Năm nay là lần đầu tiên chị Mai Nữ Ngọc Quyền (29 tuổi, Ninh Thuận) đón Tết xa nhà. Ở lại homestay do mình gây dựng tại Đà Lạt, chị tranh thủ trang trí nhà cửa sớm từ 20-22 tháng Chạp.
Ngày 27-29/12 âm lịch, chị Quyền chuẩn bị món ăn truyền thống mời những vị khách ở lại đây ăn Tết và nhân viên để tạo không khí ấm cúng, vơi đi nỗi nhớ nhà.
“Năm nay có vài bạn trẻ muốn thay đổi không khí ăn Tết ở nơi xa nên homestay mình chào đón họ. Một năm đón Tết xa nhà vì công việc, thương ba mẹ không có con cái bên cạnh cũng buồn. Nhưng qua dịp này mình về lâu, ngày nào đoàn viên thì đó chính là Tết”, chị nói với Zing.
|
Chị Ngọc Quyền xây dựng homestay trên mảnh đất 4.000 m2 ở Đà Lạt.
|
Bỏ phố về rừng
Tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh ở TP.HCM, chị Quyền làm việc trong mảng đào tạo và tuyển dụng nhân sự. Công việc ổn định, mức lương khá nhưng chị dần mất đi hứng thú và không tìm thấy niềm vui trong các mối quan hệ xung quanh.
Bên cạnh đó, sự nóng bức, ngột ngạt và khói bụi nơi phố thị cũng khiến chị Quyền mệt mỏi. Sau vài chuyến đi đến Đà Lạt, chị mơ về cuộc sống thảnh thơi, gần gũi với thiên nhiên.
Năm 2019, chị Quyền rời TP.HCM lên Đà Lạt với toàn bộ số tiền tích lũy được trong 4 năm đi làm. Chị ấp ủ dự định xây homestay riêng.
Để học hỏi kinh nghiệm và trau dồi kỹ năng dịch vụ, chị Quyền xin làm nhân viên tại homestay. Từ quét dọn, lau chùi đến trồng rau, nấu ăn, chị không ngại việc gì.
Sau đó, chị Quyền quyết định đầu tư vào quán trà vì số tiền vốn 200 triệu đồng chưa đủ để mở homestay. Khi kinh doanh ổn, chị sang nhượng quán, vay thêm chị gái để mở homestay với chi phí 700 triệu đồng.
Một thời gian sau, chị Quyền tiếp tục sang nhượng bởi mục tiêu của chị là đầu tư vào dự án homestay riêng tư, xa trung tâm thành phố và có vườn rộng.
|
Chị Ngọc Quyền có ước mơ xây dựng homestay gần gũi với thiên nhiên.
|
Chị Quyền đặt mình vào vị trí khách hàng là người bận rộn, khi lên Đà Lạt chỉ muốn trải nghiệm không gian rộng rãi, cách xa phố thị ồn ào và bụi bặm.
“Ở nơi đất khách quê người, không có mối quan hệ, mình gặp nhiều khó khăn khi lập nghiệp. Đầu tiên, mình phải kêu gọi đầu tư để mở homestay vì không đủ vốn. Tiếp đó, mình tìm thuê khu đất ở cuối đường Vạn Thành - Tà Nùng. Ai cũng khuyên mình đừng mở homestay tại đây vì xa trung tâm, địa hình trắc trở. Nhưng mình hiểu nơi này phù hợp với mục tiêu xây dựng nhà nghỉ dưỡng, gần gũi thiên nhiên”, chị nhớ lại.
Không chỉ gặp khó về vấn đề điện, nước hay vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng, chị Quyền còn nhiều lần muốn bỏ cuộc vì thời tiết khắc nghiệt, có khi mưa rả rích hàng tháng trời.
Sau nhiều chật vật, khu homestay tự thiết kế từ nhà gỗ, mái lá trên mảnh đất 4.000 m2 cũng được hoàn thành. Mỗi góc đều được cô chủ trẻ bỏ công sức và tâm huyết chăm chút, một phần để tiết kiệm chi phí.
“Quá trình xây dựng homestay có chủ đất và chú thợ mộc hỗ trợ mình. Còn sửa chữa trong nhà thì có ba và cậu giúp chứ sức mình không thể làm được hết. Mình vừa đón khách, vừa dọn phòng kiêm luôn chăm sóc khách hàng. Đất nhiều nên mình còn trồng rau, phục vụ bữa ăn hàng ngày của mọi người trong nhà”, chị nói.
|
Vì chi phí hạn hẹp, chị Ngọc Quyền tự tay chăm chút cho từng góc nhỏ trong nhà.
|
Xoay xở trong dịch
Năm vừa qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chị Quyền phải cố gắng chống chọi với hơn 6 tháng ngừng kinh doanh, du lịch ngưng trệ.
Một lần nữa, chị nghĩ tới việc trở lại TP.HCM vì mất phương hướng, không có thu nhập mà vẫn phải trả tiền thuê nhà, điện, nước.
Tuy nhiên, nghĩ lại lý do bỏ phố về Đà Lạt hiện thực hóa ước mơ, chị Quyền quyết định kêu gọi đầu tư cứu homestay. Chị lập kế hoạch phát triển, chiến lược lâu dài, trình bày rõ khả năng thu hồi vốn. Nghe xong, chủ nhà không chỉ hỗ trợ mà còn sẵn lòng đầu tư, đồng hành cùng chị.
“Sau 3 năm bỏ phố về rừng, mình vẫn rất yêu Đà Lạt, đam mê công việc hiện tại và hài lòng với cuộc sống ở đây. Đến hôm nay, còn sức khoẻ và cả ý chí để tiếp tục làm việc là điều rất quý giá. Đổi lại một năm thăng trầm thì cái Tết vừa qua, ngành du lịch ở Đà Lạt nói chung và cả mình nói riêng đều gặt hái được nhiều nhờ sự ủng hộ của mọi người”, chị nói.
|
Năm nay là lần đầu tiên chị Ngọc Quyền đón Tết xa nhà vì công việc.
|
Sau vài năm, từ nhân viên văn phòng ở thành phố lên vùng núi tự tay gây dựng tất cả, chị Quyền thấy bản thân thay đổi cả về thể chất lẫn tinh thần. Theo chị, khi bản thân thích, những việc nặng nhọc, khó khăn chính là động lực, làm rồi mới biết khả năng của mình còn nhiều hơn có thể tưởng tượng.
“Ở Đà Lạt lâu không tránh khỏi việc da sạm đi rất nhiều. Lâu lâu gặp lại, bạn bè hay trêu mình là sao ở đây mà đen dữ vậy. Nhưng rồi cũng quen vì thời tiết và công việc đặc thù. Còn về sức khỏe, ngoài những bệnh cảm thông thường do khí hậu lạnh và thức khuya, mình thấy vẫn khỏe lắm. Chắc là do được sống và làm việc mình thích nên tinh thần luôn ổn định”, chị cười nói.
Thời gian tới, chị Quyền tiếp tục xây dựng quán cà phê nhỏ trong khuôn viên homestay để kịp đón khách dịp hè.
Từ câu chuyện bỏ phố về rừng của bản thân, chị Quyền chia sẻ mọi thứ bắt đầu đều có thử thách nên hãy xem đó là trải nghiệm chỉ có được chứ không mất.
“Hãy thử thay đổi bản thân, công việc, vùng đất sống. Hãy thử làm hết mọi thứ nếu bản thân còn chịu được và yêu thích thì hãy bắt đầu gắn bó. Không phải ai về rừng rồi cũng sẽ thành công, mà đôi khi sẽ thất vọng nếu không chuẩn bị hành trang thật kỹ lưỡng hoặc mang quá nhiều hy vọng”, chị nhắn nhủ.
|
Chị Ngọc Quyền mong người trẻ suy nghĩ kỹ và có sự chuẩn bị nhất định trước khi bỏ phố về rừng.
|
Theo chị Quyền, về rừng chưa bao giờ là về hưu mà là đổi công việc. Từ công việc nhẹ nhàng, ngồi trong máy lạnh chuyển sang làm việc chân tay và đòi hỏi kỹ năng sống cần nhiều hơn. Vì thế, nếu không phù hợp, hãy xem đó là hành trình trải nghiệm.
“Quan trọng là phải sống thực tế, ở đâu cũng có sướng, khổ riêng. Đừng đọc và xem nhiều người vẽ bức tranh êm ả của núi rừng, nhìn thành quả của cá nhân khác mà trầm trồ thích thú và nghĩ rằng mình sẽ được như thế. Chẳng mấy ai đưa hình ảnh lúc lấm lem, cơ cực cả vì lúc đó chẳng còn thời giờ để quay phim hay chụp ảnh”, chị nói.