|
Nhiều bạn trẻ cho biết họ thích cảm giác cắm trại dưới mưa, ẩn mình trong lều để tận hưởng không khí ở Đà Lạt. |
Vùng cao nguyên Lâm Viên mùa nắng vốn đã mang lại cho du khách cảm giác thơ mộng, song khi trời đổ mưa càng khiến cảnh quan nơi đây trở nên lãng mạn và trầm lắng. Vào mùa này, người dân, du khách thích thú hạ trại ở trên đồi, ven suối để tận hưởng tiết trời se lạnh.
"Cắm trại ở Đà Lạt vào mùa mưa càng phải trang bị dụng cụ, thuốc men đầy đủ hơn", chủ một cơ sở kinh doanh loại hình cắm trại ở cao nguyên Lâm Viên cho hay.
Hạ trại ở đâu?
Tại Đà Lạt (Lâm Đồng), nhóm đất feralit (có màu đỏ) chiếm phần lớn diện tích, cộng thêm khí hậu ôn hòa, đây là thành phố thích hợp để phát triển các loài hoa. Tuy nhiên, đối với hoạt động cắm trại, loại đất này không phải là địa hình phù hợp cho du khách hạ trại.
Điểm hạn chế của nhóm đất feralit là đất có độ dốc tương đối lớn, dễ bị rửa trôi khi mùa mưa đến. Theo Hồng Huy (ngụ Đà Lạt), với hơn một năm thường xuyên đi cắm trại, Huy cho biết du khách nên chọn các bãi cắm phù hợp với phương tiện di chuyển.
“Đối với người chưa có nhiều kinh nghiệm hoặc lần đầu cắm trại, lựa chọn các cơ sở kinh doanh loại hình cắm trại là thuận tiện nhất. Ngược lại, bạn trẻ đam mê cắm trại tự túc nên chọn địa điểm dễ di chuyển vì trời mưa nên đường trơn trượt, bánh xe khó bám đường, thậm chí có trường hợp bánh xe lún sâu vào bùn đất, mất nhiều thời gian để xử lý, chất lượng trải nghiệm cũng bị ảnh hưởng”, người này chia sẻ.
|
Lều cắm trại nên được đầu tư để đảm bảo trải nghiệm trong suốt chuyến đi. |
Ngoài ra, mùa mưa ở Đà Lạt cũng thất thường, có hôm trời mưa lất phất, thoáng chốc sẽ tạnh, có hôm trời đổ mưa như trút nước kèm gió kéo dài cả ngày. Du khách không nên chọn địa điểm quá trống trải, lều trại nhẹ hoặc cắm không chắc chắn sẽ bị thổi bay khi gió lớn.
Trong trường hợp mưa như trút nước, vị trí đặt lều cũng cần phải lưu ý. Lều nên đặt ở nơi thoát nước tốt, người cắm trại có thể sử dụng vật dụng đi kèm như xẻng dùng đào rãnh để thoát nước.
Chất lượng lều cũng cần được chú trọng khi cắm trại vào tháng mưa. Nguyễn Ngọc Sơn (ngụ TP.HCM), có kinh nghiệm hơn ba năm cắm trại, cho biết việc đầu tư vật dụng, dụng cụ chất lượng là rất quan trọng. "Lều sử dụng trong cắm trại phải có độ bền cao, kèm khả năng chống nước mỗi khi trời mưa lâu".
Trang bị gì?
Thời tiết ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho một số côn trùng sinh sôi và phát triển, đặc biệt là vùng có cây cối rậm rạp như Đà Lạt. Khi du khách hạ trại ở những địa điểm hoang vắng, ít có sự xuất hiện của con người, các loài côn trùng gây hại như vắt, ruồi vàng, muỗi xâm chiếm vùng đất này.
"Con vắt hút máu người. Phải đến khi loài vật này hút đầy máu, cơ thể nó phồng lên thì người bị cắn mới cảm giác đau buốt", chị Mai Trâm (ngụ Hà Nội) kể lại trải nghiệm đáng nhớ vào một lần bị vắt cắn.
|
Người trẻ chuộng loại hình cắm trại săn mây. |
Con vắt và ruồi vàng đều hút máu người. Ruồi vàng bé như con muỗi, nhưng gây sát thương cao. Anh Ngọc Sơn từng bị ruồi vàng đốt kể: "Loài này cắn rất ngọt, di chứng sau khi bị cắn là bạn càng gãi sẽ càng ngứa, thậm chí có thể thành ghẻ nếu không điều trị đúng cách. Qua một tháng cơn ngứa sẽ đỡ hơn nhưng không dứt điểm".
Ruồi vàng xuất hiện vào lúc sáng sớm và khi chiều tối. Để tránh bị chúng tấn công, du khách nên bôi thuốc chống côn trùng và mặc quần áo dài, phủ kín toàn thân, đặc biệt khi có trẻ con đi cùng, người lớn cần phải trang bị đồ bảo hộ cho trẻ.
Buổi tối là thời điểm côn trùng hoành hành. Du khách có thể phủ miếng lưới chống côn trùng xung quanh lều, mang theo đèn măng xông hoặc đèn LED vàng để thu hút sự chú ý của chúng về một điểm cách xa nơi sinh hoạt.
Ngoài ra, nhiều du khách có sở thích hạ trại ở trên đồi cao để tiện cho việc săn mây vào sáng sớm. Đối với trường hợp này, du khách cần trang bị đôi ủng cao su để di chuyển lên đồi trong thời tiết ẩm ướt, địa hình trơn trượt.