Khi yêu thật lòng, nhiều chàng trai bất chấp chuyện bạn gái bị bệnh tật hay thường xuyên ốm đau. Từng mơ về “ngôi nhà và những đứa trẻ” khi quen Nguyệt nhưng Thạch lao tâm khổ tứ rất nhiều vì bạn gái bị trầm cảm nặng, mỗi lần vào bệnh viện phải mất 1 tháng điều trị, trong khi bản thân anh lại mắc bệnh tim bẩm sinh.
|
Ảnh minh họa. |
Nghe bạn thân, Thạch lo sợ khi nghĩ đến viễn cảnh hai vợ chồng thay nhau vào bệnh viện rồi con cái không khỏe mạnh và phát triển không được bình thường. Thế là anh quyết định bỏ rơi bạn gái dù vẫn rất yêu cô.
Tâm sự của chàng trai mắc bệnh tim bỏ rơi bạn gái bị trầm cảm khiến dân mạng tranh cãi:
Tôi vừa phục hồi sau một tháng nằm viện. Hôm nay ra ngoài ban công hóng gió, vô tình có lướt Facebook thấy người ta chia sẻ về status của một bạn nam bỏ rơi người yêu chỉ vì cô ấy hay đau ốm thường xuyên, nên bỗng nghĩ về câu chuyện của mình.
Hơn bốn tháng kể từ ngày tôi rời xa cô ấy, người con gái tôi đã yêu và hiện vẫn còn rất yêu. Đúng vậy, tôi ra đi vì cô ấy bị bệnh trầm cảm dẫn đến mất ngủ. Ban đầu khi mới quen và yêu, tôi không hề biết cô ấy bị trầm cảm. Về sau, khi thường xuyên đến nhà chơi, tôi mới phát hiện ra điều đó. Trong thời gian đó, cô ấy có ra bệnh viện ở Hà Nội để điều trị, mỗi lần đi đến cả tháng trời.
Về sau nhờ một số mối quan hệ, bạn bè dò la, tôi biết được rằng cô ấy bị trầm cảm bốn năm nay rồi. Mỗi năm thường ra bệnh viện đôi ba lần. Khoảng thời gian phát hiện bệnh tình của cô ấy, tôi đấu tranh tâm lý rất nhiều. Tôi vẫn yêu và chăm sóc, hỏi han cô ấy mỗi ngày. Thế nhưng, điều đó chẳng có ý nghĩa gì khi một ngày tôi quyết định rời xa cô ấy mà không nói bất kỳ lý do hay để lại tin nhắn nào.
Tôi là thằng con trai sinh ra trong một gia đình khá giả. Chuyện yêu đương hay kết hôn đều không gặp phải bất kỳ sự ngăn cản nào cả, nhưng từ nhỏ đã mắc bệnh tim bẩm sinh. Trải qua ba lần phẫu thuật, kể từ năm 2009 đến nay, cơ thể tôi khỏe mạnh trở lại
Tôi còn có thể đến phòng gym để tập với cường độ cao trong vòng hai năm nay. Khoảng thời gian biết được chuyện của tôi, có đôi người bạn đã nói với tôi rằng: “Dù có yêu cô ấy thế nào thì cũng nên rời đi, bởi nếu mày là người bình thường thì không sao, còn đây mày đã là người mang bệnh nan y. Nếu yêu rồi cưới nó rồi cả hai vợ chồng thay nhau đến bệnh viện à? Hơn thế nữa, cô ấy và mày cần một nửa thật khỏe mạnh để những đứa trẻ sinh ra được khỏe mạnh và phát triển bình thường”.
Lời khuyên của họ ám ảnh tôi mãi, cuối cùng tôi ra đi mà không nói với cô ấy một lời, không lý do và không lời giải thích. Tôi cần thời gian để suy nghĩ về chuyện tình cảm của mình. Thế rồi hơn một tháng trước, cơ thể tôi có những cơn đau bất thường. Đi khám thì người ta bảo có di chứng của bệnh tim, cần phải làm phẫu thuật hai lần và tích cực điều trị để ổn định ngũ tạng. Đây mới chỉ là lần đầu, lần tiếp theo là đại phẫu với xác xuất thành công là 70%.
Thời khắc biết được bệnh tình của mình, tôi nghĩ rằng cả cuộc đời sẽ chẳng ở bên em và trở thành người đàn ông của em được. Tôi từng mất người còn gái mình thương, là mối tình đầu năm 17 tuổi sau vụ tai nạn giao thông. Điều đó ám ảnh tôi và làm tôi suy sụp suốt 6 năm trời. Vậy nên hơn ai hết, tôi biết cái giá của sự mất mát và trân trọng người mình yêu.
Ngày yêu em, tôi từng nghĩ em sẽ là người phụ nữ cuối cùng, là bến đỗ để đôi chân tôi dừng lại và nghĩ về một gia đình nhỏ. Thế nhưng, tất cả giờ đây chỉ còn là giấc mơ và nỗi dày vò vì nhớ nhung, yêu thương nhưng lại không thể ở bên cạnh.
Nhiều người chỉ trích hành động của Thạch vì có thể sẽ làm Nguyệt bị sốc và bệnh tình trầm trọng hơn. Có người khuyên anh nên ở bên chăm sóc bạn gái cho đến khi bệnh tình cô thuyên giảm, sau đó hẵng nói ra sự thật và chia tay cũng chưa muộn.
“Nếu là bạn, tôi sẽ quyết định nhân đạo hơn, giúp người yêu trị bệnh cho tâm lí ổn, rồi nói bị bệnh tim và cho cô ấy quyết định. Bệnh trầm cảm không chết nếu uống thuốc đủ, sống vui vẻ. Xong, mình sẽ ra đi. Ra đi vậy cũng được do bản thân mình và người đó chuẩn bị tâm lý trước rồi. Nếu ra đi đột ngột lúc đó, có gì thì tội con gái người ta lắm. Kết quả cuối cùng là chia tay nên làm sao để nhẹ nhàng, ít tổn thương cho người ta nhất. Bạn quyết định hơi nhẫn tâm”.
Một số người lại thấy Thạch có nỗi khổ riêng nên không sai khi hành động như vậy.
“Các bạn có yêu người trầm cảm bao giờ đâu. Các bạn nghĩ sao nếu người yêu chỉ cần một câu nói vô cùng nhẹ nhàng, nhưng lại có thể suy diễn ra 100 điều vô lý khác mà đòi tự tử? Mình không nói anh chàng này đúng, nhưng người ta cũng có cái nỗi khổ riêng. Các bạn rất ít tiếp xúc hoặc gắn bó với người trầm cảm thì làm sao biết áp lực của người bên cạnh họ được. Chỉ chúc cả hai người sớm hạnh phúc”;
“Không hiểu các bạn nghĩ sao nhưng mình thấy anh ấy không sai. Hai người ốm yếu đến với nhau sau này chỉ làm cuộc sống khổ hơn thôi. Gia đình bên chị kia mà biết anh có bệnh này, lại có di chứng, chắc người ta không đồng ý vì cần một người khoẻ mạnh lo cho con họ”.
Song song đó, vài người khuyên Thạch và Nguyệt nên ở bên, chăm sóc cho nhau và cùng chiến đấu để vượt qua bệnh tật.
“Nên ở cạnh người ta chứ. Bị trầm cảm, nếu ở bên những người hạnh phúc sẽ có khả năng hồi phục cao. Hai người đúng là bị bệnh nhưng mà yêu thương nhau, ở bên nhau lúc khó khăn còn tốt hơn nhiều, dù kết quả thế nào. Xin lỗi và yêu lại từ đầu đi anh;
“Tại sao lại rời xa nhau vì trầm cảm và bệnh tim? Bộ hai người chưa đủ đau à?”.
* Tên nhân vật đã thay đổi