Cà rốt chấm mù tạt - trào lưu ăn kiêng độc hại từ TikTok

Google News

Những video chia sẻ chế độ ăn kiêng khắc nghiệt trên TikTok có nguy cơ khiến người học theo bị rối loạn ăn uống, ảnh hưởng sức khỏe về lâu dài.

Thử thách "ăn cà rốt chấm mù tạt để giảm cân" trên TikTok đang là chủ đề gây tranh cãi. Việc ăn cà rốt chấm mù tạt được cho sẽ gây nên chứng rối loạn ăn uống với người học theo nó.

Đây là một phần của trend "Tôi đã ăn gì trong một ngày" (What I ate in a day) đang được nhiều người trẻ hưởng ứng. Song nó không phải vô hại như nhiều người vẫn tưởng, theo New York Post.

"Nhiều người khoe những gì họ ăn trong một ngày, chỉ vỏn vẹn 900 calo, người khác nhìn vào đó và nghĩ rằng 'Chà, nếu ăn chính xác như thế, mình sẽ có vóc dáng đẹp như cô ấy'. Nhưng nếu làm vậy họ có thể bị đói, gây nguy hại sức khỏe về lâu dài", chuyên gia dinh dưỡng Jenna Werner nói.

Ca rot cham mu tat - trao luu an kieng doc hai tu TikTok

Nhiều sao TikTok khoe mỗi ngày chỉ ăn chút hoa quả và rau xanh để giảm cân khiến người xem lầm tưởng đó là điều lành mạnh.

Werner từng im lặng khi nhìn thấy những xu hướng kiểu đó trên mạng, song khi thấy chúng ngày càng lan truyền mạnh mẽ, cô cảm thấy không thể đứng ngoài cuộc thêm nữa.

Gần đây, chuyên gia dinh dưỡng 33 tuổi đã đăng video để cảnh báo về kiểu ăn kiêng không lành mạnh này.

"Người ta đăng những clip với tiêu đề 'Đây là những thứ tôi đã ăn để giảm cân' nhằm câu tương tác. Họ đăng như vậy nhưng chưa chắc họ thực hiện đúng theo chế độ đó", Werner nhận định.

Cô lo ngại rằng nhiều ngôi sao TikTok đang cổ súy cho lối ăn uống không lành mạnh, như giảm cân bằng uống giấm táo, nước chanh pha với nước ấm hay ăn cà rốt chấm mù tạt. Điều đó gây hại khi nhiều người trẻ đang theo dõi họ trên ứng dụng này mỗi ngày và lầm tưởng nó là phương pháp đúng.

Khoảng 60% trong số 800 triệu người dùng TikTok thuộc độ tuổi từ 16-24 và 32,5% người dùng tại Mỹ có độ tuổi từ 10-19. Họ đang ngày ngày tiếp nhận những thông điệp sai lầm về chế độ ăn uống từ các video trên nền tảng này.

Brittani Lancaster (22 tuổi, Influencer) nổi tiếng khi đăng loạt video với nội dung: "Những gì tôi ăn mỗi ngày để thoát khỏi chứng rối loạn ăn uống". Sau thời gian vật lộn với chứng biếng ăn, cô hy vọng thông qua những nội dung sáng tạo của mình để mọi người có nhận thức đúng đắn.

Trước đây, Lancaster từng theo chế độ ăn kiêng khắc nghiệt mà không lường trước những hậu quả mình phải gánh. "Tôi bị thiếu vitamin, mất cân bằng nội tiết tố, mất kinh nguyệt, mọc mụn trứng cá, rụng mất nửa số tóc và phải mất 2 năm để tóc tôi trở lại bình thường".

Từ trải nghiệm của mình, Lancaster hiểu được tầm quan trọng của việc chia sẻ nội dung chân thực trên mạng xã hội. Cô sợ rằng nhiều người trẻ tuổi đang không hiểu được mức độ nghiêm trọng của chuyện cố giảm cân bằng cách ăn kiêng quá mức.

"Tôi muốn mọi người nhìn vào những gì tôi ăn trong ngày để hiểu rằng họ cần ăn lượng thức ăn bình thường để trở thành người khỏe mạnh".

Ca rot cham mu tat - trao luu an kieng doc hai tu TikTok-Hinh-2

Ca rot cham mu tat - trao luu an kieng doc hai tu TikTok-Hinh-3

Trào lưu khoe cách ăn kiêng theo hướng khắc nghiệt trên TikTok của nhiều người bị xem là ảnh hướng xấu cho giới trẻ.

Hiệp hội Rối loạn Ăn uống Trung Đông (MEEDA), một tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và cung cấp nguồn lực cho những người mắc chứng rối loạn ăn uống, đã báo cáo nội dung thiếu lành mạnh trên TikTok.

Carine El Khazen, nhà tâm lý học lâm sàng thuộc nhóm MEEDA, cho biết một trong những cơ chế chính của rối loạn ăn uống là người bệnh so sánh mình với người khác. Những thanh thiếu niên dễ bị tổn thương có xu hướng so sánh như vậy khi còn trẻ, và các nội dung tiêu cực trên TikTok đang thúc đẩy điều đó trở nên sâu đậm hơn.

Tuy nhiên, phía TikTok nói rằng họ không thể hành động vì về mặt kỹ thuật, những video đó không vi phạm các nguyên tắc cộng đồng của họ.

Đáp lại những chỉ trích, một đại diện phát ngôn của TikTok nói với trang The Post: "Chúng tôi quan tâm đến những người dùng có thể bị rối loạn ăn uống. Nội dung liên quan đến khuyến khích tự làm hại hoàn toàn trái ngược với nguyên tắc cộng đồng của chúng tôi và sẽ bị xóa".

Theo đó, Nguyên tắc cộng đồng của ứng dụng này quy định các nội dung khuyến khích "tự làm hại" bao gồm thúc đẩy thói quen ăn uống có khả năng gây ra các vấn đề về sức khỏe, hỗ trợ giảm cân hoặc hành vi nguy hiểm khác để giảm cân. Những nội dung vi phạm được tuyên bố sẽ bị xóa bỏ.

Werner và nhiều người khác cho rằng sự kiểm soát nội dung vẫn còn nhiều lỗ hổng. Cô cùng những người khác đang cố gắng để thay đổi nhận thức, giúp người trẻ có cái nhìn đúng đắn và yêu bản thân hơn.

Theo Đinh Phạm/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)