|
Thu Uyên hiện là sinh viên ĐH Kiến trúc đồng thời theo đuổi công việc họa sĩ truyện tranh.
|
Tại sự kiện ra mắt bộ truyện tranh kỳ ảo Bí ẩn Ozon diễn ra cuối tháng 12/2023, nhiều khán giả bất ngờ khi ở phần cuối chương trình, một cô gái rất trẻ xuất hiện trên sân khấu với tư cách thành viên đội ngũ họa sĩ.
Cô được giao thử thách trong 3 phút vẽ chân chung 2 nhân vật chính của bộ truyện. Cũng bất ngờ vì được gọi tên, nữ họa sĩ có chút lo lắng và chưa định hình được sẽ vẽ như thế nào bởi phần lớn thời gian cô làm việc ở trên máy tính, ít khi vẽ giấy. Tuy nhiên nhờ sự cổ vũ của khán giả, cô đã hoàn thành phần thử thách, ký tên và tặng lại cho một độc giả may mắn tại sự kiện. Cuối chương trình, cô cùng một họa sĩ khác nán lại ký tặng truyện cho độc giả.
Đó là Phùng Thu Uyên (23 tuổi), sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội, đang theo đuổi con đường làm họa sĩ truyện tranh. Bí ẩn Ozon cũng là dự án truyện đầu tiên cô được tham gia.
"Sự kiện hôm đó cũng là lần đầu tiên tôi ký tặng độc giả với tư cách họa sĩ truyện, không ngờ bản thân lại được đón nhận nhiều đến vậy dù không phải họa sĩ chính bộ truyện. Tôi rất bất ngờ và xúc động", Thu Uyên chia sẻ với Tri thức - Znews.
Cơ duyên trở thành họa sĩ truyện tranh
Thu Uyên chỉ mới bén duyên với nghề họa sĩ truyện tranh 2 năm nay. Từ một sinh viên theo ngành kiến trúc, nhưng với đam mê vẽ và sáng tạo, cô nhận ra bản thân thực sự yêu thích và mong muốn được phát triển bản thân trong ngành này. Đọc truyện tranh cũng là một trong những sở thích theo cô từ thời thơ ấu.
"Thực ra có thể nói cơ duyên hợp tác với Taqua Group thực hiện bộ truyện giống như một cú hích để tôi quyết tâm theo đuổi công việc này", Uyên nói.
Họa sĩ sinh năm 2001 giải thích ban đầu, cô đến ứng tuyển vị trí trợ lý cho kiến trúc sư Đào Tuấn Anh - đồng tác giả bộ truyện.
Khi đó, kiến trúc sư Tuấn Anh và bình luận viên thể thao Anh Quân đang cùng nhau xây dựng dự án Bí ẩn Ozon. Phát hiện năng khiếu vẽ của Thu Uyên, nhóm tác giả ngỏ ý mời cô hợp tác với vai trò thành viên đội ngũ họa sĩ.
"Đó là một cơ hội may mắn, cũng như cái duyên để tôi được thể hiện khả năng của mình và xác định được điều muốn theo đuổi", Uyên nói.
Với cô, việc sáng tác truyện tranh cũng giống như một cách để thoả mãn sức sáng tạo của bản thân, đưa ra quan điểm và cái tôi của mình đối với truyện cá nhân. Bên cạnh đó, tác giả có thể mang lại rất nhiều giá trị, bài học qua những hình ảnh, câu thoại gửi gắm tới độc giả.
Ấp ủ bộ truyện riêng
Chia sẻ về công việc, Thu Uyên cho biết các họa sĩ truyện tranh hiện nay thường chia nhỏ công đoạn ra làm. Ban đầu chưa quen, chưa có kinh nghiệm, "tân binh" trong nhóm như cô sẽ được phân nhiệm vụ hoàn chỉnh các đường nét (line), lên sáng tối, sắc độ (tone).
|
Họa sĩ trẻ ấp ủ bộ truyện riêng trong tương lai.
|
Khi dần cứng tay, thành viên có thể được giao tới công đoạn như từ thực hiện trình tự sự việc xuất hiện (story board) đến mô tả rõ hơn trong một trang, nhân vật nào sẽ mang trạng thái, sắc mặt như thế nào, nói thoại gì (name); hay đi rõ hơn vào các chi tiết (sketch), rồi hoàn thiện truyện. Đó là các thứ tự để hoàn thành một trang truyện hoàn chỉnh.
"Với dự án vừa qua, họa sĩ chính sau khi sketch một trang, tôi sẽ là người hoàn thành các công việc còn lại như vẽ background, line nét và làm tone".
So với những tên tuổi đàn anh khác trong ngành, Thu Uyên tự nhận tuổi nghề của bản thân vẫn còn quá non nớt và cơ hội được làm việc chung với các họa sĩ có kinh nghiệm là cơ hội để cô nâng cao kỹ năng. Hiện, cô cố gắng hoàn thiện nét vẽ, sau đó định hình phong cách truyện tranh cho bản thân, đặt mục tiêu trong tương lai có bộ truyện của riêng mình.
"Khó khăn lớn nhất của tôi đó chính là sự kiên trì, vì để hoàn thiện một bộ truyện không hề dễ dàng chút nào. Nó cần thời gian và kinh nghiệm".
Là một họa sĩ trẻ, Thu Uyên nhận xét ngành nghề cô đang theo đuổi cũng đã có nhiều thay đổi trong thời gian qua. Theo đó, họa sĩ trước đây vẽ truyện thôi chưa đủ, còn phải tìm cách để truyện được xuất bản thì mới khẳng định được tên tuổi bản thân.
Với thời đại phát triển như hiện nay, các họa sĩ có nhiều con đường khác để độc giả có thể tiếp cận một cách nhanh nhất tác phẩm của mình, ví dụ qua online.
"Và truyện tranh ngày nay cũng được ứng dụng vào rất nhiều ngành nghề khác. Vì vậy nên nó vẫn đang và không ngừng phát triển, việc 'kiếm ra tiền' cũng trở nên thuận lợi hơn đôi chút", cô bày tỏ.