Bố đơn thân vừa chăm con, vừa luyện tập cho SEA Games 32

Google News

Bboy Trần Tuấn Nghĩa (sinh năm 1991) là một trong 4 vận động viên thuộc đội tuyển Breaking Việt Nam tham dự SEA Games 32.

Tôi là Bboy Trần Tuấn Nghĩa (sinh năm 1991), một trong 4 vận động viên thuộc đội tuyển Breaking Việt Nam tham dự SEA Games 32. Tôi sẽ đồng hành với Bboy Nguyễn Thành Đạt và hai Bgirl Trần Huỳnh Như, Nguyễn Thị Hồng Trâm và huấn luyện viên Phạm Khánh Linh. Ngày 14/5, chúng tôi sẽ lên đường sang Campuchia. 
Đội tuyển được thành lập từ tháng 2, tuyển chọn thông qua sự kiện Hà Nội All in One. Tuy nhiên, phải đến hai tháng gần đây chúng tôi mới có thể bắt đầu tập trung tập luyện cho giải đấu bởi liên quan nhiều thủ tục hành chính, các thành viên cũng phải sắp xếp, tạm gác lại công việc chính.
Bo don than vua cham con, vua luyen tap cho SEA Games 32
 
Đối với tôi, một mối bận tâm khác còn là Xíu - cô con gái nhỏ, hiện học lớp 4. Tôi là bố đơn thân đã 8 năm nay. Cũng may một phần có ông bà hỗ trợ, tôi mới có thể vừa chăm sóc Xíu, vừa theo đuổi đam mê Breaking những năm qua.
Buổi sáng, sau khi Xíu tới trường, tôi cũng đến lớp dạy nhảy ở một trường mầm non tại quận Ba Đình. Đều đặn 6 ngày/tuần, tôi dạy các bé ở đây vận động, nhảy múa theo nhạc vào khung giờ 9h-11h, mỗi lớp kéo dài 30 phút. 
Vì học sinh còn nhỏ, tôi chủ yếu hướng dẫn vận động, nhảy múa đơn giản theo một số bài nhạc vui nhộn. Các động tác cũng cần được thực hiện chậm hơn để các bé có thể theo kịp. Trước đó, tôi phải theo học một khóa tâm lý trẻ em để có cách trò chuyện, hướng dẫn phù hợp độ tuổi này. 
Xong việc ở trường mầm non, tôi về nhà nghỉ ngơi, cho Xíu ăn trưa. Tôi không muốn dạy con theo hướng nghiêm khắc mà để con thoải mái, làm bạn với con. Nhiều khi ra ngoài, nói chuyện, chúng tôi được nhận xét giống hai anh em hơn là bố con. Tuy nhiên, những lúc cần, tôi vẫn sẽ nghiêm để uốn nắn, định hướng con. 
Tôi vui vì con cũng coi tôi như một người bạn, thoải mái chia sẻ chuyện ở trường, lớp, thậm chí được bạn nào viết thư “tỏ tình”. Mỗi khi đưa lời khuyên, tôi cũng cố gắng đặt mình vào vị trí, góc nhìn của con để cảm nhận. 
Vì nhà gần trường, Xíu đi học không quá vất vả. Có hôm tôi đưa đi, có hôm bé tự đi bộ hoặc chạy xe đạp. Một phần vì hoàn cảnh, một phần do tính cách, con khá tự lập, cứng cỏi và không dựa dẫm nhiều vào gia đình. 
14h, tôi đến phòng tập để chuẩn bị cho SEA Games 32. Thú thực, cả 4 chúng tôi đều đang không đạt trạng thái sức khỏe tốt nhất. Vốn quen tập khoảng 2-3 tiếng/ngày, nay chúng tôi vận động gấp đôi, chưa kể vẫn phải duy trì các công việc kiếm tiền chính. 
Từ tháng 3, phần sau đầu gối chân trái tôi còn bị co cứng, không thể thực hiện các động tác dồn lực quá nhiều, liên tục. Tôi được bác sĩ khuyên hạn chế vận động mạnh song thời gian này, tôi chắc chắn không thể làm vậy. 
Trước mỗi buổi tập, ngoài giãn cơ, tôi phải bó chặt lại phần đầu gối để trụ được. Thời gian này, chúng tôi chủ yếu rèn sức bền, nhuần nhuyễn và trau chuốt các động tác, kỹ thuật đã nắm vững thay vì cố tập động tác mới, tránh rủi ro chấn thương trước ngày thi đấu. 
Anh Linh góp ý rằng những đặc trưng, kỹ thuật cá nhân của tôi đã ổn, song cần chú ý hơn các chuyển động toprock (cử động phần thân trên thoải mái theo điệu nhạc trước khi thực hiện các kỹ thuật khác). Là đàn anh kỳ cựu trong nghề, anh Linh giúp tôi vững tâm và cảm thấy tự tin hơn nhiều khi được anh hướng dẫn, hỗ trợ. 
Chỉ còn vài ngày nữa là thi đấu, chúng tôi vẫn khá mù mờ về địa điểm, cách thức tổ chức bộ môn Breaking tại SEA Games, thậm chí ban tổ chức chưa công bố DJ nào sẽ chơi nhạc, ban giám khảo là ai. Dù vậy, như lời huấn luyện viên nói, chúng tôi tập luyện với tinh thần hết mình, sẵn sàng ứng biến mọi tình huống vì màu cờ sắc áo. 
Sau giờ cơm tối, tôi lại tiếp tục tập luyện, nhưng lần này nhẹ nhàng hơn, chủ yếu giao lưu với các Bboy, Bgirl khác. Trước khi là đại diện Việt Nam thi đấu SEA Games, tôi vẫn thường cùng mọi người tụ tập, góp ý cho nhau như vậy.
Chúng tôi không còn nhiều thời gian nên những ngày này là thời điểm nước rút với cả đội. Chúng tôi tập luyện 6-7 tiếng mỗi ngày, thậm chí hơn. 
Đến với nhảy múa từ năm 2003, tập Breaking từ cuối năm lớp 11, với tôi, đây không chỉ là một bộ môn nghệ thuật mà còn là nơi tôi thể hiện đam mê, quen biết nhiều anh em, bạn bè chung sở thích. Ngoài Breaking, tôi từng nhảy sexy dance, C Walk và có chứng chỉ dạy zumba. Mỗi bộ môn có sức hấp dẫn và những yêu cầu, kỹ thuật riêng cần chinh phục.
Chúng tôi sẽ trở lại Việt Nam ngay sau khi hoàn thành phần thi đấu vào chiều 16/5. Hành trang của tôi sẽ gói gọn trong chiếc balo được phát bên cạnh đồng phục, mũ. Dù được phát sẵn giày, tôi quyết định sử dụng giày riêng khi thi đấu. Với một Bboy, một đôi giày vừa vặn, thoải mái đóng vai trò rất quan trọng.
Từng giành vị trí nhất, nhì tại 98 giải đấu còn con số tham gia không nhớ nổi, đối với tôi, SEA Games 32 vẫn là giải đấu đặc biệt nhất. Không chỉ đại diện cho màu cờ sắc áo, đây còn là cơ hội để tôi và đồng đội truyền lửa cho các Bboy, Bgirl trẻ, đánh dấu sự công nhận của xã hội và đem lại nhiều cơ hội hơn cho bộ môn nghệ thuật xuất phát từ đường phố.
Theo Thành Đông, Ánh Hoàng/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)