Trải qua 21 mùa phát sóng và bước sang năm thứ 22, Đường Lên Đỉnh Olympia vẫn là sân chơi trí tuệ nổi bật nhất dành cho lứa học sinh THPT trên toàn quốc.
Để cuộc thi diễn ra suôn sẻ, đảm bảo tính học thuật cao thì các câu hỏi luôn được lựa chọn kỹ lưỡng. Có câu hỏi đầy hóc búa nhưng có câu hỏi khá dễ, chỉ là kiến thức thông thường trong sách giáo khoa.
Ở mỗi chương trình, người xem không chỉ ngưỡng mộ thí sinh giành vòng nguyệt quế mà còn học hỏi được nhiều kiến thức ở nhiều lĩnh vực.
Bên cạnh những câu hỏi "cân não" đòi hỏi thí sinh phải thực sự tập trung cao độ và có kiến thức cực chắc chắn mới có đưa ra đáp án chính xác thì chương trình cũng có nhiều câu hỏi thực tế đơn giản thách thức sự tập trung của thí sinh.
Một câu hỏi ở cuộc thi tháng phát sóng hồi tháng 10 có nội dung khá đơn giản là: "Nhìn vào ảnh đã cho và xác định có bao nhiêu hình tròn xuất hiện?".
Trong khi 2 thí sinh nhanh tay hơn cho biết đáp án là 5 thì 2 thí sinh còn lại lần lượt có câu trả lời là 4 và 6. Đáp án được MC công bố là 5 và chỉ có 2 người giành được điểm.
Có thể thấy, hình vẽ tạo hiệu ứng thị giác nhằm đánh lừa ánh nhìn của thí sinh nhưng lại không quá phức tạp mà chỉ cần để ý và đếm lần lượt từ trái sang phải số vòng tròn xuất hiện là đã có thể cho ra đáp án đúng. Có lẽ vì thời gian gấp rút chỉ trong 10 giây khiến thí sinh cho ra câu trả lời chưa chính xác.
Một câu hỏi Olympia ở trận thi Quý I năm thứ 19 cũng thú hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Câu hỏi có nội dung: "Một năm đối xứng là năm mà viết xuôi hay ngược đều như nhau, ví dụ 2002 là năm đối xứng. Hỏi từ năm 10 sau công nguyên đến năm 2018 có bao nhiêu năm đối xứng?".
Với câu hỏi này, nam sinh Trần Thế Trung (Quán quân Olympia năm thứ 19) liên tục thay đổi đáp án trong vòng 20 giây với các con số như 21, 31 hay 30. Nhưng trong đó, không có câu trả lời nào chính xác.
Kể cả đến khi nhường cơ hội cho các thí sinh cùng chơi thì vẫn không ai tìm ra được đáp án cho câu hỏi này. MC Diệp Chi sau đó cho biết, đáp số phải là 110 năm.
Theo đó dân mạng giải thích cho đáp án của chương trình như sau: Trong thời gian từ năm 10 đến 2018, có 9 năm có 2 số trùng nhau, 90 năm có 3 số có thể viết đối xứng, 11 năm có 4 số có thể viết đối xứng.
Trong mùa thi Olympia năm thứ 21 có một câu hỏi Khởi động tương đối dễ nhưng dưới góc nhìn của Ban biên tập, chương trình đã cài cắm thêm một chi tiết thừa vào để "giăng bẫy" thí sinh. Câu hỏi có nội dung: "Số tự nhiên nào là số tự nhiên nhỏ nhất có 7 chữ số lớn hơn 999999?".
Thí sinh đối mặt với câu hỏi này vì quá gấp nên đã bỏ qua dù cậu bạn đã có màn thể hiện xuất sắc ở các câu hỏi khác. Nhưng nếu có thêm chút thời gian có lẽ nam sinh đã có câu trả lời chính xác.
Theo đó, số tự nhiên cần tìm là con số 1.000.000. Đây là số tự nhiên nhỏ nhất có 7 chữ số, và tất nhiên nó phải lớn hơn số 999.999 vốn chỉ có 6 chữ số. Chính chi tiết này khiến thí sinh có đôi phần hoang mang và nếu bỏ hẳn ra, không đưa vào nội dung câu hỏi thì người chơi cũng có thể dễ dàng tìm ra đáp án.
Cũng trong mùa thi thứ 21, một câu hỏi Khởi động khác đã gây chú ý. Câu hỏi có nội dung: "Nếu tổng của hai số tự nhiên là một số lẻ thì tích của chúng có thể là một số lẻ được không?".
Đáp án của câu hỏi là "Không", trước đó không ít người từng lầm tưởng tích của hai số tự nhiên trong đó có 1 số lẻ thì có thể lẻ. Để giải thích cho câu hỏi trên, một số "nhà toán học online" đã để lại bình luận như sau:
Số chẵn là 2n
Số lẻ 2k 1
2n(2k 1) chia hết 2 với mọi n, k thuộc N nên đáp án là không vì số chẵn nhân số lẻ sẽ ra số chẵn.
Một cách giải thích dễ hiểu hơn: Tổng 2 số tự nhiên lẻ tức là a lẻ b chẵn hoặc a chẵn b lẻ. Tích a vs b chắc chắn là chẵn.
Có thể thấy các câu hỏi trên đều là kiến thức không quá khó tuy nhiên có lẽ do thời gian trả lời chỉ 10 giây cộng thêm việc tâm lý thi đấu nên các nhà leo núi của chúng ta đã đưa ra những câu trả lời chưa thật sự chính xác.