Tối 21/7, nhiều diễn đàn mạng dành cho giới trẻ chia sẻ câu chuyện cô gái Lương Thị Hồng Vy (sinh năm 1992) tố một cặp đôi quỵt tiền công.
Phải theo hai vợ chồng lên Đà Lạt chụp ảnh rất vất vả, sửa hết 1.600 tấm, mất chi phí trang phục, trang điểm, nhưng đến khi thanh toán, chú rể lại chê hình xấu, không trả tiền và vẫn cầm hết ảnh.
Sự việc nhanh chóng thu hút sự chú ý, khiến nhiều người bất bình. Không ít dân mạng quyết định truy tìm tung tích của cặp đôi kia, với mong muốn đòi lại công bằng cho Hồng Vy.
Không may trùng danh tính, một Facebook mang tên Nguyen Van Ba đã bị nhầm thành chú rể Nguyễn Văn Ba và nhận "gạch đá" oan từ cộng đồng mạng.
|
Nhân vật bị "ném đá" vì nhầm là chú rể quỵt tiền ảnh cưới đã phải lên tiếng giải thích. Ảnh chụp màn hình. |
Chia sẻ trên trang cá nhân, Nguyễn Văn Ba giải thích, anh không quỵt tiền của ai, chưa có vợ, chưa từng chụp ảnh cưới, không đi Đà Lạt và đang là sinh viên, sống tại Onomichi, Hiroshima, Nhật Bản.
Văn Ba chụp lại những lời nhắn đến từ nhiều người không quen biết, chỉ trích và chửi bới anh bằng lời lẽ nặng nề, trong số đó có các nhiếp ảnh gia.
Chàng du học sinh phải "kêu trời" về việc bỗng dưng bị tấn công vì một lỗi không phải do mình: "Một ngày bị ăn chửi oan. F.A ế quá trời mà bị nói chụp hình cưới còn quỵt tiền. Cái tên Nguyễn Văn Ba đâu có lỗi gì?".
Các bức hình cá nhân, dòng trạng thái trước đó của anh cũng bị dân mạng mang ra chế giễu, chê bai. Một số người còn đe dọa sẽ đưa Văn Ba lên báo, ra công an, khiến anh nổi tiếng... vì tội danh mà anh không hề làm.
Hiện nay, trên Facebook Nguyen Van Ba, do sức ép quá lớn từ dư luận mà không cần biết đúng sai, bạn bè Bá đã phải vào an ủi và giải thích hộ chàng trai. Thậm chí, có người còn yêu cầu nữ nhiếp ảnh gia kia đăng tin đính chính, tránh gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người vô tội.
|
Những lời chửi bới, chỉ trích đến từ những người không quen. Ảnh chụp màn hình. |
Câu chuyện chú rể quỵt tiền ảnh cưới đang là tâm điểm quan tâm của dân mạng. Phần lớn đều lên án hai khách hàng "khó đỡ" kia. Ngoài ra, nhiều người trẻ cũng trải lòng chuyện đi làm bị chủ nợ tiền lương, khất tiền lương hoặc phạt tiền vô lý.
Thế nhưng, việc hồ đồ, vội vã, nhầm lẫn, không tìm hiểu kỹ sự việc của không ít dân mạng đã gây rắc rối và làm tổn thương cho một người vô tội. Đây cũng không phải lần đầu tiên chuyện này diễn ra.
Điển hình, trong tháng 6 vừa qua, chỉ vì cùng tên và năm sinh với người đứng đầu đường dây gái gọi, Nguyễn Thị Hảo (sinh năm 1994, cựu sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân) bất ngờ bị gán mác "má mì". Cuộc sống của 9X đảo lộn hoàn toàn, bạn bè, người không quen biết thường xuyên chê cười cô.
|
Hồng Nhung đính chính vẫn sống trên trang cá nhân. Ảnh chụp màn hình. |
Trước đó, Hồng Nhung - nạn nhân của một vụ cướp giật tại Hà Nội - chỉ bị khâu vài mũi trên đầu bỗng dưng trở thành người đã mất, sau khi các diễn đàn mạng đăng loạt ảnh cô khi bị ngã xe, nằm sấp mặt dưới đường, chảy rất nhiều máu cùng dòng trạng thái: "Giải Phóng này. Bị giật túi ngã chết luôn".
Ngày 20/7, diễn đàn hơn một triệu thành viên đăng tải thông tin chàng trai đánh người yêu gẫy cột sống tại Minh Khai, Hà Nội vì xích mích. Dân mạng lại được lan truyền "chuyện hot" và cam đoan rằng: cô sẽ không qua khỏi. Sự việc chỉ được giải quyết khi cảnh sát bác bỏ thông tin và cho biết, cô gái đang chờ kết quả chụp chiếu vùng đầu.
Một lần nữa, những câu chuyện ảo lại gây ra ảnh hưởng thật với người dùng. Dân mạng cần tiếp nhận và tìm kiếm thông tin một cách có ý thức để không làm ảnh hưởng tới cuộc sống của những người khác. Bởi đã có không ít bạn trẻ trở thành nạn nhân của hành động này.