nhiều cơ sở để đến thử tận nơi, thông thường chỉ có ở trung tâm thương mại của các thành phố lớn.
Lý giải về mức giá cao
Chia sẻ với Zing, Hiền Nhi (26 tuổi, TP.HCM), blogger thời trang có nhiều năm kinh nghiệm tìm hiểu về lĩnh vực này, cho biết giá cả của local brand hiện nay khá cao nếu so với thu nhập trung bình người Việt.
Nhi tiết lộ rằng mình mới mua đồ local brand một năm qua nhưng phải cân nhắc rất kỹ trước mức giá đắt đỏ. Tiêu chí để cô đánh giá local brand Việt bán giá cao là liên quan đến khâu sản xuất và cách đầu tư kinh doanh.
|
Hiền Nhi nhận thấy tầm giá của local brand Việt khá cao. Ảnh: NVCC.
|
"Do họ không tìm ra được nhà cung ứng chất liệu rẻ hơn. Local brand Việt thường sản xuất những thiết kế giới hạn về số lượng nên mức giá cao", cô nói.
Khi so sánh với thương hiệu toàn cầu, đặc biệt là fast fashion (thời trang nhanh), Nhi bày tỏ về chuyện họ có thể sản xuất hàng trăm nghìn mẫu, cùng nguồn nhân công ở các nước nhỏ nên giá sẽ thấp hơn.
Ngoài ra, blogger cho biết local brand Việt thường khẳng định giá trị thương hiệu khác biệt: "Họ không phải là fast fashion. Họ có những thiết kế đặc trưng, giá trị thương hiệu đặc thù, mang tính cá nhân hoá. Vậy nên, local brand có quyền nâng tầm giá cao để phù hợp với cái tôi riêng, không giống những thương hiệu toàn cầu khác".