Theo AFP, theo dõi trận chung kết World Cup hôm 18/12, ông Ahmed Al-Salem rất xúc động trước khoảnh khắc Tiểu vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani choàng chiếc áo đen lên vai Lionel Messi - chân sút đã trở thành GOAT với nhiều người sau kỳ World Cup ở Qatar.
Chiếc áo này có tên "bisht", trang phục truyền thống dành cho nam giới. Chiếc áo này thường được các nhà lãnh đạo Hồi giáo hay quan chức Chính phủ sử dụng trong những dịp đặc biệt. Đó là biểu tượng của quyền lực ở Qatar.
Chiếc áo trị giá 2.200 USD và được sản xuất bởi công ty gia đình của ông Salem.
Biểu tượng quyền lực ở Qatar
Cửa hàng của gia đình ông Salem nằm ở khu chợ trung tâm Souq Waqif tại thủ đô Doha. Trước trận chung kết, hai chiếc áo choàng may tay tinh xảo đã được trao cho các quan chức World Cup, một chiếc dành cho Messi, một chiếc dài rộng hơn, vừa với đội trưởng Hugo Lloris của tuyển Pháp.
"Chúng tôi không biết những chiếc áo sẽ dành cho ai và đã rất ngạc nhiên", ông Salem nhớ lại khoảnh khắc tiểu vương Qatar trao trang phục địa phương cho "El Pulga". Rồi ông nhanh chóng nhận ra mác của công ty gia đình mình.
Giờ đây, ông Salem có thể ăn mừng chiến thắng của chính mình trong kỳ World Cup năm nay.
|
Người hâm mộ săn lùng chiếc áo choàng đen được trao cho Messi vào đêm chung kết World Cup. Ảnh: AFP.
|
Cửa hàng Al-Salem thường bán 8-10 chiếc áo mỗi ngày. Nhưng một ngày sau trận chung kết, doanh số bán hàng đã vọt lên 150 chiếc, trong đó có 3 chiếc là bản sao của bisht dành riêng cho Messi.
"Có thời điểm hàng chục người đứng xếp hàng bên ngoài cửa hàng", ông Salem chia sẻ. "Hầu hết là người Argentina", ông nói thêm.
Bên trong cửa hàng, 8 cổ động viên Argentina vừa choàng bisht, tay cầm bản sao của cúp vô địch World Cup, vừa hát vang Muchachos - ca khúc đã trở thành thương hiệu của đội tuyển Argentina.
Cách Qatar quảng bá hình ảnh
"Chúng tôi đều hạnh phúc khi chứng kiến khoảnh khắc ấy. Đó là món quà mà một vị vua trao cho một vị vua khác", anh Mauricio Garcia - một cổ động viên người Argentina - chia sẻ. Anh đã thử chiếc áo nhưng không mua vì giá quá đắt.
Việc nhà vô địch World Cup được Tiểu vương Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani trao trang phục của địa phương giống như một sự công nhận, tôn vinh đặc biệt của Qatar. Đó cũng là cách nước này quảng bá văn hóa đến toàn thế giới.
Theo bà Carole Gomez - một giáo sư tại University of Lausanne - đó là một khoảnh khắc rất quan trọng với Qatar. Bởi nước này đang tìm cách quảng bá hình ảnh đất nước thông qua World Cup.
"Chúng tôi đều hạnh phúc khi chứng kiến khoảnh khắc ấy. Đó là món quà mà một vị vua trao cho một vị vua khác", anh Mauricio Garcia - một cổ động viên người Argentina nói.
Ông John McManus - tác giả cuốn Inside Qatar - thừa nhận rằng rất khó để Qatar thu được lợi ích kinh tế đáng kể từ World Cup. Nhưng so với các nước chủ nhà trước đó, Qatar có thể hưởng lợi nhờ được cải thiện hình ảnh trên thế giới.
Thập kỷ tới là giai đoạn then chốt với các nước phụ thuộc vào nguồn thu từ nhiên liệu hóa thạch như Qatar. Và nước này muốn củng cố hình ảnh, để thế giới không chỉ nhớ tới họ như một quốc gia sản xuất nhiên liệu hóa thạch.
"Khi các quan chức World Cup đến cửa hàng, họ muốn loại vải nhẹ và trong suốt nhất có thể", ông Salem kể lại. "Mục đích dường như là để lộ áo đấu của Argentina", ông nói thêm.
Bisht được mặc nhiều ở quốc gia vùng Vịnh, nhưng Al-Salem là cửa hàng lớn nhất trong số 5 nhà sản xuất ở Qatar với khoảng 60 thợ may.
Mỗi bisht mất một tuần để thực hiện và trải qua 7 khâu. Ở phía trước áo và cánh tay, các đường tết từ sợi chỉ vàng được dát mỏng cũng do những thợ may khác nhau thực hiện.
Riêng với bisht của Messi, sợi chỉ vàng được nhập từ Đức, còn vải Najafi đến từ Nhật Bản.